Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Kế hoạch 1409/KH-UBND năm 2023 thực hiện Quyết định 1163/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược “Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” do tỉnh Bến Tre ban hành

Số hiệu 1409/KH-UBND
Ngày ban hành 14/03/2023
Ngày có hiệu lực 14/03/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bến Tre
Người ký Nguyễn Minh Cảnh
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1409/KH-UBND

Bến Tre, ngày 14 tháng 3 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 1163/QĐ-TTG CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHÊ DUYỆT CHIẾN LƯỢC “PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI TRONG NƯỚC GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045”

Thực hiện Quyết định số 1163/QĐ-TTg ngày 13/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược “Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (gọi tắt là Quyết định số 1163/QĐ-TTg); Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Quán triệt nghiêm túc vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của chiến lược phát triển thương mại trong nước đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung, của tỉnh Bến Tre nói riêng.

- Cụ thể hoá việc triển khai thực hiện Quyết định số 1163/QĐ-TTg, đảm bảo chất lượng, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh, đáp ứng đúng và đầy đủ yêu cầu, quan điểm, mục tiêu, định hướng chủ yếu, các nhiệm vụ, giải pháp phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

- Phát triển thương mại tại tỉnh Bến Tre hiện đại, văn minh, tăng trưởng nhanh, bền vững; đóng vai trò là động lực chủ yếu quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; kết nối tiêu dùng, tạo chuỗi cung ứng để phát huy năng lực, sức mạnh nội sinh của thị trường nội tỉnh; gắn với phát triển đa dạng về chế độ sở hữu, loại hình tổ chức và phương thức hoạt động của các thành phần kinh tế. Thu hút mạnh mẽ các nguồn lực xã hội để mở rộng mạng lưới kinh doanh, nhất là thị trường nông thôn, vùng sâu, vùng xa; phát huy được hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương và tận dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

2. Yêu cầu

- Việc quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện Quyết định số 1163/QĐ -TTg phải thực chất, không chiếu lệ, hình thức và thụ động; đòi hỏi sự năng động, sáng tạo, linh hoạt của cơ quan tham mưu, sự chung tay vào cuộc của các ngành, các địa phương.

- Phát triển thương mại phù hợp với quy luật khách quan và cam kết hội nhập kinh tế quốc tế; đi vào chiều sâu, đi đôi với hiệu quả đầu tư, gắn với quy mô, trình độ phát triển sản xuất và tiêu dùng ở từng giai đoạn; chú trọng xây dựng uy tín về sản phẩm và phát triển thương hiệu Việt, bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng; doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính; bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu và nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh trong tỉnh; có sự hài hoà, đồng bộ và từng bước hiện đại hoá cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ hoạt động thương mại, nhất là cần phải phát triển được các hình thức thương mại dựa trên nền tảng công nghệ mới, nền tảng số hoá, xác định thương mại điện tử giữ vị trí quan trọng để hiện đại hoá lĩnh vực thương mại trong tình hình mới.

- Tăng cường quản lý nhà nước, tạo động lực cho các doanh nghiệp trong tỉnh tham gia ổn định giá cả thị trường; xây dựng thương mại văn minh hiện đại gắn với bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp chân chính; bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng; bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

II. THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI TRONG TỈNH

1. Kết quả đạt được

- Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (TMBLHH & DTDVTD) của tỉnh năm 2020 đạt 51.790 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2020 là 11,85%; chiếm 45,69% trong cơ cấu GRDP của tỉnh. Trong đó tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 39.898 tỷ đồng, chiếm 77,04% trong TMBLHH & DTDVTD.

- Cơ cấu tổng mức bán buôn bán lẻ hàng hoá phân theo nhóm hàng: Nhóm hàng chiếm tỷ trọng cao nhất trong MBLHH vẫn là lương thực, thực phẩm, đồng thời tỷ trọng của nhóm hàng này đang có xu hướng tăng lên trong giai đoạn 2010-2015 và giảm dần trong giai đoạn 2016-2020, cụ thể: năm 2010 đạt 40,9%, năm 2015 chiếm 45,1%, nhưng năm 2020 chỉ còn là 42,2%; nhóm hàng gỗ và vật liệu xây dựng đang có tỷ trọng đứng thứ hai trong tổng MBLHH (lần lượt chiếm

11,2%, 12,5% và 13,3%); tiếp theo là nhóm hàng xăng dầu và các loại nhiên liệu khác nhưng có xu hướng giảm dần (11,1%; 11,3% và 10,3%)... Nhìn vào cơ cấu tổng mức bán buôn bán lẻ hàng hoá có thể thấy hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh vẫn chủ yếu phục vụ cho các mặt hàng thiết yếu, chi tiêu cho hàng tiêu dùng phi vật chất và mua sắm tài sản cố định, vật dụng có giá trị cao chưa nhiều.

- Các cửa hàng thương mại: Giai đoạn 2010-2020, hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn tỉnh tăng từ 65.447 hộ lên 79.560 hộ. Các cơ sở chủ yếu là kinh doanh các mặt hàng công nghiệp tiêu dùng, nông sản, thủy sản, kinh doanh vật tư nông nghiệp, nguyên nhiên liệu, vật liệu xây dựng... Trong đó, hộ kinh doanh cá thể của thuộc lĩnh vực thương mại 39.396 hộ vào năm 2020, chiếm 49,52% tổng hộ kinh doanh cá thể.

- Mạng lưới cửa hàng bán lẻ không ngừng phát triển về số lượng và chất lượng phục vụ. Ở thành phố, thị trấn các cửa hàng có quy mô lớn hơn, khang trang, phong phú hơn, một số cửa hàng chuyên doanh với hàng hóa có chất lượng cao và một số thương hiệu có uy tín,… đáp ứng được nhu cầu nâng cao chất lượng tiêu dùng của một bộ phận dân cư. Ở những vùng nông thôn, thương nhân cũng đã tổ chức các cơ sở đại lý, cửa hàng ủy thác, dịch vụ mua hàng qua điện thoại, internet,… Bên cạnh đó, các nhà sản xuất ngày càng chú trọng nhiều hơn việc phát triển mạng lưới phân phối riêng thông qua đại lý ủy thác và các nhà phân phối lớn, các công ty, doanh nghiệp tư nhân và hộ kinh doanh cá thể. Các cửa hàng, cửa hiệu kinh doanh độc lập đang có xu hướng phát triển theo phân khúc thị trường, phân chia lĩnh vực và địa bàn hoạt động. Cửa hàng tiện ích, cửa hàng tự chọn đã hình thành và phát triển với quy mô nhỏ làm tiền đề cho sự phát triển mạnh mẽ và lâu dài trong giai đoạn sau. Tính đến năm 2020, toàn tỉnh hiện có 171 chợ, 04 siêu thị, 02 trung tâm thương mại, 01 trung tâm mua sắm. Hệ thống bán lẻ hiện đại trên địa bàn tỉnh có 62 cửa hàng bán lẻ tiện lợi gồm 55 cửa hàng Bách hoá xanh và 7 cửa hàng Winmart phân bố rải rác ở các huyện, thành phố.

- Ngoài các hình thức thương mại truyền thống, hình thức thương mại điện tử của Bến Tre cũng bắt đầu phát triển, thứ hạng chỉ số thương mại điện tử của Bến Tre ngày càng tăng. Theo Báo cáo Chỉ số thương mại điện tử của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) công bố, chỉ số thương mại điện tử của tỉnh Bến Tre tăng từ vị trí 40/54 (năm 2014) lên đến 25/56, đứng thứ 3 Đồng bằng sông Cửu Long, sau Cần Thơ và Long An (năm 2022).

- Hạ tầng thương mại điện tử phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng: Mạng lưới viễn thông, internet đạt tốc độ phát triển nhanh, rộng khắp, đảm bảo cung cấp các dịch vụ về viễn thông và internet chất lượng tốt với nhiều loại hình phong phú, đa dạng phục vụ khách hàng và các doanh nghiệp. Tỉnh tăng cường đầu tư trang thiết bị công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý nhà nước, hành chính công. Phát triển mạnh các thiết bị di động thông minh tại các doanh nghiệp đã tạo ra nền tảng để phát triển thương mại điện tử.

- Tỉnh tập trung hỗ trợ thúc đẩy các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh tham gia thương mại điện tử như: Hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh xây dựng website thương mại điện tử; Các doanh nghiệp, cửa hàng bán lẻ ứng dụng phần mềm quản lý bán hàng thông minh; Các doanh nghiệp tham gia các sàn giao dịch điện tử: Lazada, Sendo, Tiki,...; tham gia Cổng Thương mại điện tử Quốc gia (ECVN), Cổng thông tin thị trường xuất khẩu (Vietnamexport). Hỗ trợ các doanh nghiệp quảng bá thương hiệu sản phẩm OCOP, đặc sản Bến Tre (giới thiệu, quảng bá thông tin doanh nghiệp, sản phẩm trên các công cụ trực tuyến như: YouTube, Google, Tạp chí điện tử,...). Xây dựng sàn giao dịch Thương mại điện tử “Đặc sản Bến Tre”; bộ công cụ quảng bá thương hiệu trực tuyến sản phẩm chủ lực của tỉnh Bến Tre,... Qua đó, từng bước tạo dựng môi trường, hệ sinh thái phát triển thương mại điện tử cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Nhiều tổ chức, cá nhân tổ chức triển khai, ứng dụng việc mua bán, trao đổi, cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trên môi trường mạng và thu được những kết quả nhất định từ việc thiết lập các website riêng, tham gia các sàn giao dịch Thương mại điện tử đến việc tạo lập các tài khoản trên mạng xã hội như Facebook, Zalo, Viber,...

- Hoạt động xúc tiến thương mại: Hàng năm phối hợp và tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp, HTX tham gia Hội chợ triển lãm, hội nghị giao thương, giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm chủ lực của tỉnh ở các kỳ hội chợ, triển lãm có tính chất khu vực, quốc tế được tổ chức tại vùng kinh tế trọng điểm, biên giới của cả nước... tăng cường tiêu thụ, kết nối cung cầu hàng hóa với các tỉnh, thành.

2. Hạn chế trong phát triển thương mại

- Mạng lưới bán lẻ hiện đại còn mỏng, loại hình cửa hàng tự chọn hay các siêu thị mini chưa phủ khắp các xã, chủ yếu ở khu vực thị trấn, thị tứ; các cửa hàng bán lẻ (phổ biến là hộ gia đình). Các siêu thị, trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm thời gian qua đã được quy hoạch nhưng chưa được thực hiện tại các huyện.

- Một số chợ trung tâm phường, thị trấn của tỉnh có lượng lớn thương nhân tham gia kinh doanh, nơi hoạt động mua bán phát triển,... nhưng vẫn chưa hiệu quả, nguồn thu từ chợ chưa đủ duy trì hoạt động và tái đầu tư chợ. Một phần hệ thống chợ đã xuống cấp chưa được đầu tư kịp thời. Có một số chợ được đầu tư xây dựng nhưng không hoạt động hoặc hoạt động không hiệu quả. Nguyên nhân phần lớn là vị trí chợ chưa phù hợp, tiểu thương không vào chợ kinh doanh hoặc vào chợ một thời gian rồi ngưng không kinh doanh. Tình trạng tụ điểm buôn bán tự phát vẫn tồn tại gây ùn tắc giao thông, mất cảnh quan đô thị, quan trọng hơn là làm ảnh hưởng đến các thương nhân kinh doanh trong hệ thống chợ, công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm còn hạn chế. Nhiều địa phương còn lúng túng trong kêu gọi đầu tư, quy trình xây dựng, thuê đất chưa đúng quy định…

- Việc triển khai và ứng dụng thương mại điện tử của doanh nghiệp cũng như của người dân trên địa bàn tỉnh vẫn còn ít. Sự sẵn sàng của các doanh nghiệp khi tham gia vào các hoạt động thương mại điện tử như cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trên môi trường mạng chưa cao. Tỷ lệ người tiêu dùng mua sắm thông qua thương mại điện tử còn hạn chế, chưa có thói quen mua hàng trực tuyến, chưa tin tưởng vào tính an toàn của giao dịch trực tuyến. Việc ứng dụng công nghệ thông tin và ứng dụng thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh mới được chú trọng trong khối các cơ quan nhà nước, trong khối doanh nghiệp còn nhiều hạn chế ở những cấp độ khác nhau. Một số doanh nghiệp có website nhưng chủ yếu hoạt động dưới dạng giới thiệu hoạt động của doanh nghiệp, mức độ ứng dụng giao dịch giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) và doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C) còn thấp, chưa chú trọng đến quảng bá thương hiệu, quảng bá sản phẩm. Do chưa nắm các quy định của pháp luật về thương mại điện tử nên một số doanh nghiệp xây dựng website thương mại điện tử không đăng ký hoặc thông báo với Bộ Công Thương,…

III. MỤC TIÊU

[...]