Kế hoạch 100/KH-UBND năm 2021 thực hiện Chương trình mục tiêu y tế - dân số trên địa bàn tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025

Số hiệu 100/KH-UBND
Ngày ban hành 14/05/2021
Ngày có hiệu lực 14/05/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Hậu Giang
Người ký Hồ Thu Ánh
Lĩnh vực Thể thao - Y tế,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẬU GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 100/KH-UBND

Hậu Giang, ngày 14 tháng 5 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU Y TẾ - DÂN SỐ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẬU GIANG GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

I. BỐI CẢNH TRONG NƯỚC VÀ TÌNH HÌNH THẾ GIỚI

1. Bối cảnh trong nước:

- Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu trên vùng đồng bằng sông Cửu Long dẫn đến nguy cơ về lụt bão, nước dâng; điều kiện vệ sinh môi trường trong mùa nước nổi tuy có nhiều cải thiện nhưng chưa được giải quyết triệt để, vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được kiểm soát chặt chẽ là điều kiện để các dịch bệnh luôn có nguy cơ bùng phát.

- Mô hình bệnh tật địa phương có nhiều biến đổi, bên cạnh các bệnh nhiễm trùng, một số bệnh không lây nhiễm, tai nạn thương tích ngày càng có chiều hướng phát triển. Quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế là cơ hội cho ngành Y tế phát triển, tuy nhiên cũng có không ít khó khăn, thách thức như: những nguy cơ lây truyền các dịch bệnh nguy hiểm, các dịch bệnh mới diễn biến khó lường; đời sống Nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng thường bị ảnh hưởng thiên tai còn nhiều khó khăn, tình trạng sức khỏe của Nhân dân không đồng đều giữa các vùng.

- Khó khăn lớn của ngành Y tế là phải đảm bảo công bằng, hiệu quả trong chăm sóc sức khỏe và phát triển trong bối cảnh nền kinh tế thị trường; điều chỉnh cơ chế tài chính theo hướng công bằng trong khi khả năng đầu tư công còn hạn chế.

- Các nguồn đầu tư của nhà nước cho y tế còn hạn hẹp, khả năng các Chương trình mục tiêu quốc gia sẽ không được hỗ trợ tiếp tục từ ngân sách Trung ương mà giao về cho địa phương; sự huy động các nguồn lực từ cộng đồng chưa ổn định, quy mô dân số tiếp tục tăng, bảo hiểm y tế ngày càng phát triển, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của Nhân dân ngày càng cao và đa dạng, tạo sức ép về đáp ứng các dịch vụ y tế.

- Số lượng đội ngũ cán bộ y tế nhìn chung tuy có gia tăng so với giai đoạn 2011 - 2015, tuy nhiên nguồn nhân lực y tế vẫn còn yếu và thiếu ở tất cả các tuyến, cả lĩnh vực y tế chuyên sâu và y tế dự phòng.

- Về vệ sinh an toàn thực phẩm: sự bùng nổ dân số cùng với đô thị hóa nhanh dẫn đến thay đổi thói quen ăn uống của Nhân dân, thúc đẩy phát triển dịch vụ ăn uống trên hè phố tràn lan, khó có thể đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, sự gia tăng nhanh dân số còn làm khan hiếm tài nguyên thiên nhiên, trong đó nguồn nước sạch sử dụng cho sinh hoạt và ăn uống thiếu cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm . Sự phát triển của các ngành công nghiệp dẫn đến môi trường ngày càng bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến vật nuôi và cây trồng. Việc ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật mới trong chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất, chế biến thực phẩm làm cho nguy cơ thực phẩm bị nhiễm bẩn ngày càng tăng do lượng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất bảo quản trong rau, quả; tồn dư thuốc thú y trong thịt, thực phẩm sử dụng công nghệ gen, sử dụng nhiều hóa chất độc hại, phụ gia không cho phép, cũng như nhiều quy trình không đảm bảo vệ sinh gây khó khăn cho công tác quản lý, kiểm soát.

- Tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, trong những thời gian tới sẽ tiếp tục phát hiện các ca nhiễm trong cộng đồng và nhiều khả năng sẽ còn các ca tử vong là những bệnh nhân nặng.

2. Tình hình thế giới:

- Dịch Covid-19 đang diễn ra trên toàn cầu trong suốt thời gian qua. Khơi nguồn của dịch xuất phát từ thành phố Vũ Hán vào cuối tháng 12 năm 2019 đến nay vẫn chưa được dập tắt, dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, là thủ phạm khiến toàn thế giới chao đảo và gây ra những thiệt hại vô cùng nghiêm trọng.

- Thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức về sức khỏe, từ sự bùng phát các bệnh dịch có thể phòng ngừa bằng vắc-xin như sởi và bạch hầu, sự gia tăng vi sinh vật kháng thuốc, tăng tỷ lệ béo phì và ít vận động thể chất tới những tác động lên sức khỏe do ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu và khủng hoảng nhân đạo.

- Người lao động nhiều nước trên thế giới đang phải làm việc trong môi trường không đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, tiếp xúc với nhiều yếu tố có hại như: tiếng ồn, rung, bức xạ ion hóa, các điều kiện khí hậu không thuận lợi,... Các yếu tố nguy cơ nghề nghiệp như chấn thương, tiếng ồn, các tác nhân gây ung thư, bụi và các nguy cơ về ecgônômi (nguy cơ rối loạn cơ xương do vị trí, tư thế lao động) đã gây ra đáng kể gánh nặng bệnh mãn tính như: chấn thương lưng, điếc, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, bệnh hen, ung thư phổi, bệnh máu trắng và bệnh trầm cảm. Hàng năm 12,2 triệu người đang ở tuổi lao động và phần lớn ở các nước đang phát triển tử vong do các bệnh không lây nhiễm. Các yếu tố nguy cơ về môi trường, như ô nhiễm không khí, nước và đất, tiếp xúc với các hóa chất, biến đổi khí hậu và tia cực tím, góp phần gây ra hơn 100 bệnh tật và chấn thương. Các bệnh không lây nhiễm chiếm số lượng lớn trong các tử vong liên quan đến môi trường, gồm chủ yếu các bệnh như: đột quỵ, bệnh tim, ung thư và các bệnh hô hấp mãn tính. Đồng thời, tử vong do các bệnh truyền nhiễm như tiêu chảy và sốt rét, thường liên quan đến chất lượng nước, vệ sinh và quản lý chất thải không đảm bảo.

II. SỰ CẦN THIẾT PHẢI ĐẦU TƯ TRONG GIAI ĐOẠN 2021-2025 ĐỂ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 20-NQ/TƯ VÀ CÁC MỤC TIÊU CHIẾN LƯỢC, QUY HOẠCH, KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ-XÃ HỘI

1. Căn cứ pháp lý đề xuất giai đoạn 2021-2025:

Căn cứ Nghị quyết số 139/NQ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ Nhân dân trong tình hình mới; Nghị quyết số 137/NQ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “về công tác dân số trong tình hình mới”; các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: số 376/QĐ-TTg ngày 20 tháng 3 năm 2015 phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và các bệnh không lây nhiễm khác giai đoạn 2015 - 2025, số 2348/QĐ-TTg ngày 05 tháng 12 năm 2016 phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới; số 1092/QĐ-TTg ngày 02 tháng 9 năm 2018 phê duyệt Chương trình sức khỏe Việt Nam, số 681/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2019 về việc ban hành lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030; Công văn số 7272BYT-KH-TC ngày 27 tháng 12 năm 2020 của Bộ Y tế về việc triển khai các giải pháp để duy trì và nâng cao các kết quả của Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số trong thời gian tới; Chương trình công tác số 01/CTr-UBND ngày 04 tháng 01 năm 2021 của UBND tỉnh.

2. Đầu tư giai đoạn 2021-2025 là giải pháp cần thiết, chủ yếu và quan trọng để giải quyết các yếu tố nguy cơ về dịch, bệnh dịch.

3. Nhằm duy trì các thành tựu đã đạt được thời gian qua.

4. Nhằm thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội.

5. Thể hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam với cộng đồng quốc tế.

6. Sự phối hợp liên ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội.

7. Lồng ghép với các Chương trình, dự án.

8. Những vấn đề cấp bách cần được giải quyết giai đoạn 2021 - 2025.

III. MỤC TIÊU CHUNG, MỤC TIÊU CỤ THỂ, KẾT QUẢ, CÁC CHỈ TIÊU CHỦ YẾU

1. Mục tiêu:

a) Mục tiêu chung:

[...]