Kế hoạch 455/KH-UBATGTQG về năm an toàn giao thông - 2012 do Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia ban hành

Số hiệu 455/KH-UBATGTQG
Ngày ban hành 06/12/2011
Ngày có hiệu lực 06/12/2011
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia
Người ký Nguyễn Xuân Phúc
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

ỦY BAN AN TOÀN GIAO THÔNG QUỐC GIA
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 455/KH-UBATGTQG

Hà Nội, ngày 06 tháng 12 năm 2011

 

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG

“NĂM AN TOÀN GIAO THÔNG - 2012”

Căn cứ Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 24 tháng 8 năm 2011 của Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự an toàn giao thông và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 1702/TTg-KTN ngày 24 tháng 9 năm 2011, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia xây dựng kế hoạch hành động “Năm an toàn giao thông - 2012” gồm các nội dung cụ thể sau đây:

I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU VÀ CHỈ TIÊU CƠ BẢN

1. Mục tiêu

a) Thay đổi căn bản nhận thức của lãnh đạo các cấp, các ngành đối với công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông và khắc phục ùn tắc giao thông, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng như các nhiệm vụ chính trị trọng tâm về phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

b) Thay đổi nhận thức và ý thức của người tham gia giao thông, phải coi việc giảm thiểu tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông là trách nhiệm của mình và của toàn xã hội; xây dựng và hình thành văn hóa giao thông trong cộng đồng.

c) Từng bước cải thiện tình trạng ùn tắc giao thông tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, giảm thiểu tối đa các vụ ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút.

d) Nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước và công tác phối hợp giữa các Bộ, ngành, các đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội, giữa trung ương và địa phương để tạo đột phá trong đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

2. Yêu cầu: Các giải pháp, hành động phải thiết thực, hiệu quả, không phô trương, hình thức.

3. Chỉ tiêu cơ bản

a) Giảm tối thiểu 5% - 10% số vụ tai nạn, số người chết và bị thương. Có nhiều địa phương đăng ký và kiên trì phấn đấu giảm tối thiểu 10% số vụ tai nạn, số người chết và bị thương.

b) 100% xã, phường, thị trấn đồng loạt ra quân và triển khai liên tục, có hiệu quả năm an toàn giao thông 2012.

c) Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để thể chế hóa các giải pháp đã nêu trong Nghị quyết 88/NQ-CP.

d) Giảm tối thiểu 20% vụ ùn tắc giao thông, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng đua xe trái phép.

đ) Xây dựng lộ trình và triển khai xóa cơ bản các “điểm đen” về an toàn giao thông.

4. Chủ đề “Năm an toàn giao thông 2012”:

“Thiết lập trật tự kỷ cương giao thông trong phạm vi cả nước và chống ùn tắc giao thông ở thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh”.

II. NHIỆM VỤ ĐỘT PHÁ “NĂM AN TOÀN GIAO THÔNG-2012”

1. Tăng cường công tác truyền thông tới tất cả mọi tầng lớp nhân dân về an toàn giao thông để gia tăng nhận thức về an toàn khi tham gia giao thông. Xây dựng văn hóa giao thông, hướng tới một xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn trong giao thông. Gia tăng nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp vận tải, của chủ phương tiện trong bảo đảm an toàn giao thông.

2. Tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông; đẩy mạnh việc áp dụng biện pháp xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông được ghi lại bằng hình ảnh.

3. Kiên quyết lập lại trật tự trong quản lý, sử dụng lòng đường, vỉa hè ở các đô thị và hành lang an toàn giao thông; nghiên cứu thu phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân, trước hết là ôtô cá nhân.

4. Tập trung tổ chức lại giao thông, đẩy mạnh phân làn giao thông đường đô thị và phân luồng trên hệ thống quốc lộ, tỉnh lộ. Tăng cường quản lý hoạt động vận tải theo quy định của pháp luật, tổ chức lại vận tải theo hướng lập lại trật tự và từng bước hiện đại hóa.

5. Tăng cường kiểm tra và xiết chặt quản lý việc đào tạo, sát hạch, cấp Giấy phép lái xe; đặc biệt là lái xe chở khách, xe tải, xe công ten nơ.

6. Đẩy mạnh các hoạt động thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông, kiên quyết xử lý nghiêm cá nhân và tổ chức vi phạm. Ban hành quy chế khen thưởng, kỷ luật, trách nhiệm người đứng đầu địa phương, đơn vị trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trước hết là trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, thủ trưởng các cơ quan nhà nước.

III. GIẢI PHÁP

1. Ngăn chặn, đẩy lùi tai nạn giao thông trong cả nước

a) Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, quy định trách nhiệm của lãnh đạo các cấp, cán bộ, công chức đối với nhiệm vụ giảm thiểu tai nạn giao thông và chống ùn tắc giao thông. Tăng cường hiệu quả trong công tác phối hợp thực hiện giữa các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương.

[...]