Kế hoạch 116/KH-UBND về nâng cao Chỉ số đổi mới sáng tạo (PII) của Thành phố Cần Thơ năm 2024 và những năm tiếp theo

Số hiệu 116/KH-UBND
Ngày ban hành 07/06/2024
Ngày có hiệu lực 07/06/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Cần Thơ
Người ký Nguyễn Ngọc Hè
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 116/KH-UBND

Cần Thơ, ngày 07 tháng 6 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

NÂNG CAO CHỈ SỐ ĐỔI MỚI SÁNG TẠO (PII) CỦA THÀNH PHỐ CẦN THƠ NĂM 2024 VÀ NHỮNG NĂM TIẾP THEO

Căn cứ Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 05 tháng 01 năm 2024 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024; Công văn số 1038/BKHCN-ĐP ngày 28 tháng 3 năm 2024 của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc bố trí kinh phí triển khai Chỉ số đổi mới sáng tạo (PII) cấp địa phương hàng năm, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch nâng cao Chỉ số Đổi mới sáng tạo (PII) của thành phố Cần Thơ năm 2024 và những năm tiếp theo, cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU VÀ YÊU CẦU

1. Mục tiêu

a) Cải thiện, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thực hiện các nội dung của Chỉ số PII năm 2024 và những năm tiếp theo;

b) Duy trì và tiếp tục nâng cao các nội dung của Chỉ số PII đã đạt được kết quả và điểm số tốt;

c) Tăng cường nhận thức và nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành về Chỉ số PII;

d) Phấn đấu đến năm 2025 và những năm tiếp theo thành phố Cần Thơ thuộc trong nhóm 03 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương dẫn đầu về Chỉ số PII.

2. Yêu cầu

a) Kế hoạch được triển khai đồng bộ ở các cấp chính quyền. Quá trình thực hiện cần kết hợp chặt chẽ với việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của các sở, ban ngành thành phố với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của quận, huyện, xã, phường, thị trấn; xác định cải thiện và nâng cao Chỉ số PII là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, lâu dài, kiên trì của các cơ quan, đơn vị;

b) Các sở, ban ngành thành phố, đặc biệt là các cơ quan chủ trì các nhiệm vụ, giải pháp, đánh giá đúng thực trạng, kết quả thực hiện các nội dung liên quan đến việc xác định Chỉ số PII;

c) Xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp và trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị trong việc tham mưu cải thiện và nâng cao Chỉ số PII, có biện pháp khắc phục và tổ chức triển khai có hiệu quả việc nâng cao Chỉ số PII của thành phố trong năm 2024 và những năm tiếp theo.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

Bộ Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương của Việt Nam gồm có 52 chỉ số, chia làm 07 trụ cột, gồm:

1. 05 trụ cột đầu vào phản ánh những yếu tố tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, bao gồm: (1) Thể chế, (2) Vốn con người và Nghiên cứu và phát triển, (3) Cơ sở hạ tầng, (4) Trình độ phát triển của thị trường, (5) Trình độ phát triển của doanh nghiệp;

2. 02 trụ cột đầu ra phản ánh kết quả tác động của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến phát triển kinh tế - xã hội, bao gồm: (6) Sản phẩm tri thức, sáng tạo và công nghệ, (7) Tác động.

3. Nhiệm vụ

Để triển khai các giải pháp cải thiện và nâng cao Chỉ số Đổi mới sáng tạo năm 2024 và những năm tiếp theo đồng bộ và hiệu quả, yêu cầu Giám đốc sở, Thủ trưởng cơ quan, ban ngành thành phố đổi mới phương pháp thực hiện phù hợp, triển khai hiệu quả các giải pháp nâng cao các chỉ số thành phần của Chỉ số PII, đặc biệt nghiên cứu nắm vững nội dung của Chỉ số PII; chủ động trong công tác tham mưu ban hành văn bản chỉ đạo, điều hành góp phần cải thiện chỉ số PII, cụ thể như sau:

a) Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan rà soát, tổng hợp, tham mưu trình cấp có thẩm quyền ban hành các chủ trương, chính sách phục vụ phát triển các ngành, lĩnh vực như: hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ, hỗ trợ phát triển thị trường công nghệ, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ... theo quy định;

b) Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan hướng dẫn các cơ sở giáo dục tổ chức và tham gia các cuộc thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật cấp trường, cấp huyện, cấp thành phố và cấp quốc gia; tiếp tục triển khai hiệu quả giáo dục STEM trong giáo dục trung học, các trường Trung học theo quy định.

c) Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tiếp tục rà soát, tham mưu cấp có thẩm quyền xem xét ban hành cơ chế, chính sách bố trí nguồn ngân sách chi khoa học và công nghệ, bao gồm:

- Chi thường xuyên (sự nghiệp) khoa học và công nghệ: chi thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, bao gồm chi trực tiếp cho các nhiệm vụ khoa học và công nghệ và chi cho các hoạt động quản lý của cơ quan có thẩm quyền đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ, chi tổ chức đánh giá sau nghiệm thu đối với các nhiệm vụ khoa học và công nghệ; chi thường xuyên và các nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng của tổ chức khoa học và công nghệ công lập theo quy định pháp luật về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức khoa học và công nghệ công lập; đào tạo và bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý và cán bộ nghiên cứu về khoa học và công nghệ ở trong nước và nước ngoài; mua kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; mua công nghệ theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ; hỗ trợ chuyển giao và nhập khẩu công nghệ; thuê chuyên gia, tổ chức tư vấn trong nước và nước ngoài; hỗ trợ thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, ươm tạo và đổi mới công nghệ; Tuyên truyền, phổ biến kiến thức, truyền thông, hoạt động thông tin và thống kê khoa học và công nghệ; tổ chức hội nghị, hội thảo khoa học trong nước và quốc tế; hỗ trợ đăng ký và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, hoạt động tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng, công bố kết quả nghiên cứu khoa học; khen thưởng, giải thưởng khoa học và công nghệ; hỗ trợ các hoạt động hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ: tham gia hội nghị, hội thảo quốc tế; khảo sát tìm kiếm các thông tin về khoa học và công nghệ, các nguồn cung ứng công nghệ ở nước ngoài; tham gia các hoạt động, sự kiện, diễn đàn về khoa học và công nghệ quốc tế; tham gia các tổ chức quốc tế về khoa học và công nghệ; thực hiện duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa cơ sở vật chất - kỹ thuật và trang thiết bị phục vụ hoạt động khoa học và công nghệ;

- Chi đầu tư phát triển khoa học và công nghệ: xây dựng mới, nâng cấp, tăng cường năng lực nghiên cứu của các tổ chức khoa học và công nghệ (phòng thí nghiệm, xưởng thực nghiệm, trạm thực nghiệm); trung tâm phân tích, kiểm nghiệm, kiểm định, hiệu chuẩn và đánh giá sự phù hợp; các cơ sở thiết kế, chế tạo, thử nghiệm chuyên dụng; các cơ sở ứng dụng và chuyển giao công nghệ, tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng; tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ; xây dựng khu nghiên cứu và phát triển cho các khu công nghệ cao; xây dựng hạ tầng thông tin, cơ sở dữ liệu và thống kê về khoa học và công nghệ; các hoạt động đầu tư khác phục vụ phát triển khoa học và công nghệ.

d) Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp Cần Thơ chủ trì, tham mưu đầu tư phát triển tăng tỉ lệ diện tích đất công nghiệp đã được xây dựng kết cấu hạ tầng của các khu công nghiệp trên tổng diện tích đất công nghiệp theo quy hoạch của các khu công nghiệp. Tăng tỉ lệ các dự án đầu tư đang sản xuất kinh doanh trong các khu công nghiệp/tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn thành phố.

đ) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh thành phố Cần Thơ chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành các chủ trương, chính sách thúc đẩy chương trình tài chính vi mô nhằm giúp các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và người dân dễ dàng tiếp cận các nguồn tín dụng vi mô ở địa phương để phục vụ phát triển kinh tế, thực hiện đầu tư sản xuất - kinh doanh và thực hiện các hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố Cần Thơ.

e) Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách, chương trình phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề, thu hút các dự án đầu tư... góp phần tăng tỉ lệ các dự án đầu tư trên tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn và chính sách về phát triển dịch vụ logistics theo quy định.

g) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu, tham mưu trình cấp có thẩm quyền xem xét ban hành các chương trình, kế hoạch thúc đẩy, hỗ trợ kinh tế khu vực nông thôn thông qua các hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo theo hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế; thúc đẩy phát triển nhanh số lượng sản phẩm OCOP/tổng số đơn vị hành chính cấp xã.

[...]