Kế hoạch 101/KH-UBND năm 2020 về Cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2020-2022

Số hiệu 101/KH-UBND
Ngày ban hành 26/08/2020
Ngày có hiệu lực 26/08/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Sóc Trăng
Người ký Lâm Hoàng Nghiệp
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH SÓC TRĂNG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 101/KH-UBND

Sóc Trăng, ngày 26 tháng 8 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

CẢI THIỆN CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH (PCI) TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SÓC TRĂNG GIAI ĐOẠN 2020 - 2022

Thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2022; Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020;

Trên cơ sở kết quả xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh Sóc Trăng năm 2019 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố;

Nhằm tiếp tục tạo những chuyển biến tích cực về môi trường đầu tư kinh doanh và xếp hạng chỉ số PCI của tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng ban hành Kế hoạch Cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2020 - 2022 với nội dung chủ yếu sau:

I. THỰC TRẠNG

Thời gian qua, tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh. Các giải pháp cải thiện Chỉ số PCI của tỉnh đã đạt được những thành quả bước đầu khi điểm số PCI đã tăng liên tiếp từ năm 2015, điều này phản ánh kết quả những nỗ lực kiên trì trong chỉ đạo, điều hành thực hiện các giải pháp về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.

Tuy nhiên, theo kết quả xếp hạng PCI năm 2019 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Sóc Trăng đạt 63,7 điểm; tăng 1,88 điểm nhưng lại giảm 8 bậc so với xếp hạng PCI năm 2018; trong đó có 5 chỉ số tăng điểm, 5 chỉ số giảm điểm. Kết quả xếp hạng cũng cho thấy Tỉnh tuy có cải thiện nhưng chậm hơn các tỉnh, thành phố khác; đặc biệt vẫn còn những hạn chế nhất định, dẫn đến một số chỉ số thành phần giảm điểm so với năm 2019 hoặc vẫn còn điểm số ở mức thấp.

Theo cảm nhận của doanh nghiệp, Chỉ số PCI của tỉnh còn một số điểm lưu ý như:

- Cạnh tranh bình đẳng: Doanh nghiệp cảm nhận tỉnh vẫn còn ưu ái cho các doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp thân quen.

- Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp: Chất lượng các dịch vụ hỗ trợ tại tỉnh chưa đạt chất lượng, chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp.

- Tính minh bạch: Doanh nghiệp cho rằng nhận được thông tin, văn bản phản hồi của cơ quan nhà nước chậm; vai trò của Hiệp hội Doanh nghiệp đã giảm trong xây dựng chính sách, quy định của tỉnh; tỷ lệ doanh nghiệp cho rằng chỉ có được tài liệu của tỉnh khi “có mối quan hệ” hoặc thỏa thuận khoản thuế phải nộp vẫn còn cao.

- Đào tạo lao động: Doanh nghiệp cho rằng sau khi bỏ chi phí tuyển dụng lao động, doanh nghiệp phải đào tạo lại để đáp ứng được nhu cầu sử dụng.

- Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự: Tỷ lệ doanh nghiệp bị mất trộm tài sản tăng.

- Gia nhập thị trường: Cán bộ thực hiện đăng ký doanh nghiệp thiếu hướng dẫn rõ ràng, đầy đủ, am hiểu chuyên môn chưa sâu, chưa nhiệt tình, thân thiện; thời gian xử lý hồ sơ tăng (tăng 0,75 ngày đối với đăng ký mới và 3,5 ngày đối với thay đổi đăng ký; thực tế xử lý không quá 02 ngày làm việc so với quy định là 03 ngày theo báo cáo của Trung tâm Phục vụ hành chính công).

- Tiếp cận đất đai: Tỷ lệ lo ngại về thủ tục và cán bộ nhũng nhiễu tăng.

- Chi phí thời gian: Doanh nghiệp cảm nhận tiêu cực trong công tác kiểm tra đều tăng như nội dung kiểm tra bị trùng lắp, số giờ cho mỗi cuộc làm việc với kiểm tra thuế đến 8 giờ.

- Chi phí không chính thức: Doanh nghiệp cho rằng các khoản chi phí không chính thức của các doanh nghiệp cùng ngành khá cao.

- Tính năng động của chính quyền tỉnh: Doanh nghiệp cảm nhận thái độ tích cực của chính quyền tỉnh với khu vực kinh tế tư nhân giảm.

Từ thực trạng trên cho thấy, Tỉnh cần có các giải pháp tích cực, cụ thể hơn nữa nhằm cải thiện điểm số các chỉ số này; đồng thời tiếp tục phát huy các chỉ số thực hiện tốt để có cải thiện tích cực vị trí xếp hạng PCI của Tỉnh trong năm 2020 và những năm tiếp theo.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP VÀ CÔNG VIỆC THỰC HIỆN

1. Nhiệm vụ, giải pháp

a) Về việc tích cực xây dựng, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo tinh thần Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ

- Chủ động, tăng cường tính minh bạch, công khai, bình đẳng về thông tin, thủ tục hành chính, các chủ trương, chính sách, thủ tục đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp, dịch vụ sự nghiệp công, đặc biệt áp dụng thực hiện công nghệ thông tin qua cổng thông tin điện tử, website các sở, ban, ngành tỉnh, rút ngắn thời gian hoàn thành các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.

- Hỗ trợ về thông tin, môi trường pháp lý kinh doanh, tư vấn doanh nghiệp. Tổ chức các diễn đàn, tọa đàm để tạo cơ hội giao lưu cho doanh nghiệp để giúp doanh nghiệp nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng áp dụng pháp luật, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.

- Đầu tư đúng mức, tập trung vào trường, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, khuyến khích đầu tư tư nhân trong lĩnh vực đào tạo nghề nghiệp gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương, phục vụ cho nhu cầu của doanh nghiệp.

- Nâng cao vai trò đại diện và hỗ trợ doanh nghiệp của Hiệp hội Doanh nghiệp. Hiệp hội cần chủ động hơn trong công tác phối hợp với các đơn vị, đồng thời đổi mới phương thức hoạt động.

- Đồng hành cùng doanh nghiệp, linh hoạt, sáng tạo trong quá trình giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

[...]