Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 41/KH-UBND năm 2020 về thực hiện Chiến lược Dân số Việt Nam giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030 tỉnh Lạng Sơn

Số hiệu 41/KH-UBND
Ngày ban hành 09/03/2020
Ngày có hiệu lực 09/03/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lạng Sơn
Người ký Dương Xuân Huyên
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 41/KH-UBND

Lạng Sơn, ngày 09 tháng 3 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

HÀNH ĐỘNG THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC DÂN SỐ VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2020 - 2025, TẦM NHÌN ĐẾN 2030 TỈNH LẠNG SƠN

Sau 10 năm thực hiện Chiến lược Dân số và sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020, công tác dân số của tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Nhận thức và hành động của đại bộ phận người dân về chính sách dân số - kế hoạch hoá gia đình (viết tắt là KKHGĐ) Đã có những chuyển biến tích cực; quy mô gia đình có 2 con được chấp nhận ngày càng rộng rãi; khống chế được tốc độ tăng tỷ số giới tỉnh khi sinh trên địa bàn toàn tỉnh ở mức trên 0,4 điểm phần trăm/năm; các mô hình về quy mô, cơ cấu và nâng cao chất lượng dân số được xây dựng và thực hiện có hiệu quả.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hiện nay công tác dân số của tỉnh còn nhiều khó khăn và thách thức như: Mức sinh chưa ổn định, chưa đạt mức sinh thay thế (TFR) và có nguy cơ tăng sinh trở lại. Chất lượng dân số mặc dù đã được cải thiện song vẫn còn thấp. Mất cân bằng giới tính khi sinh (SRB) vẫn ở mức cao so với mức bình quân của cả nước, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên có xu hướng gia tăng. Lợi thế của dân số vàng khai thác chưa hiệu quả. Dân số của tỉnh bước vào giai đoạn già hóa nhưng chưa có giải pháp đồng bộ để thích ứng. Tổ chức bộ máy làm công tác dân số biến động mạnh, nguồn lực đầu tư cho công tác dân số còn thấp, chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ mới như Kế hoạch số 51-KH/TU ngày 26/01/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề ra.

Từ những khó khăn, thách thức trên đặt ra cho công tác dân số tỉnh Lạng Sơn trong thời gian tới cần xây dựng Kế hoạch hành động thiết thực giải quyết những vấn đề còn hạn chế, những vấn đề mới phát sinh theo định hướng Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030.

Phần thứ nhất

TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CÔNG TÁC DÂN SỐ GIAI ĐOẠN 2011 - 2020

I. KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC

1. Về quy mô dân số và mức sinh

Quy mô dân số tỉnh Lạng Sơn là 781.655 người (theo số liệu tổng điều tra dân số 01/4/2019). Kể từ năm 2009 đến nay, quy mô dân số Lạng Sơn tăng thêm 49.140 người. Tỷ lệ tăng dân số bình quân năm giai đoạn 2009 - 2019 là 0,65%/năm, tăng ít so với giai đoạn 10 năm trước (0,4%/năm).

Tổng tỷ suất sinh (TFR) của Lạng Sơn năm 2019 đạt 2,13 con/phụ nữ (năm 2015 là 2,38 con). Xu thế giảm sinh tiếp tục được duy trì, tỷ suất sinh thô toàn tỉnh giảm từ 15,9‰ năm 2011 đến năm 2018 còn 15,78‰; tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên bình quân hàng năm khoảng 10% tổng số trẻ sinh.

2. Về cơ cấu dân số

Nằm trong xu thế chung của cả nước dân số tỉnh Lạng Sơn đang trong giai đoạn cơ cấu dân số vàng, tỷ trọng dân số dưới 15 tuổi chiếm 25,1%, tỉ trọng người 15 - 64 tuổi chiếm 68,1% tổng dân số, dân số từ 65 tuổi trở lên chiếm 6,7%; tỷ số phụ thuộc trẻ em (0 - 14 tuổi) là 36,8%. Đồng thời, bước vào thời kỳ già hoá, số người trên 65 tuổi chiếm 9,8% tổng dân số.

Bước đầu kiểm soát được mức tăng tỉ số giới tính khi sinh, hàng năm đạt kế hoạch về tốc độ giảm tỉ số giới tính khi sinh (năm 2017 ở mức 116,7 trẻ em trai/100 trẻ em gái; năm 2019 là 115,8 trẻ em trai/100 trẻ em gái).

3. Chất lượng dân số

Chất lượng dân số của tỉnh đã được nâng lên rõ rệt cả về thể lực và trí lực, thông qua các chương trình, đề án chăm sóc sức khoẻ, nâng cao chất lượng dân số. Chỉ số phát triển con người (HDI) của tỉnh đang từng bước được cải thiện. Tuổi thọ bình quân 75,1 tuổi/năm 20191; tỉ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi giảm 19,2‰ năm 2011 còn 17,59‰ năm 20182; tỉ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi hàng năm được cải thiện3; tỉ lệ nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khoẻ tiền hôn nhân đạt khoảng 50%; số cặp tảo hôn tại các huyện có triển khai can thiệp theo đề án chính sách dân số của tỉnh năm sau giảm hơn năm trước bình quân khoảng 2%. Từ năm 2017 đến nay không có tình trạng hôn nhân cận huyết thống; năm 2019 có trên 45% số trẻ em sinh ra được sàng lọc sơ sinh và trên 50% phụ nữ mang thai được được sàng lọc trước sinh; tỷ lệ người cao tuổi được khám sức khoẻ định kỳ ít nhất 1 lần/năm đạt trên 50% tổng số người cao tuổi, có khoảng 90% người cao tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế4.

4. Về phân bổ dân số

Theo kết quả điều tra dân số 01/4 hàng năm, từ năm 2011 đến năm 2018 dân số thành thị tăng 18.808 người (tăng bình quân 2351 người/năm, tương đương 124 người/phường, thị trấn/năm), nông thôn tăng 32.782 người (tăng dân số bình quân 4.098 người/năm, tương đương 20 người/xã/năm); tỷ suất nhập cư của tỉnh Lạng Sơn năm 2018 là 2,2‰, giảm 4‰ so với năm 2011 (6,2‰). Tỷ suất xuất cư của tỉnh Lạng Sơn năm 2018 là 3,02‰, giảm 4,9‰ so với năm 2011 là 8,10‰5.

Dân số đã ly hôn hoặc ly thân chiếm1,4% trong tổng dân số từ 15 tuổi trở lên (theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019).

Mật độ dân số của Lạng Sơn là 94 người/km2, tăng 6 người/km2 so với năm 2009. Thành phố Lạng Sơn có mật độ dân số cao nhất tỉnh 1.325 người/km2, thấp nhất là huyện đình Lập 24 người/km2.

5. Công tác truyền thông, giáo dục về dân số

Công tác truyền thông về dân số đã tạo được sự đồng thuận trong Nhân dân, làm chuyển biến về nhận thức, tâm lý, tập quán của cộng đồng. Nhận thức và hành động của đại bộ phận người dân về dân số đã có những chuyển biến tích cực, kết quả: 95% các cặp vợ chồng có hiểu biết cơ bản về lợi ích của dân số và phát triển, sức khỏe sinh sản và các biện pháp tránh thai; 80% các cặp vợ chồng được tuyên truyền về thực trạng, nguyên nhân và hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh; 50% thanh niên trước khi đăng ký kết hôn được tư vấn về sức khỏe tiền hôn nhân, tác hại của nạo phá thai; 70% người chưa thành niên, thanh niên được tuyên truyền về tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống…

6. Dịch vụ dân số - KHHGĐ

Tổ chức mạng lưới cung cấp dịch vụ sức khỏe sinh sản từ tuyển tỉnh đến tuyến xã đã từng bước củng cố, phát triển đáp ứng cung cấp các dịch vụ cơ bản cho Nhân dân. Đảm bảo tính sẵn có của dịch vụ kế hoạch hoá gia đình, chăm sóc sức khoẻ sinh sản thiết yếu cơ bản, 100% Trạm Y tế xã có nữ hộ sinh hoặc y sỹ sản nhi; đảm bảo cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, chăm sóc bà mẹ trước, trong và sau sinh. Đa dạng các biện pháp tránh thai để tăng sự lựa chọn cho người dân thông qua triển khai thực hiện đề án xã hội hóa phương tiện tránh thai và dịch vụ KHHGĐ/sức khỏe sinh sản. Tổ chức cấp các phương tiện tránh thai ở kênh miễn phí cho các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo và gia đình chính sách và cung ứng phương tiện tránh thai qua kênh xã hội hóa và tiếp thị xã hội cho các đối tượng còn lại có khả năng chi trả để có biện pháp tránh thai và hàng hóa sức khỏe sinh sản có chất lượng cao nhằm giảm gánh nặng ngân sách của nhà nước được Nhân dân hưởng ứng ngày càng cao.

Đến nay, tất cả bệnh viện tuyến tỉnh (trừ các bệnh viện chuyên khoa), Trung tâm y tế huyện, thành phố đã thực hiện cung cấp dịch vụ sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh theo hình thức xã hội hóa cho các đối tượng có nhu cầu; tỷ lệ sàng lọc trước sinh chiếm 46,87% số bà mẹ mang thai; tỷ lệ sàng lọc sơ sinh chiếm 47,23% số trẻ em sinh.

7. Công tác tổ chức, quản lý, điều hành

Hệ thống tổ chức, nhân sự làm công tác dân số được kiện toàn theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu quả; bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương, đồng thời thực hiện quản lý chuyên môn thống nhất. Có chính sách đãi ngộ với đội ngũ cộng tác viên dân số tại thôn, bản.

Trong giai đoạn 2011 - 2020, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành đồng bộ hệ thống các văn bản nhằm cụ thể hóa các chính sách, kế hoạch, đề án phù hợp định hướng của trung ương và tình hình thực tiễn tại địa phương. Các văn bản được ban hành đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi để các cấp, các ban ngành, đoàn thể tổ chức thực hiện. Chi tiêu kế hoạch công tác dân số - KHHGĐ và chăm soc sức khỏe sinh sản hàng năm đươc đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội các cấp. Chính sách về dân số được đưa vào hương ước quy ước của xóm, tổ dân phố.

[...]