Kế hoạch 1096/KH-UBND năm 2022 thực hiện Chiến lược quốc gia cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Kon Tum

Số hiệu 1096/KH-UBND
Ngày ban hành 18/04/2022
Ngày có hiệu lực 18/04/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Kon Tum
Người ký Nguyễn Hữu Tháp
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1096/KH-UBND

Kon Tum, ngày 18 tháng 4 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA CẤP NƯỚC SẠCH VÀ VỆ SINH NÔNG THÔN ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM

Thực hiện Quyết định số 1978/QĐ-TTg ngày 24 tháng 11 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Chiến lược quốc gia cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (sau đây gọi là Chiến lược).

Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum xây dựng Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Kon Tum, cụ thể như sau:

I. Quan điểm:

- Cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn là nhiệm vụ quan trọng để nâng cao chất lượng cuộc sống người dân ở nông thôn, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, là một trong các yếu tố đảm bảo phát triển bền vững.

- Hoạt động cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn phải thực hiện theo phương châm Nhà nước và Nhân dân cùng làm; dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng. Đẩy mạnh xã hội hóa cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn, thu hút mọi nguồn lực tham gia đầu tư xây dựng, quản lý vận hành công trình, đảm bảo hoạt động hiệu quả, bền vững.

- Phát triển hạ tầng cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn phù hợp với văn hóa, tập quán, điều kiện cụ thể từng vùng, đồng bộ với hệ thống kết cấu hạ tầng của ngành, lĩnh vực khác, đảm bảo an toàn, bền vững trước tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu.

II. Mục tiêu:

1. Mục tiêu tổng thể:

Đảm bảo người dân nông thôn được tiếp cận sử dụng dịch vụ cấp nước sạch công bằng, thuận lợi, an toàn với chi phí hợp lý; đảm bảo vệ sinh hộ gia đình và khu vực công cộng, vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh; bảo vệ sức khỏe, giảm các bệnh liên quan đến nước và vệ sinh, nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân nông thôn, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, góp phần xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.

2. Mục tiêu cụ thể:

a) Đến năm 2030:

- 55% dân số ở nông thôn được sử dụng nước sạch đạt chất lượng theo Quy chuẩn quốc gia với số lượng tối thiểu 60 lít/ngày/người.

- 70% hộ gia đình nông thôn, 100% trường học, trạm y tế có nhà tiêu hợp vệ sinh đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn; 80% người dân nông thôn thường xuyên thực hiện vệ sinh cá nhân.

- Phấn đấu 10% điểm dân cư nông thôn tập trung có hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt, 5% nước thải sinh hoạt được xử lý; 60% hộ chăn nuôi, trang trại được xử lý chất thải chăn nuôi.

b) Đến năm 2045: Phấn đấu 100% người dân nông thôn được sử dụng nước sạch và vệ sinh an toàn, bền vững; 50% điểm dân cư nông thôn tập trung có hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt, 30% nước thải sinh hoạt được xử lý; 100% hộ chăn nuôi, trang trại được xử lý chất thải chăn nuôi.

III. Giải pháp thực hiện:

1. Đẩy mạnh và đa dạng các hoạt động và loại hình truyền thông:

- Cần chú trọng vào truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi thói quen; sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước, công trình cấp nước; đảm bảo vệ sinh hộ gia đình, vệ sinh cá nhân; hướng dẫn người dân chủ động tích trữ nước an toàn để sử dụng khi có thiên tai và hướng tới việc tự nguyện tiếp cận với các dịch vụ cấp nước sạch và vệ sinh;

- Truyền thông dựa trên bằng chứng và truyền thông có sự tham gia của cộng đồng; mở rộng truyền thông trên phương tiện thông tin tiện ích, thiết lập mạng lưới tuyên truyền viên và xây dựng kênh thông tin chia sẻ; ưu tiên nhóm người nghèo, người dân tộc thiểu số, phụ nữ, trẻ em; đảm bảo kinh phí cho hoạt động truyền thông;

2. Về cấp nước nông thôn:

a) Công trình cấp nước tập trung:

- Đầu tư xây dựng công trình cấp nước tập trung (công trình xây dựng mới và công trình cải tạo, sửa chữa và nâng cấp mở rộng) cần phải gắn với việc khai thác, quản lý vận hành và yêu cầu các chủ đầu tư phải thể hiện và cam kết rõ: Mô hình hoạt động; cam kết của người hưởng lợi về sử dụng nước và trả tiền nước; loại hình đầu tư công trình cấp nước phù hợp; khảo sát kỹ về nguồn nước; phù hợp với tình hình biến đổi khí hậu và đơn vị được lựa chọn quản lý sau đầu tư phải được tham gia từ khi lập dự án đầu tư đến khi công trình hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng; ưu tiên sử dụng nguồn nước từ hệ thống công trình thủy lợi, hồ chứa cho cấp nước sinh hoạt.

- Đầu tư xây dựng công trình cấp nước sạch tập trung quy mô lớn, đồng bộ, liên xã, liên vùng; công trình tạo nguồn cấp nước sinh hoạt tại vùng khan hiếm, khó khăn về nguồn nước, khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng của hạn hán, ô nhiễm nguồn nước, vùng sâu, vùng xa, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới...

b) Cấp nước quy mô hộ gia đình:

- Thực hiện các giải pháp cấp nước quy mô hộ gia đình đối với những vùng gặp khó khăn trong đầu tư công trình cấp nước tập trung hoặc đầu tư công trình cấp nước tập trung không hiệu quả, vùng chưa có khả năng tiếp cận với cấp nước tập trung, nhất là vùng khan hiếm, khó khăn về nguồn nước, vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới...

- Hướng dẫn các hộ gia đình thực hiện các biện pháp xử lý và trữ nước an toàn hộ gia đình.

[...]