Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Kế hoạch 1007/KH-UBND năm 2019 thực hiện Đề án “Phát triển Giáo dục Mầm non giai đoạn 2019-2025” tỉnh Quảng Bình

Số hiệu 1007/KH-UBND
Ngày ban hành 24/06/2019
Ngày có hiệu lực 24/06/2019
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Bình
Người ký Trần Tiến Dũng
Lĩnh vực Giáo dục

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1007/KH-UBND

Quảng Bình, ngày 24 tháng 6 năm 2019

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC MẦM NON GIAI ĐOẠN 2019-2025” TỈNH QUẢNG BÌNH

Thực hiện Quyết định số 1677/QĐ-TTg ngày 03/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Phát triển Giáo dục Mầm non giai đoạn 2018-2025”; Quyết định số 1065/QĐ-BGDĐT ngày 19/4/2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Phát triển Giáo dục Mầm non giai đoạn 2018-2025” (sau đây gọi tắt là Đề án), Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án với các nội dung sau:

1. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

Kế hoạch thực hiện nhằm củng cố, phát triển mạng lưới trường, lớp mầm non phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, đáp ứng nhu cầu đến trường của trẻ em, theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa và hội nhập các nước trong khu vực. Đa dạng hóa các phương thức; đổi mới mục tiêu, nội dung, phương pháp Giáo dục Mầm non theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực của trẻ em, đảm bảo liên thông, gắn kết với giáo dục phổ thông; nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em theo hướng đạt chuẩn chất lượng Giáo dục Mầm non trong khu vực; củng cố, duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập Giáo dục Mầm non cho trẻ em 5 tuổi, chuẩn bị tốt cho trẻ em vào lớp một; phát triển Giáo dục Mầm non cho trẻ em dưới 5 tuổi.

Việc chăm lo phát triển Giáo dục Mầm non, đảm bảo mọi trẻ em được tiếp cận Giáo dục Mầm non có chất lượng, công bằng và bình đẳng là trách nhiệm của các cấp, các ngành, mỗi gia đình và toàn xã hội. Chính quyền các cấp từ tỉnh đến huyện và cơ sở (xã, phường, thị trấn) có trách nhiệm quản lý, đầu tư phát triển Giáo dục Mầm non; ban hành cơ chế, chính sách đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi tổ chức, cá nhân tham gia phát triển Giáo dục Mầm non, ưu tiên đầu tư phát triển Giáo dục Mầm non ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, vùng miền núi, biên giới, hải đảo, các khu công nghiệp, khu tập trung đông dân cư; tăng cường phối hợp, gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội; coi trọng và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho các bậc cha mẹ và cộng đồng nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non.

2. MỤC TIÊU

2.1. Giai đoạn 2019-2020

Củng cố, mở rộng mạng lưới cơ sở Giáo dục Mầm non, phát triển Giáo dục Mầm non ngoài công lập; bảo đảm cơ bản đủ về số lượng đội ngũ giáo viên, số phòng học và cơ sở vật chất tối thiểu đáp ứng nhu cầu chăm sóc, giáo dục trẻ; tiếp tục thực hiện chính sách đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và trẻ mầm non.

- Về quy mô, mạng lưới trường, lớp

Mạng lưới trường lớp được củng cố mở rộng, đủ năng lực huy động trẻ em đến trường, phát triển các cơ sở Giáo dục Mầm non ngoài công lập ở những nơi có điều kiện. Phấn đấu đến năm 2020, có 25% trẻ em độ tuổi nhà trẻ, tỷ lệ huy động trẻ em trong các cơ sở Giáo dục Mầm non ngoài công lập chiếm từ 20% trở lên trong tổng số trẻ đến trường mầm non (trong đó, Thành phố Đồng Hới: 65%; Huyện Bố Trạch và Thị xã Ba Đồn: 25%; Huyện Lệ Thủy: 10%; Huyện Quảng Ninh, Quảng Trạch, Tuyên Hóa và Minh Hóa: 2,5%); 96% trẻ em độ tuổi mẫu giáo, trong đó, hầu hết trẻ mẫu giáo 5 tuổi được đến trường;

- Về chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ

Phấn đấu đến năm 2020, có 96% nhóm, lớp mầm non được học 2 buổi/ngày có bán trú; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm trung bình 0,3%/năm, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể thấp còi giảm trung bình 0,2%/năm, tỷ lệ trẻ em thừa cân – béo phì được khống chế;

- Về đội ngũ giáo viên

Phấn đấu đến năm 2020, có ít nhất 90% giáo viên đạt trình độ từ cao đẳng sư phạm mầm non trở lên, 80% giáo viên đạt chuẩn nghề nghiệp mức độ khá trở lên;

- Về cơ sở vật chất trường lớp

Bảo đảm tỷ lệ 01 phòng học/lớp (nhóm); tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 70%; 100% công trình vệ sinh đạt yêu cầu; 100% trường mầm non có đủ nguồn nước sạch; có ít nhất 50% trường mầm non đạt chuẩn quốc gia;

- Về kiểm định chất lượng giáo dục

Có 100% trường mầm non hoàn thành tự đánh giá, trong đó, có ít nhất 45% số trường mầm non được công nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục từ cấp độ 1 trở lên;

- Về phổ cập Giáo dục Mầm non

Duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập Giáo dục Mầm non trẻ em 5 tuổi, đảm bảo 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập GDMN trẻ em 5 tuổi;

2.2. Giai đoạn 2021 – 2025

Hoàn thiện mạng lưới cơ sở Giáo dục Mầm non, tiếp tục phát triển Giáo dục Mầm non ngoài công lập; bảo đảm các điều kiện cơ sở vật chất; nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ, hướng tới đạt trình độ tiên tiến trong khu vực; triển khai thực hiện chương trình Giáo dục Mầm non thay thế chương trình Giáo dục Mầm non hiện hành theo sự chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

- Về quy mô, mạng lưới trường, lớp

Phát triển mạng lưới trường lớp mầm non, đảm bảo đến năm 2025, huy động được ít nhất 35% trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ, tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ trong các cơ sở Giáo dục Mầm non ngoài công lập chiếm từ 30% trở lên trong tổng số trẻ nhà trẻ đến trường (trong đó, Thành phố Đồng Hới: 75%; Thị xã Ba Đồn: 35%; Huyện Bố Trạch: 30%; Huyện Lệ Thủy: 20%; Huyện Quảng Ninh, Quảng Trạch, Tuyên Hóa và Minh Hóa: 10%); trên 96,5% trẻ em độ tuổi mẫu giáo được đến trường, trong đó, tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo trong các cơ sở Giáo dục Mầm non ngoài công lập chiếm từ 5% trở lên trong tổng số trẻ mẫu giáo đến trường;

- Về chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ

Đến năm 2025, phấn đấu 100% nhóm, lớp mầm non được học 2 buổi/ngày có bán trú, duy trì tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm trung bình 0,3%/năm, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể thấp còi giảm trung bình 0,2%/năm, tỷ lệ trẻ em thừa cân – béo phì được khống chế;

- Về đội ngũ giáo viên

[...]