Kế hoạch 09/KH-UBATGTQG triển khai công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông năm 2013 do Ủy ban An toàn giao thông quốc gia ban hành

Số hiệu 09/KH-UBATGTQG
Ngày ban hành 22/01/2013
Ngày có hiệu lực 22/01/2013
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia
Người ký Đinh La Thăng
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN AN TOÀN GIAO THÔNG QUỐC GIA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 09/KH-UBATGTQG 

Hà Nội, ngày 22 tháng 01 năm 2013

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI CÔNG TÁC BẢO ĐẢM TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG NĂM 2013

Thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 4 tháng 9 năm 2012 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông; thực hiện Nghị quyết số 21/2011/QH13 về chất vấn và trả lời chất vấn kỳ họp thứ 2 Quốc hội Khóa XIII; Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 24/8/2011, Nghị quyết số 16/2008/NQ-CP ngày 31/8/2008 của Chính phủ, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia xây dựng kế hoạch triển khai Năm an toàn giao thông năm 2013 với chủ đề “Nâng cao tinh thần trách nhiệm của người thực thi công vụ và ý thức tự giác của người tham gia giao thông” với các nội dung cụ thể sau:

I. Mục đích, yêu cầu, chỉ tiêu.

1. Nâng cao ý thức trách nhiệm, tính chuyên nghiệp, đạo đức nghề nghiệp của người thực thi công vụ trên lĩnh vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

2. Nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông trong cộng đồng.

3. Tiếp tục cải thiện tình trạng ùn tắc giao thông tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, giảm thiểu tối đa các vụ ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút.

4. Giảm 5% - 10% số vụ tai nạn, số người chết và bị thương vì tai nạn giao thông.

5. Chủ đề năm an toàn giao thông 2013 là “Nâng cao tinh thần trách nhiệm của người thực thi công vụ và ý thức tự giác của người tham gia giao thông”.

II. Nhiệm vụ trọng tâm

1. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, các tổ chức đoàn thể từ trung ương đến địa phương đối với công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông.

2. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông tới mọi tầng lớp nhân dân để nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông, đẩy mạnh xây dựng văn hóa giao thông.

3. Đẩy mạnh hoạt động tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông và nâng cao hiệu quả thông qua triển khai sử dụng trang thiết bị, hệ thống giám sát trong xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông. Tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực của người thực thi công vụ trong khi làm nhiệm vụ.

4. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông: quản lý việc đào tạo, sát hạch lái xe; đăng kiểm phương tiện giao thông; quản lý hoạt động vận tải; tổ chức giao thông.

5. Tiếp tục duy trì và phát huy, nhân rộng các giải pháp đột phá về khắc phục ùn tắc giao thông được thực hiện thành công tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh trong năm an toàn giao thông 2012, đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu, tìm kiếm các giải pháp mới.

III. Giải pháp chủ yếu

1. Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị 18-CT/TW ngày 04 tháng 9 năm 2012 của Ban Bí Thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông; Kế hoạch triển khai Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Các kế hoạch này được triển khai đồng bộ ở tất cả các cấp, các ngành.

2. Phát động phong trào thi đua nâng cao ý thức trách nhiệm của người thực thi công vụ trong lĩnh vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông; tăng cường giáo dục, quán triệt cho cán bộ, công chức, chiến sỹ và thanh tra chuyên ngành nâng cao tinh thần trách nhiệm, tính chuyên nghiệp trong thực thi nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông; có chính sách khuyến khích, khen thưởng đối với cá nhân, tập thể có thành tích và phê bình, kỷ luật các tập thể, cá nhân mắc khuyết điểm trong công tác này. Tổ chức tốt công tác tập huấn nghiệp vụ, quy trình công tác, nâng cao tính chuyên nghiệp cho lực lượng bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Tăng cường biện pháp đấu tranh ngăn chặn tiêu cực trong khi thi hành nhiệm vụ tuần tra, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông, vận động người dân thực hiện đúng quy định của pháp luật khi vi phạm hành chính. Thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra việc chấp hành quy trình, quy chế, điều lệnh đối với cán bộ, công chức, chiến sỹ, nhất là lực lượng trực tiếp tiếp xúc với nhân dân trong các lĩnh vực đào tạo sát hạch cấp giấy phép lái xe, đăng kiểm, đăng ký phương tiện, vận tải, quản lý giao thông, kiểm tra xử lý vi phạm; phát hiện xử lý nghiêm các hành vi sai phạm, tiêu cực trong thực thi công vụ.

3. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông - Hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, khắc phục kịp thời những bất cập, vướng mắc trong quá trình triển khai, đẩy mạnh việc sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông để nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước. Giải quyết những vấn đề khó khăn trong quản lý chậm được giải quyết như chuyển chủ sở hữu phương tiện cơ giới đường bộ, quy trình thử máu đối với người điều khiển phương tiện cơ giới, đội mũ bảo hiểm kém chất lượng…

- Tăng cường công tác cưỡng chế vi phạm trật tự an toàn giao thông, tập trung các lỗi là nguyên nhân tăng tai nạn và ùn tắc giao thông: vi phạm tốc độ; vi phạm nồng độ cồn; đi sai phần đường làn đường; không mũ bảo hiểm; dừng đỗ xe trái quy định; tập trung đối tượng lái xe xe khách, xe tải nặng; chở quá tải, không bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng an toàn kỹ thuật, không đăng ký, không đăng kiểm, thiếu dụng cụ cứu sinh;

- Tiếp tục phối hợp các lực lượng triển khai phòng, chống đua xe trái phép. Kiên quyết điều tra, sử lý nghiêm minh trước pháp luật hành vi đua xe trái phép, tụ tập gây mất trật tự an toàn giao thông, chống người thi hành công vụ.

- Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, đăng kiểm phương tiện giao thông, hoạt động vận tải, kiên quyết đình chỉ các cơ sở, các doanh nghiệp vi phạm quy định, quy trình hoạt động. Quy định chặt chẽ hơn về trách nhiệm và xử lý sai phạm trong công tác quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, đăng kiểm phương tiện, hoạt động vận tải, tuần tra kiểm soát, quy định rõ việc xử lý kỷ luật cá nhân, tập thể khi bị phát hiện sai phạm, nếu sai phạm nghiêm trọng phải xử lý hình sự theo quy định của pháp luật, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông, kiên quyết xử lý nghiêm cá nhân và tổ chức vi phạm.

4. Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông

a. Công tác tuyên truyền:

- Đẩy mạnh và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền: Huy động các cơ quan thông tin truyền thông, các tổ chức chính trị xã hội, các cơ quan, đơn vị tích cực tuyên truyền pháp luật trật tự an toàn giao thông; tuyên truyền sâu rộng đến cơ sở, từ xã phường đến đến thôn bản; phát huy hiệu quả truyền thông qua hệ thống thông tin xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương, hệ thống đài truyền thanh xã, phường.

- Đa dạng hóa các sản phẩm truyền thông. Tăng cường tuyên truyền trực quan, sử dụng thông điệp, pa nô, áp phích, tờ rơi, băng rôn, khẩu hiệu, triển lãm tranh ảnh, các hội thi. Tổ chức và tuyên truyền sản phẩm từ các cuộc vận động sáng tác âm nhạc, phim ảnh, văn học nghệ thuật về an toàn giao thông.

- Xã hội hóa các hoạt động truyền thông. Xây dựng và triển khai các kế hoạch truyền thông trên cơ sở tận dụng các đơn vị chuyên nghiệp.

[...]