Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Kế hoạch 2732/KH-UBND năm 2023 thực hiện Quyết định 1163/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược “Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” do tỉnh Ninh Thuận ban hành

Số hiệu 2732/KH-UBND
Ngày ban hành 06/07/2023
Ngày có hiệu lực 06/07/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Thuận
Người ký Phan Tấn Cảnh
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2732/KH-UBND

Ninh Thuận, ngày 06 tháng 7 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 1163/QĐ-TTG NGÀY 13/7/2021 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHÊ DUYỆT CHIẾN LƯỢC “PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI TRONG NƯỚC GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045”

Thực hiện Quyết định số 1163/QĐ-TTg ngày 13/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược “Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (sau đây được viết tắt là Quyết định số 1163/QĐ-TTg), Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch triển khai trên địa bàn tỉnh, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích:

- Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp xác định trong Chiến lược “Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” tại Quyết định số 1163/QĐ-TTg đảm bảo chất lượng, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh, đáp ứng đúng và đầy đủ yêu cầu, quan điểm, mục tiêu, định hướng đã đề ra.

- Phát triển thương mại của tỉnh theo hướng hiện đại, văn minh, tăng trưởng nhanh, bền vững; kết nối tiêu dùng, tạo chuỗi cung ứng để phát huy năng lực, sức mạnh nội sinh của thị trường nội tỉnh; thu hút mạnh mẽ các nguồn lực xã hội để mở rộng mạng lưới kinh doanh, trong đó, quan tâm hơn nữa đến thị trường nông thôn, vùng sâu, vùng xa; phát huy được hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương và tận dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

2. Yêu cầu:

- Việc cụ thể hoá, triển khai thực hiện Quyết định số 1163/QĐ-TTg đảm bảo tính khả thi, hiệu quả, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.

- Trên cơ sở nhiệm vụ được phân công, các Sở, ngành chức năng của tỉnh chủ động đề xuất, phối hợp với Bộ, ngành Trung ương trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình, đề án, nhiệm vụ, giải pháp tại kế hoạch.

- Các hoạt động hưởng ứng, tuyên truyền, phổ biến và triển khai thực hiện cần được tổ chức thực hiện một cách thiết thực, hiệu quả, sáng tạo và tiết kiệm.

II. MỤC TIÊU:

1. Mục tiêu chung:

Phát triển thương mại trên địa bàn tỉnh theo hướng hiện đại, văn minh, phù hợp với quy mô, đặc điểm của tỉnh trong từng giai đoạn, đảm bảo tăng trưởng nhanh và bền vững; tạo cầu nối vững chắc giữa sản xuất với tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất ngày càng phát triển, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của Nhân dân, đảm bảo an ninh quốc phòng. Đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử nhằm nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Giai đoạn 2021 - 2030

- Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (TMBLHH&DTDVTD) (chưa loại trừ yếu tố giá) đạt tốc độ tăng bình quân 15-16%/năm;

- Phấn đấu đạt trên 40-45% doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực thương mại tham gia các sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước.

- Hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại phát triển đồng bộ, đa dạng, kết hợp hài hòa giữa thương mại truyền thống với thương mại hiện đại; hạ tầng thương mại khu vực thành thị được hiện đại hóa, áp dụng công nghệ số hóa trong quản lý, khai thác, vận hành hoạt động thương mại.

b) Giai đoạn 2031 - 2045

- Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (chưa loại trừ yếu tố giá) đạt tốc độ tăng bình quân 16-17/năm;

- Phấn đấu đạt trên 60% doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực thương mại tham gia các sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước.

- 100% các hệ thống hạ tầng thương mại khu vực thành thị vận hành dựa trên áp dụng công nghệ số; hạ tầng thương mại khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa phát triển đầy đủ theo quy hoạch; các loại hình thương mại hiện đại như cửa hàng tiện lợi, siêu thị, trung tâm thương mại chiếm số lượng lớn, chủ đạo trong phân phối bán lẻ hàng hoá trên thị trường.

- Hoàn thiện, hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, phòng chống cháy nổ…;

III. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN

1. Khuyến khích, thu hút hoạt động kinh doanh thương mại, đa dạng, phong phú chủng loại mặt hàng, sản phẩm và các loại hình hiện đại như: trung tâm thương mại, siêu thị chuyên doanh, cửa hàng tiện lợi. Củng cố, thiết lập thị trường, thích ứng với tình hình mới, từng bước phát triển thương mại trong tỉnh ổn định, bền vững, duy trì tốc độ tăng trưởng.

2. Xây dựng, phát triển hạ tầng thương mại đồng bộ, hiện đại, bền vững, phù hợp với điều kiện của tỉnh trong từng giai đoạn, vừa đáp ứng được nhu cầu lưu thông hàng hóa, vừa hướng đến xuất khẩu. Đặc biệt, chú trọng phát triển hạ tầng thương mại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Tập trung hình thành trung tâm logistics làm động lực cho các chuỗi cung ứng.

3. Triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp, các chủ thể tham gia vào chuỗi cung ứng hàng hoá, đặc biệt là hàng hoá nông sản để tăng cường kết nối giữa vùng sản xuất và tiêu thụ; khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã thương mại, hộ kinh doanh đổi mới phương thức hoạt động theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp.

[...]