Kế hoạch 01/UBATGTQG-KH bảo đảm trật tự an toàn giao thông Tết Nguyên đán và lễ hội xuân Canh Dần 2010 do Ủy ban an toàn giao thông quốc gia ban hành

Số hiệu 01/UBATGTQG-KH
Ngày ban hành 04/01/2010
Ngày có hiệu lực 04/01/2010
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia
Người ký Hồ Nghĩa Dũng
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

ỦY BAN AN TOÀN GIAO THÔNG QUỐC GIA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 01/UBATGTQG-KH

Hà Nội, ngày 04 tháng 01 năm 2010

 

KẾ HOẠCH

BẢO ĐẢM TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG TẾT NGUYÊN ĐÁN VÀ LỄ HỘI XUÂN CANH DẦN 2010

Kính gửi:

- Các cơ quan thành viên Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia
- Ban An toàn giao thông tỉnh, thành phố trực thuộc TW

 

Trong dịp Tết Nguyên đán và các lễ hội sau Tết tình hình trật tự an toàn giao thông diễn biến rất phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ làm tăng tai nạn giao thông. Kết quả của công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong dịp Tết Nguyên đán và các tháng sau Tết có tác động lớn đến kết quả của cả năm.

Để tăng cường sự phối hợp của các cơ quan thành viên Ủy ban, thống nhất các biện pháp nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn giao thông trong dịp Tết Nguyên đán Canh Dần 2010 và các lễ hội sau Tết, tiếp tục kiềm chế gia tăng tai nạn giao thông. Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia ban hành Kế hoạch bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong dịp Tết Nguyên đán Canh Dần 2010 và các lễ hội sau Tết với những nội dung chính sau đây:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Các cơ quan thành viên Ủy ban có trách nhiệm tham gia công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông nhằm mục tiêu giao thông thông suốt, thuận lợi và an toàn trong dịp Tết Nguyên đán Canh Dần và lễ hội sau Tết năm 2010.

2. Giảm tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông trong dịp Tết Canh Dần và các lễ hội sau Tết so với Tết Kỷ Sửu và cùng kỳ năm 2009.

3. Tăng cường trách nhiệm và nâng cao hiệu quả phối hợp của các cơ quan thành viên Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia trong thời gian trọng điểm của công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên phạm vi cả nước.

4. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật về trật tự an toàn giao thông, trọng tâm là quy tắc giao thông đường bộ nhằm nâng cao hơn nữa ý thức tự giác chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông; biểu dương kịp thời các hành vi văn hóa khi tham gia giao thông của mọi người; tăng cường giáo dục truyền thống, lương tâm, trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp của người lái xe, tập trung vào đội ngũ lái xe khách liên tỉnh và lái xe taxi.

5. Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý kiên quyết và nghiêm khắc các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông đúng người vi phạm và đúng pháp luật, không phân biệt người vi phạm điều khiển phương tiện cơ giới hay phương tiện thô sơ hoặc đi bộ. Xử lý nghiêm khắc các hành vi chống lại người thi hành công vụ.

6. Chủ động phát hiện và xử lý kịp thời các yếu tố kỹ thuật của kết cấu hạ tầng hoặc của phương tiện giao thông có nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông: chủ động trong công tác tổ chức, hướng dẫn, điều hành giao thông khi xuất hiện tình huống phức tạp.

II. NHỮNG CÔNG TÁC TRỌNG TÂM CẦN TẬP TRUNG CHỈ ĐẠO

1. Công tác tuyên truyền tiến hành ở các đầu mối giao thông tập trung đông người, tại các bến tầu, bến xe, ga tầu, cảng hàng không, bằng nhiều hình thức với những nội dung chính sau: nghiêm cấm vận chuyển các loại pháo nổ, hóa chất hoặc các loại hàng dễ gây cháy nổ cùng với hành khách; phổ biến quy tắc giao thông; quy định về nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện cơ giới; cảnh báo các nguy cơ và các hành vi vi phạm thường xảy ra tai nạn giao thông; biểu dương hành vi có văn hóa của người tham gia giao thông như: tự giác chấp hành quy tắc giao thông, biết nhường đường cho người đồng hành, không tụ tập tại các điểm va chạm giao thông; mức phạt bằng tiền và các hình thức phạt bổ sung đối với các vi phạm phổ biến hoặc vi phạm có nguy cơ gây tai nạn; tuyên truyền hành khách vào bến xe, bến tàu, nhà ga mua vé để được bảo vệ quyền lợi.

2. Kiểm tra các điều kiện an toàn kỹ thuật của xe chở khách liên tỉnh và điều kiện kinh doanh vận tải khách của doanh nghiệp vận chuyển khách đường dài trên tuyến Bắc – Nam, trên các quốc lộ có mật độ lưu thông cao, đặc biệt chú ý các đoạn thường xảy ra các vụ tai nạn giao thông thảm khốc, các đèo dốc nguy hiểm.

3. Xây dựng phương án giải tỏa khách ùn đọng tại các bền tàu, bến xe, sân bay hoặc các ga đường sắt, bảo đảm không để khách phải ở lại qua đêm tại các điểm trên; Xây dựng phương án khắc phục ùn tắc giao thông nhiều giờ ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và tại các đầu mối giao thông trọng yếu.

4. Triển khai các biện pháp hạn chế tai nạn mô tô, xe gắn máy ở khu vực nông thôn, trên các tuyến đường bố trí không đủ lực lượng tuần tra, kiểm soát.

5. Kiểm tra chặt chẽ tiêu chuẩn an toàn của các phương tiện chở khách và các điều kiện bảo đảm an toàn tại các bến khách ngang sông.

6. Thực hiện các biện pháp cấp bách nhằm hạn chế tai nạn giao thông tại các điểm giao cắt đường bộ và đường sắt.

7. Cảnh sát giao thông đường bộ đường sắt, Cảnh sát giao thông đường thủy và Thanh tra giao thông tăng cường phối hợp trong hoạt động tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm theo thẩm quyền các hành vi vi phạm: ô tô khách chở quá số khách quy định; vi phạm tốc độ tối đa cho phép; điều khiển phương tiện khi đã vi phạm nồng độ cồn cho phép; điều khiển mô tô, xe gắn máy chở quá số người cho phép hoặc lạng lách, đánh võng, đua xe trái phép; không đội mũ bảo hiểm; lưu hành phương tiện không đủ tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường hoặc đã hết niên hạn sử dụng; lưu hành xe cơ giới tự chế trên đường giao thông công cộng; khai thác phương tiện thủy nội địa không đăng ký, không đăng kiểm theo quy định hoặc không đủ điều kiện an toàn, chở quá số người quy định.

8. Bảo đảm trật tự an ninh tại các cảng hàng không sân bay.

9. Chỉnh trang kết cấu hạ tầng giao thông: Các đơn vị quản lý giao thông đường bộ và đường thủy (Trung ương và địa phương) có trách nhiệm rà soát lại hệ thống cọc tiêu, biển báo, phao tiêu, báo hiệu; thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông tại các công trường tạm ngừng thi công, các đoạn đèo dốc nguy hiểm, các tuyến đường thủy nội địa có mật độ giao thông cao.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN VÀ CHẾ ĐỘ BÁO CÁO  

1. Các cơ quan chức năng thuộc Bộ Giao thông vận tải và Bộ Công an chủ động phối hợp chặt chẽ trong việc thực hiện Kế hoạch này và Công điện số 103/CĐ-BGTVT ngày 01 tháng 12 năm 2009 của Bộ Giao thông vận tải và Kế hoạch số 154/KH-BCA ngày 30 tháng 12 năm 2009 của Bộ Công an:

a. Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Cục Đường bộ Việt Nam và Cục Đăng kiểm Việt Nam phát huy kinh nghiệm phối hợp trong chỉ đạo đợt cao điểm Tết Nguyên đán Kỷ Sửu phối hợp chặt chẽ theo chức năng nhiệm vụ được giao nhằm thực hiện tốt Kế hoạch số 2781/KH-P1 ngày 30 tháng 12 năm 2009 của Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt;

b. Cục Đường bộ Việt Nam và Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội có trách nhiệm bảo đảm trật tự tại các bến xe, trạm nghỉ; xử lý các bến xe trái phép, giải tỏa khẩn cấp các điểm lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ cản trở tầm nhìn hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông; xử lý các hiện tượng gây mất trật tự xã hội trong vận tải khách đường bộ; phát huy hiệu quả hoạt động liên ngành của hai lực lượng trong những năm qua;

c. Cục Cảnh sát giao thông đường thủy, Cục đường thủy nội địa Việt Nam và Cục Đăng kiểm Việt Nam phối hợp chặt chẽ trong việc bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa theo chức năng nhiệm vụ được giao và phối hợp hướng dẫn, đôn đốc chính quyền địa phương thực hiện đúng các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa.

[...]