Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 10/KH-UBND năm 2022 triển khai lộ trình tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025

Số hiệu 10/KH-UBND
Ngày ban hành 18/01/2022
Ngày có hiệu lực 18/01/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Tuyên Quang
Người ký Hoàng Việt Phương
Lĩnh vực Bảo hiểm

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 10/KH-UBND

Tuyên Quang, ngày 18 tháng 01 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN LỘ TRÌNH TIẾN TỚI BHYT TOÀN DÂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TUYÊN QUANG GIAI ĐOẠN 2021-2025

Thực hiện Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) năm 2008, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật BHYT năm 2014; Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT; Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới; Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025; Chương trình hành động số 01-CTr/TU ngày 18/01/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; Công văn số 614-CV/TU ngày 12/8/2021 của Tỉnh ủy về việc tăng cường chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), BHYT trên địa bàn tỉnh.

Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai lộ trình tiến tới BHYT toàn dân trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025 như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

- Cụ thể hóa và triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo về chính sách BHYT trên địa bàn tỉnh. Huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong tỉnh nhằm tăng nhanh diện bao phủ người tham gia BHYT.

- Thống nhất ý chí và hành động của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và mọi tầng lớp nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế xã hội của tỉnh giai đoạn 2021- 2025.

- Xác định rõ trách nhiệm của các ngành, các cấp, các cơ quan, tổ chức có liên quan và đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất giữa các cơ quan, đơn vị trong việc triển khai thực hiện. Quá trình tổ chức thực hiện phải thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, đánh giá, cập nhật kịp thời những chủ trương, nhiệm vụ mới đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn; đề cao tinh thần chủ động, quyết tâm, đổi mới, sáng tạo, bảo đảm chất lượng, hiệu quả.

- Tuyên truyền, phổ biến kịp thời các chính sách, chế độ về BHYT để nhân dân thấy rõ vai trò, ý nghĩa của BHYT trong hệ thống an sinh xã hội; quyền lợi và nghĩa vụ của chủ sử dụng lao động, người lao động và người dân khi tham gia BHYT.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Mở rộng phạm vi bao phủ của BHYT về tỷ lệ dân số tham gia BHYT; bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT; góp phần tạo nguồn tài chính ổn định cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân theo hướng công bằng, hiệu quả, chất lượng và phát triển bền vững.

2. Mục tiêu cụ thể

Mục tiêu cụ thể phấn đấu đến năm 2025:

Nội dung

Kết quả thực hiện Năm 2021

Mục tiêu giai đoạn 2022-2025

Năm 2022

Năm 2023

Năm 2024

Năm 2025

Tỷ lệ người tham gia BHYT/dân số

92,1%

95%

97%

98,5%

100%

(Chi tiết tại Phụ lục kèm theo)

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể và nhân dân trong việc phối hợp tổ chức thực hiện tốt chính sách pháp luật, các mục tiêu, kế hoạch về BHYT, tăng nhanh số người tham gia BHYT đảm bảo hoàn thành mục tiêu đề ra.

2. Phát huy trách nhiệm người đứng đầu trong tổ chức thực hiện chính sách BHYT; vai trò của các tổ chức đoàn thể, các cá nhân có uy tín trong các khu dân cư để vận động người dân tham gia BHYT.

3. Tăng cường tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách, chế độ BHYT nhằm nâng cao nhận thức và hành động của các cấp, c ác ngành, toàn thể xã hội trong việc thực hiện chính sách, pháp luật BHYT; tích cực thực hiện các giải pháp nhằm hoàn thành chỉ tiêu bao phủ BHYT và tiến tới BHYT toàn dân (Đặc biệt, tập trung tuyên truyền vận động nhân dân bị ảnh hưởng bởi Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 612/QĐ-UBDT ngày 16/9/2021 của Ủy ban Dân tộc nhưng chưa tham gia BHYT trở lại).

4. Tổ chức tốt công tác khám chữa bệnh BHYT đảm bảo quyền lợi cho người bệnh có thẻ BHYT; quản lý có hiệu quả ngăn chặn tình trạng lạm dụng, trục lợi Quỹ BHYT. Tăng cường đầu tư trang, thiết bị cho các cơ sở khám, chữa bệnh, phân bổ ngân sách hợp lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn ngân sách để củng cố và phát triển mạng lưới y tế cơ sở đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh BHYT.

5. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT cho người lao động của các doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động bằng các hình thức phù hợp, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19; kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm những hành vi vi phạm (trốn đóng, nợ đóng, gian lận, trục lợi,…) theo quy định của Nhà nước.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

- Chịu trách nhiệm trong việc thực hiện BHYT với những nhóm đối tượng được giao quản lý theo chức năng, nhiệm vụ; đồng thời đề xuất chính sách hỗ trợ của tỉnh đối với những nhóm đối tượng theo quy định.

- Phối hợp với BHXH tỉnh và các cơ quan, đơn vị thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về BHYT nhằm nâng cao nhận thức của người lao động, người sử dụng lao động trong các doanh nghiệp về ý nghĩa, vai trò, quyền lợi và trách nhiệm tham gia BHYT.

- Thực hiện rà soát, lập danh sách cấp thẻ BHYT cho các đối tượng thuộc ngành quản lý, đảm bảo kịp thời đúng đối tượng, tránh trùng lặp.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường chỉ đạo và tiến hành thanh tra, kiểm tra tình hình chấp hành pháp luật về lao động, về thu nộp BHYT của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

[...]