Kế hoạch 118/KH-UBND năm 2020 về hành động giai đoạn 2020-2025 của tỉnh Lào Cai thực hiện chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030

Số hiệu 118/KH-UBND
Ngày ban hành 03/04/2020
Ngày có hiệu lực 03/04/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lào Cai
Người ký Hoàng Quốc Khánh
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 118/KH-UBND

Lào Cai, ngày 03 tháng 04 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

HÀNH ĐỘNG GIAI ĐOẠN 2020-2025 CỦA TỈNH LÀO CAI THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC DÂN SỐ VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2030

Phần thứ nhất

TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CÔNG TÁC DÂN SỐ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TRONG THỜI GIAN QUA

I. ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH CHUNG

Lào Cai là tỉnh miền núi, biên giới; diện tích tự nhiên 638.389 km2, có hơn 182 km đường biên giới giáp với tỉnh Vân Nam - Trung Quốc, có 7 huyện, 01 thị xã và 01 thành phố. Đến năm 2019, Dân số trung bình của tỉnh là 733.337 người, gồm 25 dân tộc (trong đó dân tộc Kinh chiếm 37%, H’mông chiếm 22%, Tày 15%, Dao chiếm 15%, Nùng chiếm 4%, Giáy chiếm 4%, các dân tộc đặc biệt ít người khác 3%). Trình độ dân trí không đồng đều giữa các vùng, người dân sinh sống chủ yếu làm nông lâm nghiệp, tập quán sản xuất canh tác còn lạc hậu, năng suất lao động thấp, còn đến 98 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo chiếm 21,33%.

II. KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC

1. Quy mô dân số và mức sinh

Thực hiện Chỉ thị số 23/2008/CT-TTg ngày 4/8/2008 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) và Chiến lược Dân số - Sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011-2020, Tỉnh Lào Cai đã đưa công tác dân số - KHHGĐ, Sức khỏe sinh sản vào chương trình công tác, đề án trọng tâm của Tỉnh ủy và có nhiều chính sách quan trọng để triển khai thực hiện. Qua 10 năm thực hiện Chiến lược Dân số - Sức khỏe sinh sản Việt Nam, nhiều mục tiêu quan trọng được hoàn thành, góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương, đó là: Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giảm từ 18,30‰ năm 2010 xuống còn 11,75‰ năm 2019; tỷ suất sinh thô giảm từ 24,4‰ năm 2010 xuống còn 17,12‰ năm 2019; Số con trung bình trên một người phụ nữ (TFR) giảm tương ứng từ 2,70 xuống còn 2,29 con; nhiều hoạt động nâng cao chất lượng dân số mới được triển khai đến tận vùng sâu, vùng xa. Nhận thức của toàn xã hội được nâng lên, quan niệm của nhân dân về hôn nhân, sinh đẻ đã có chuyển biến tích cực, mô hình gia đình ít con đã được đông đảo nhân dân hưởng ứng. Công tác dân số - KHHGĐ được chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo, là một trong các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của địa phương.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, công tác dân số - sức khỏe sinh sản tỉnh Lào Cai vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn thách thức về quy mô, cơ cấu và chất lượng dân số. Lào Cai còn trong nhóm có mức sinh cao trong toàn quốc, mức sinh trung bình toàn tỉnh tuy đã giảm mạnh nhưng có sự chênh lệch mức sinh lớn giữa các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh; còn đến 5/9 huyện, thị xã, thành phố có tỷ suất sinh thô trên 19‰. Tốc độ tăng tỷ số giới tính khi sinh được khống chế, song vẫn ở trong tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đó là 113,8 trẻ trai/100 trẻ gái (mức tự nhiên là 104-106).

Quy mô dân số tăng ở mức ổn định từ năm 1999 là 509.927 người tăng lên 615.840 người vào năm 2009 và đến năm 2019 là 733.337 người. Ước tính quy mô dân số của tỉnh Lào Cai đạt 812.063 người vào năm 2025.

2. Cơ cấu dân số

Cơ cấu dân số đã thay đổi tích cực, số lượng và tỷ trọng dân số phụ thuộc giảm, dân số trong độ tuổi lao động tăng nhanh. Dân số trong độ tuổi lao động (15-64 tuổi) năm 2019 là 64,15% so với tổng dân số toàn tỉnh.

Giai đoạn 2009 - 2019, tỷ trọng việc làm theo ngành có sự dịch chuyển rất tích cực theo hướng giảm tỷ trọng lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản và tăng tỷ trọng lao động trong khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Cơ cấu lao động dịch chuyển theo hướng tích cực, tỷ lệ lao động trong lĩnh vực công nghiệp - xây dựng chiếm 15,5%, dịch vụ chiếm 27,54%, tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông lâm nghiệp thủy sản chiếm 56,96%, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo nghề đang làm việc trong nền kinh tế là 19,70% (năm 2019).

Tỷ lệ dân tộc thiểu số chiếm 66,2%/tổng dân số toàn tỉnh vào năm 2019 (Toàn quốc là 14,6%; Trung du miền núi phía Bắc là 56,2%).

3. Chất lượng dân số

Chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm từ 26,0% năm 2010 xuống còn 18,3% năm 2019; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi giảm từ 40,7% năm 2010 xuống còn 32,9% năm 2019; tỷ suất tử vong trẻ dưới 1 tuổi (IMR) giảm xuống còn 8,51‰; tỷ suất chết trẻ em dưới 5 tuổi (U5MR) cũng giảm xuống còn 12,3‰. Tỷ số tử vong bà mẹ do tai biến sản khoa giảm xuống còn 0,35‰ (5/14.348).

Mạng lưới tầm soát chẩn đoán trước sinh và sơ sinh được mở rộng triển khai thực hiện trên địa bàn toàn tỉnh. Tuổi thọ trung bình của người dân Lào Cai cũng được nâng lên rõ rệt, năm 2010 tuổi thọ trung bình đạt 67,9 tuổi đến năm 2019 đạt 69,2 tuổi; tỷ lệ dân số tham gia BHYT đạt 98,91% (năm 2019).

4. Phân bố dân số

Mật độ dân số đã có sự phân bố chênh lệch giữa các vùng thành thị và nông thôn, giữa vùng sâu, vùng xa. Năm 2009 mật độ dân số trung bình của tỉnh là 96 người/km2 đến năm 2019 là 115 người/ km2 (Mật độ dân số của Việt Nam là 290 người/ km2; Trung du và miền núi phía Bắc là 132 người). Tỷ lệ dân số sinh sống ở thành thị tăng năm 2019 là 23,5%, còn lại chủ yếu sinh sống ở các vùng nông thôn và miền núi chiếm 76,5%.

5. Công tác truyền thông, giáo dục dân số

- Công tác truyền thông giáo dục được xác định là giải pháp cơ bản, được triển khai sâu rộng, thường xuyên ở tất cả các cấp, các ngành, các cơ quan đoàn thể, ở cộng đồng, từng gia đình và từng đối tượng.

- Nội dung truyền thông đa dạng sinh động, dễ hiểu được đưa vào các buổi nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt câu lạc bộ, các buổi sinh hoạt ngoại khóa tại các trường THCS, THPT, các buổi họp thôn, tổ dân phố tại cộng đồng.

- 100% viên chức dân số xã, phường, thị trấn đều có trình độ trung cấp trở lên và 82,3 được đào tạo chuẩn viên chức dân số cấp xã; 78,5% cộng tác viên dân số kiêm y tế thôn bản. Đây là đội ngũ tiên phong ở cơ sở “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” tuyên truyền vận động người dân thực hiện tốt chính sách Dân số - KHHGĐ trong thời gian qua.

- Tăng cường thời lượng phát sóng, chuyên mục, chuyên trang trên báo, đài, hệ thống loa truyền thanh xã kết hợp cùng các sản phẩm truyền thông như panô, áp phích, tờ rơi, sách mỏng, tranh lật, băng zôn tuyên truyền,… trong các buổi phát động chiến dịch, các buổi lễ ra quân, mít tinh, cổ động, đã lan tỏa thấm sâu vào cộng đồng xã hội.

6. Dịch vụ KHHGĐ

- Mạng lưới cung cấp dịch vụ KHHGĐ được mở rộng, phương thức cung cấp dịch vụ KHHGĐ cũng được đổi mới. Đến nay 100% trạm y tế tuyến xã đã có thể đáp ứng đầy đủ về cung cấp dịch vụ KHHGĐ, giúp người dân thuận tiện trong việc lựa chọn các biện pháp tránh thai (BPTT).

- Các phương tiện tránh thai (PTTT) đa dạng hóa trên cả 3 kênh: Miễn phí, tiếp thị xã hội và xã hội hóa phù hợp với nhu cầu và đối tượng ở từng vùng, từng dân tộc.

[...]
2
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ