Kế hoạch 105/KH-UBND năm 2021 thực hiện Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đến năm 2030

Số hiệu 105/KH-UBND
Ngày ban hành 06/05/2021
Ngày có hiệu lực 06/05/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lạng Sơn
Người ký Lương Trọng Quỳnh
Lĩnh vực Công nghệ thông tin

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 105/KH-UBND

Lạng Sơn, ngày 06 tháng 5 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA VỀ NGHIÊN CỨU, PHÁT TRIỂN VÀ ỨNG DỤNG TRÍ TUỆ NHÂN TẠO TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN ĐẾN NĂM 2030

Thực hiện Quyết định số 127/QĐ-TTg ngày 26/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (TTNT) đến năm 2030; Công văn số 505/BKHCN-CNC ngày 12/3/2021 của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc triển khai Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng TTNT đến năm 2030 (sau đây gọi tắt là Chiến lược quốc gia), UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Triển khai, cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, định hướng chiến lược, nhiệm vụ giải pháp đã được quy định tại Chiến lược quốc gia phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh, góp phần tạo bước phát triển quan trọng về năng lực sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, thúc đẩy phát triển kinh tế tăng trưởng bền vững.

Đẩy nhanh ứng dụng các giải pháp TTNT trong quản lý đô thị, quản lý xã hội và hành chính công giúp giảm thời gian xử lý công việc, nhân lực bộ máy, giảm thời gian chờ đợi và chi phí của người dân, doanh nghiệp. Nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống quản lý hành chính nhà nước trong phân phối, sử dụng nguồn lực xã hội, quản lý xã hội và quản lý đô thị.

2. Yêu cầu

Các hoạt động triển khai Chiến lược quốc gia trên địa bàn tỉnh đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả và phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

II. MỤC TIÊU CỤ THỂ

1. Nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn tỉnh về TTNT.

2. Lạng Sơn nằm trong nhóm trung bình về ứng dụng TTNT, góp phần xây dựng xã hội sáng tạo, chính quyền hiệu quả, bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế tăng trưởng bền vững, cụ thể:

- TTNT được ứng dụng trong hành chính công, dịch vụ công trực tuyến giúp giảm thời gian xử lý công việc, nhân lực bộ máy, giảm thời gian chờ đợi và chi phí của người dân.

- Nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống quản lý hành chính nhà nước trong phân phối, sử dụng nguồn lực xã hội, quản lý xã hội và quản lý đô thị.

- Hình thành được bộ dữ liệu mở, liên thông và kết nối trong các ngành kinh tế, lĩnh vực kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh phục vụ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng TTNT.

- Phổ cập được kỹ năng cơ bản về ứng dụng TTNT cho đội ngũ lao động trực tiếp, phục vụ thúc đẩy đổi mới sáng tạo, giảm chi phí, nâng cao năng suất lao động và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân.

- Ứng dụng TTNT phục vụ các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, các hoạt động cứu hộ, cứu nạn, phòng chống thiên tai và ứng phó sự cố, dịch bệnh.

- Cùng với chuyển đổi số, ứng dụng TTNT góp phần thúc đẩy tăng trưởng một số ngành kinh tế.

- Có ít nhất 01 cơ sở giáo dục, đào tạo của tỉnh có liên kết đào tạo về TTNT.

III. NỘI DUNG ĐỊNH HƯỚNG

1. Cụ thể hóa, triển khai và xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến TTNT

Kịp thời cụ thể hóa chính sách, pháp luật các cơ quan Trung ương ban hành và xây dựng chính sách đặc thù của tỉnh, tạo hành lang pháp lý thông thoáng đáp ứng yêu cầu thúc đẩy nghiên cứu, phát triển và ứng dụng TTNT vào phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng trên địa bàn tỉnh.

2. Xây dựng hạ tầng dữ liệu và tính toán cho nghiên cứu, phát triển và ứng dụng TTNT

Thúc đẩy chia sẻ dữ liệu phục vụ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng TTNT; hình thành các cơ sở dữ liệu dùng chung, chia sẻ, mở để nghiên cứu, phát triển các ứng dụng TTNT. Xây dựng cơ chế chia sẻ dữ liệu theo nguyên tắc các bên cùng có lợi, tạo động lực để chia sẻ, đồng thời bảo đảm được phân quyền truy cập dữ liệu, tránh để lộ, lọt thông tin dữ liệu có tính riêng tư của cá nhân hay tổ chức.

3. Phát triển hệ sinh thái TTNT

- Phát triển nguồn nhân lực: triển khai phổ cập kỹ năng cơ bản về ứng dụng TTNT và khoa học dữ liệu nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo cho thanh thiếu niên. Thúc đẩy triển khai các hình thức đào tạo chứng chỉ ngắn hạn và trung hạn về TTNT cho sinh viên các trường cao đẳng, cho người lao động có nhu cầu chuyển đổi nghề nghiệp.

- Triển khai nghiên cứu và phát triển: tập trung đầu tư cho nghiên cứu, ứng dụng và phát triển một số sản phẩm TTNT phục vụ thị trường và nhu cầu trên địa bàn tỉnh; khuyến khích ứng dụng TTNT để nâng cao hiệu quả đầu ra của các hoạt động nghiên cứu, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.

- Thu hút các nguồn lực, các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến xây dựng các trung tâm đào tạo, phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo và khoa học dữ liệu trên địa bàn tỉnh.

[...]