Kế hoạch 09/KH-UBND phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn tỉnh Bình Định năm 2024

Số hiệu 09/KH-UBND
Ngày ban hành 17/01/2024
Ngày có hiệu lực 17/01/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Định
Người ký Lâm Hải Giang
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 09/KH-UBND

Bình Định, ngày 17 tháng 01 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH TRUYỀN NHIỄM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH NĂM 2024

Phần I

TÌNH HÌNH DỊCH BỆNH TRUYỀN NHIỄM NĂM 2023

I. TÌNH HÌNH DỊCH BỆNH TRUYỀN NHIỄM

1. Tình hình dịch bệnh trên thế giới

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, các đại dịch trên thế giới đang trở nên phổ biến và tăng tần suất xuất hiện. Tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trong những năm gần đây ngày càng phức tạp và khó lường, thường xuyên xuất hiện các đại dịch, các biến chủng và biến thể mới và chúng không ngừng biến đổi theo thời gian. Đồng thời, tình trạng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, thiên tai, lụt bão, quá trình đô thị hóa và di dân đang tạo điều kiện thuận lợi cho sự xuất hiện, lây lan và bùng phát của các dịch bệnh truyền nhiễm1. Các bệnh truyền nhiễm lưu hành như sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi đều đang gia tăng đáng kể, số ca mắc sốt xuất huyết đã tăng gấp 10 lần trong 10 năm qua, với ước tính một nửa dân số thế giới có nguy cơ mắc mỗi năm. Dịch bệnh COVID-19 mặc dù đã được kiểm soát, nhưng vi rút vẫn liên tục biến đổi, xuất hiện các chủng mới có khả năng đề kháng vắc xin, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tái bùng phát. Các bệnh lây truyền từ động vật sang người và các bệnh truyền nhiễm2. Dịch bệnh cúm mùa3, cúm A(H5N1)4 và đậu mùa khỉ5 tiếp tục ghi nhận sự gia tăng về số ca mắc và tử vong.

2. Tình hình dịch bệnh tại Việt Nam năm 20236

- COVID-19: Cả nước ghi nhận hơn 99 nghìn trường hợp mắc, 20 trường hợp tử vong; số mắc giảm 14,5 lần so với năm 2021 và giảm 82,4 lần so với 2022. Tỷ lệ tử vong do COVID-19 năm 2023 là 0,02%, giảm sâu so với năm 2021 (1,86%) và năm 2022 (0,11%).

- Sốt xuất huyết: Cả nước ghi nhận 163.892 trường hợp mắc, 39 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2022 (354.282/133), số ca mắc giảm 53,7%, số ca tử vong giảm 94 trường hợp.

- Viêm màng não do não mô cầu: Cả nước ghi nhận 17 trường hợp mắc, 02 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2022 (13/01), số ca mắc tăng 04 trường hợp, số ca tử vong tăng 01 trường hợp.

- Viêm não vi rút: Cả nước ghi nhận 487 trường hợp mắc, 09 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2022 (298/8), số ca mắc tăng 63,4%, số ca tử vong tăng 01 trường hợp.

- Tay chân miệng: Cả nước ghi nhận 170.192 trường hợp mắc; 29 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2022 (66.637/3), số ca mắc tăng 155%, số ca tử vong tăng 26 trường hợp.

- Sốt phát ban nghi sởi: Cả nước ghi nhận 379 trường hợp mắc, không ghi nhận trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2022 (357/0), số ca mắc tăng 6,16%.

- Sốt rét: Cả nước ghi nhận 443 trường hợp mắc bệnh sốt rét xác định, 02 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2022, số ca mắc sốt sốt rét tăng 4%.

- Đậu mùa khỉ: Cả nước ghi nhận 115 trường hợp mắc tại 11 tỉnh/thành phố. Trung bình mỗi tuần ghi nhận khoảng 10 ca.

- Bạch hầu: Cả nước ghi nhận rải rác 55 trường hợp mắc bệnh bạch hầu (có kết quả xét nghiệm PCR dương tính), 03 trường hợp tử vong. Riêng số mắc từ cuối tháng 8/2023 đến cuối tháng 12/2023 là 53/55 ca mắc.

- Các bệnh truyền nhiễm khác tình hình ổn định, cơ bản được kiểm soát. Năm 2023, trong nước không ghi nhận các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A như tả, cúm A(H5N1), cúm A(H7N9), MER-CoV, Ebola...

3. Tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh

- Bệnh COVID-19: Số ca mắc năm 2023 giảm sâu, chỉ ghi nhận 769 ca. Tích luỹ từ năm 2021 đến nay là 142.066 ca, trong đó có 317 ca tử vong (tỷ lệ 0,22%).

- Bệnh sốt xuất huyết: Toàn tỉnh ghi nhận 2.870 ca mắc và 162 ổ dịch, số ca bệnh và ổ dịch ghi nhận thấp hơn so với năm 2022 (cùng kỳ năm 2022 ghi nhận 7.481 ca và 350 ổ dịch).

- Các dịch bệnh khác: Ghi nhận 1.172 ca bệnh tay chân miệng, không có trường hợp tử vong; 02 ca bệnh sốt rét, không có ca tử vong; không có ca mắc và tử vong do dại; 754 ca cúm mùa, trong đó có 01 ca tử vong do cúm A(H1pdm); 01 trường hợp đậu mùa khỉ (bên ngoài xâm nhập vào tỉnh, đã được cách ly triệt để, nên không lây lan); giám sát 07 ca sốt phát ban, trong đó có 01 trường hợp Rubella; giám sát 01 trường hợp nghi ho gà; giám sát 03 ca liệt mềm cấp.

- Chưa ghi nhận trường hợp bệnh nguy hiểm mới nổi khác như Cúm A (H5N1), Cúm A (H7N9), Ebola. Các bệnh truyền nhiễm lưu hành khác mắc rải rác, không thành dịch.

4. Một số khó khăn, thách thức trong công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2023

- Trên thế giới và khu vực dịch bệnh luôn diễn biến khó lường, luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát; các biến chủng mới, các tác nhân gây bệnh liên tục biến đổi, xuất hiện, xu hướng dịch bệnh khó dự báo.

- Các chủng vi rút gây bệnh truyền nhiễm liên tục biến đổi, tạo ra thách thức trong việc phát triển và duy trì hiệu quả công tác tiêm chủng vắc xin phòng bệnh. Trong khi, hiệu quả miễn dịch giảm theo thời gian và tỷ lệ tiêm chủng các loại vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng năm 2023 chưa đạt tỷ lệ mong muốn, nguy cơ xuất hiện trở lại của các dịch bệnh vẫn luôn hiện hữu.

- Xu hướng toàn cầu hóa, nhu cầu giao thương, du lịch, đi lại của người dân tăng cao làm tăng khả năng lây lan nhanh chóng của các loại vi khuẩn và vi rút.

- Công tác truyền thông, phòng chống dịch bệnh dù đã được triển khai mạnh mẽ tại nhiều địa phương, tuy nhiên tính hiệu quả còn thấp, nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, ít phối hợp tham gia các hoạt động phòng, chống dịch bệnh tại cộng đồng.

[...]