Kế hoạch 1524/KH-UBND năm 2020 về thực hiện Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 tỉnh Ninh Thuận, giai đoạn năm 2020-2025

Số hiệu 1524/KH-UBND
Ngày ban hành 29/04/2020
Ngày có hiệu lực 29/04/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Thuận
Người ký Lê Văn Bình
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
--------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------

Số: 1524/KH-UBND

Ninh Thuận, ngày 29 tháng 4 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC DÂN SỐ VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2030 CỦA TỈNH NINH THUẬN, GIAI ĐOẠN 2020 - 2025

Thực hiện Quyết định số 1679/QĐ-TTg ngày 22/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030;

Thực hiện Kế hoạch số 94-KH/TU ngày 21/02/2018 của Tỉnh ủy về việc thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới;

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 tỉnh Ninh Thuận, giai đoạn năm 2020-2025 như sau:

Phần thứ nhất

TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CÔNG TÁC DÂN SỐ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TRONG THỜI GIAN QUA

I. Kết quả thực hiện công tác Dân số

1. Quy mô Dân số và mức sinh

Trong giai đoạn năm 2016 - 2019, mức sinh trên địa bàn tỉnh đã giảm mạnh từ 2,28 con/phụ nữ năm 2016[1] xuống còn 2,09 con/phụ nữ năm 20192; mức giảm bình quân 0,06 con/phụ nữ/năm và ước còn 2,08 con/phụ nữ vào năm 2020, đạt mục tiêu đã đề ra tại Nghị quyết số 71/2016/NQ-HĐND ngày 19/12/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2017-2020. Quy mô dân số tỉnh Ninh Thuận đến năm 2019 là 590.467 người2, dự kiến quy mô dân số năm 2020 là 593.000 người.

2. Cơ cấu Dân số

Tỷ số giới tính của tỉnh là 100,5 nam/100 nữ; tỷ trọng dân số từ 0 - 14 tuổi chiếm 27,1%; 15 - 64 tuổi chiếm 66,6%; 65 tuổi trở lên chiếm 6,3%; chỉ số già hóa dân số là 35,3%, mức bình quân cả nước là 48,8% và vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung là 52,2%. Như vậy, chỉ số già hóa dân số của tỉnh ta thấp hơn mức bình quân cả nước là 13,5% và vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung là 16,9%. Trong 10 năm qua chỉ số già hóa dân số của tỉnh Ninh Thuận đã tăng 12,1%, từ 23,2% năm 2009 lên 35,3% năm 2019, trong khi đó toàn quốc và vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung qua 2 cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009 và 2019 tỷ số này đã tăng tương ứng 13,1% và 12,9%2.

Tỷ số giới tính khi sinh của tỉnh hiện nay là 107,2 bé trai/100 bé gái, tỷ số này thấp hơn toàn quốc (111,5 bé trai/100 bé gái) và vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (109,4 bé trai/100 bé gái)2. Qua 2 cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009 và 2019 tỷ số giới tính khi sinh của tỉnh giảm 3,6 điểm phần trăm, từ 110,8 bé trai/100 bé gái giảm còn 107,2 bé trai/100 bé gái. Như vậy, tỷ số giới tính khi sinh đang tiệm cận mức cân bằng tự nhiên (103 - 107 trẻ em trai/100 trẻ em gái khi sinh), ngược lại ở tầm quốc gia lại xảy ra tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh theo hướng số trẻ em trai sinh ra nhiều hơn trẻ em gái (111,5 bé trai/100 bé gái).

3. Chất lượng Dân số

Tỷ lệ Dân số trong độ tuổi đi học trung học phổ thông nhưng không đi học của Ninh Thuận là 39,4%, cao hơn toàn quốc 13,5% và vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung 17,9%; tỷ lệ lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đã qua đào tạo có bằng, chứng chỉ của tỉnh là 18,7%, thấp hơn toàn quốc 4,4% và vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung 4%. Tỷ lệ phụ nữ 20 - 24 tuổi kết hôn lần đầu trước 18 tuổi là 14% cao hơn toàn quốc 4,9%. Tuổi thọ trung bình đạt 73 năm, bằng với mức bình quân vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, nhưng thấp hơn toàn quốc 0,6 năm2.

Trong thời gian qua, để thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng dân số, tỉnh ta đã và đang triển khai mô hình: tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân; sàng lọc trước sinh và sơ sinh để phát hiện sớm các dị tật ở trẻ, từ đó can thiệp điều trị sớm. Qua triển khai thực hiện mô hình tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân trên địa bàn tỉnh đã góp phần nâng cao nhận thức, kỹ năng thực hành chăm sóc sức khỏe sinh sản/ kế hoạch hóa gia đình (CSSKSS/KHHGĐ) cho vị thành niên, thanh niên. Đán “Sàng lọc trước sinh và sơ sinh” đã góp phần phát hiện nhiều trường hợp trẻ bị dị tật và kịp thời tư vấn, can thiệp chuyên môn để giúp các cháu khi ra đời bảo đảm về sức khỏe, thể chất. Tỷ lệ bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh đạt 2,04% năm 2015 đến năm 2019 tăng lên 30,8%; tỷ lệ trẻ sơ sinh được sàng lọc sau sinh đạt 3,8% năm 2015 đến năm 2019 tăng lên 60,03%. Như vậy, chỉ tiêu này đạt mục tiêu của tỉnh đề ra đến năm 2020 tỷ lệ bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh là 30%, tỷ lệ trẻ sơ sinh được sàng lọc là 50%.

4. Phân bố Dân số

Đến nay tỉnh Ninh Thuận có 35,8% dân số sống ở khu vực thành thị so với 36,1% năm 2009. Sau 10 năm tỷ lệ dân số thành thị của tỉnh không tăng mà giảm 0,3 điểm phần trăm. Dân số sống ở khu vực thành thị chiếm hơn 1/3 dân số toàn tỉnh, tỷ lệ này cao hơn so với toàn quốc (34,43%) và Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (28,34%)2.

5. Công tác tuyên truyền, giáo dục Dân số

Công tác truyền thông - giáo dục chuyển đổi hành vi về dân số, CSSKSS/KHHGĐ đã tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, thái độ và hành vi của người dân trong việc thực hiện KHHGĐ và chăm sóc SKSS. Công tác truyền thông đã từng bước chuyển trọng tâm chính sách dân số từ KHHGĐ sang Dân số và Phát triển, chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số theo Nghị quyết số 21-NQ/TW; các hoạt động truyền thông, giáo dục chuyển đổi hành vi về dân số, CSSKSS/KHHGĐ được đẩy mạnh tập trung vào các đợt như: Chiến dịch truyền thông lồng ghép với cung cấp dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ đến các vùng khó khăn, vùng có mức sinh cao; truyền thông kỷ niệm các ngày lễ lớn như Ngày Dân số Thế giới 11/7, Tháng hành động Quốc gia về Dân số (Tháng 12), Ngày Dân số Việt Nam 26/12, bên cạnh đó hình thức truyền thông tư vấn và thăm hộ gia đình, truyền thông trong chức sắc, tôn giáo, sinh hoạt nhóm, sinh hoạt câu lạc bộ được chú trọng thường xuyên.

Các sản phẩm truyền thông, các buổi mít tinh, nói chuyện chuyên đề, truyền thông lưu động, tổ chức sự kiện, chiến dịch lồng ghép truyền thông với cung cấp dịch vụ và đặc biệt là hoạt động tư vấn, vận động trực tiếp tại nhà của cộng tác viên dân số đã được tổ chức rộng khắp trên toàn tỉnh, đặc biệt là tại xã vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có mức sinh cao...

Các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể, những người có uy tín trong cộng đồng đã tích cực lãnh đạo, chđạo, cam kết, ủng hộ và tham gia truyền thông vận động về công tác dân số, đặc biệt là sự đồng tình, hưởng ứng của người dân, của mỗi gia đình và cộng đồng xã hội. Nhờ vậy, kiến thức, sự hiểu biết, kỹ năng lựa chọn và thực hiện hành vi của các đối tượng tham gia chương trình được nâng lên. Đây là một trong những yếu tố quyết định sự ổn định và bền vững của Chương trình DS-KHHGĐ.

6. Dịch vụ Dân số - Kế hoạch hóa gia đình

Trong những năm qua cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế nói chung, trong đó có cơ sở vật chất trang thiết bị phục vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ được đầu tư, hiện đại hóa; một số dịch vụ mới như: siêu âm 3 chiều, điều trị vô sinh, nam khoa tại một số đơn vị tuyến tỉnh đã triển khai thực hiện đạt kết quả như tổ chức khám, tư vấn và điều trị cho trên 200 cặp vợ chồng hiếm muộn; khám và điều trị hiếm muộn bằng phương pháp Bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI), kết quả có một số cặp vợ chồng điều trị hiếm muộn thành công.

Trung tâm Y tế huyện, thành phố đều có khoa Sản và phòng kỹ thuật thực hiện các dịch vụ KHHGĐ; các Trạm Y tế xã, phường, thị trấn đều có phòng sanh, phòng thực hiện dịch vụ KHHGĐ được trang bị các trang thiết bị cần thiết thực hiện dịch vụ.

Công tác chăm sóc bà mẹ sau sanh tại nhà được chú trọng. Tỷ lệ bà mẹ và trẻ sơ sinh được chăm sóc sau sinh ngày càng tăng, cụ thể: năm 2011 đạt 81,4%, đến năm 2019 đạt 85,7%. Trong quá trình chăm sóc, cán bộ y tế đã tư vấn tốt, hướng dẫn sản phụ về nuôi con bằng sữa mẹ, phát hiện các dấu hiệu bất thường để đề phòng nhiễm trùng hậu sản và chảy máu sau sinh...

Khám phát hiện và điều trị tốt các bệnh viêm nhiễm đường sinh sản. Hàng năm, số lượt khám phụ khoa trung bình của phụ nữ ≥ 15 tuổi là 0,4 lượt. Có hơn 40% cơ sở y tế cung cấp dịch vụ Chăm sóc SKSS thực hiện tư vấn và cung cấp dịch vụ thân thiện vị thành niên/thanh niên (VTN/TN). Triển khai tư vấn chăm sóc sức khỏe VTN/TN cho các em học sinh tại 6 Trường Trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh và 4 Câu lạc bộ VTN/TN tại 2 huyện Ninh Hải và Ninh Phước. Giám sát hoạt động truyền thông, tư vấn chăm sóc sức khỏe VTN/TN tại các Câu lạc bộ VTN/TN. Tổ chức khám và điều trị nam khoa cho trên 500 trường hợp bệnh lây truyền qua đường tình dục, rối loạn cương, xuất tinh sớm, hiếm muộn nam...

Hậu cần phương tiện tránh thai: Vòng tránh thai, thuốc tiêm, thuốc uống tránh thai được cung cấp đầy đủ theo nhu cầu người sử dụng. Riêng bao cao su tránh thai từ năm 2017 đến nay ngân sách tỉnh bố trí mua cấp miễn phí cho người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo còn trường hợp khác được tuyên truyền, vận động tự chi trả thông qua hệ thống tiếp thị xã hội, xã hội hóa và kênh khác.

[...]