Kế hoạch 06/KH-UBND năm 2009 thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn do thành phố Cần Thơ ban hành

Số hiệu 06/KH-UBND
Ngày ban hành 20/01/2009
Ngày có hiệu lực 20/01/2009
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Cần Thơ
Người ký Trần Thanh Mẫn
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 06/KH-UBND

Cần Thơ, ngày 20 tháng 01 năm 2009

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 26-NQ/TW CỦA HỘI NGHỊ LẦN THỨ BẢY BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG - KHÓA X VỀ NÔNG NGHIỆP, NÔNG DÂN, NÔNG THÔN

Thực hiện Nghị quyết số 26 NQ/TW ngày 05 tháng 8 năm 2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng - khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn thời kỳ 2009 - 2020; Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP ngày 28 tháng 10 năm 2008 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn;

Thực hiện Quyết định số 3979/QĐ-BNN-KH ngày 15 tháng 12 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn;

Thực hiện Chương trình số 43-CTr/TU ngày 01 tháng 10 năm 2008 của Thành ủy Cần Thơ về việc thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương Đảng - khóa X về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn”.

Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ xây dựng Kế hoạch thực hiện với các nội dung chủ yếu như sau:

PHẦN I.

THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP, NÔNG DÂN, NÔNG THÔN THÀNH PHỐ CẦN THƠ GIAI ĐOẠN 2004 - 2008

1. Những thành tựu chủ yếu:

a) Sản xuất nông nghiệp:

Từ sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 10 về đổi mới cơ chế quản lý kinh tế nông nghiệp (tháng 4 năm 1988), sản xuất nông nghiệp tỉnh Cần Thơ trước đây và thành phố Cần Thơ từ năm 2004 đến nay đã và đang có những chuyển biến mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa, đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, đạt mức tăng trưởng bình quân 5,5%/năm, chất lượng nông sản dần được nâng lên, kim ngạch xuất khẩu nông, thủy sản tăng từ 220,8 triệu USD (năm 2004) lên 736,5 triệu USD (năm 2008); tăng bình quân 32,9%/năm.

Cơ cấu sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp từng bước chuyển dịch theo hướng tập trung chuyên canh, luân canh phù hợp với từng địa bàn với các mô hình sản xuất có hiệu quả như: lúa, cá; màu, kinh tế vườn kết hợp du lịch, nuôi thủy sản chuyên canh,… từng bước nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả gắn với nhu cầu thị trường. Trong ngành Nông nghiệp, giá trị sản xuất thủy sản có tốc độ tăng nhanh, năm 2004 chiếm tỷ trọng 16,68%, đến năm 2008 tăng lên 34,89%; tỷ trọng giá trị sản xuất trồng trọt có xu hướng giảm dần qua các năm, năm 2004 chiếm 72,07%, đến năm 2008 còn 57,12%.

b) Phát triển nông thôn và đời sống nông dân:

- Cơ cấu kinh tế nông thôn: chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ ngành nghề nông thôn: theo số liệu điều tra về nông nghiệp, nông thôn năm 2006, số hộ nông lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ lệ 70,63% giảm 6,85% so với năm 2001; hộ công nghiệp và xây dựng tăng thêm 3%, dịch vụ khác tăng 3,59%. Giá trị sản xuất/ha đất nông nghiệp tăng từ 37,8 triệu đồng/năm (năm 2004) tăng lên 85,7 triệu đồng/năm (năm 2008). Giá trị tăng thêm/ha đất nông nghiệp tăng từ 21,3 triệu đồng/năm (năm 2004) tăng lên 41,8 triệu đồng/năm (năm 2008).

- Kết cấu hạ tầng nông thôn: đến nay có nhiều chuyển biến tích cực, 82.571 ha diện tích chủ động tưới tiêu, chiếm 87,7% diện tích đất canh tác; có 77/85 (tỷ lệ 90,6%) xã, phường, thị trấn có đường ô tô đến trung tâm; có 96,8% hộ sử dụng điện sinh hoạt; 79% số hộ sử dụng nước hợp vệ sinh, 61% số hộ sử dụng nước sạch; 100% xã có trạm y tế, trường tiểu học, nhà trẻ, mẫu giáo, bưu điện văn hóa…

- Đời sống nhân dân: từng bước được cải thiện; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 1%/năm, đến năm 2008 tỷ lệ hộ nghèo còn 7% tổng số hộ. Thu nhập bình quân dân cư nông nghiệp tăng từ 3,34 triệu đồng/người (năm 2004) tăng lên 6,48 triệu đồng/người (năm 2008); nhà kiên cố ở nông thôn chiếm 9,13%, nhà bán kiên cố 55,34%, nhà đơn sơ 35,53%.

- Quan hệ sản xuất ở nông thôn: đến năm 2008, toàn thành phố có 64 Hợp tác xã nông nghiệp với tổng số hộ xã viên 1.129 hộ, diện tích 2.083,7 ha (1,81% đất nông nghiệp toàn thành phố), tổng vốn điều lệ đăng ký 39,4 tỷ đồng (đã thu 32,3 tỷ đồng, đạt 81,77%); tổng số tổ hợp tác 2.274 tổ, tổng số thành viên 53.806 người; có 1.329 hộ đạt tiêu chí trang trại, nhưng mới có 02 hộ đăng ký trang trại.

Các Hợp tác xã bước đầu thể hiện được vai trò trong việc tiếp thu hướng dẫn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thúc đẩy phát triển cơ cấu sản xuất, phát triển ngành nghề nông thôn, xóa đói giảm nghèo.

Trong giai đoạn 2003 - 2008 thực hiện Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 24 tháng 6 năm 2002 về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng, các doanh nghiệp đã ký kết và cho các hộ nông dân ứng 419.364 triệu đồng để sản xuất lúa; có khoảng 38.693 lượt nông hộ tham gia ký kết hợp đồng, diện tích 91.354 ha, sản lượng 750.313 tấn.

2. Những khó khăn hạn chế:

a) Một số yếu tố ảnh hưởng bất lợi đến tăng trưởng và phát triển nông nghiệp có xu hướng ngày càng tăng:

- Diện tích đất trồng lúa: giảm dần qua từng năm, từ 93.900 ha năm 2004 đến nay giảm xuống còn hơn 90.500 ha, bình quân mỗi năm giảm thêm 800 ha. Diện tích cây lâu năm so với năm 2004 cũng giảm trên 1.000 ha. Diện tích đất nông nghiệp sẽ còn tiếp tục giảm do yêu cầu đô thị hóa, công nghiệp hóa,… Diện tích đất nông nghiệp giảm sẽ kéo theo mất việc làm và các vấn đề xã hội nảy sinh nếu không có những giải pháp tích cực về đào tạo và chuyển đổi ngành nghề, tái định cư để ổn định đời sống và sinh hoạt.

- Cơ cấu lao động nông thôn: có bước chuyển biến tích cực song còn chậm, tỷ lệ lao động nông nghiệp năm 2004 là 52,5% đến năm 2008 là 50,3% (giảm 2,2%) chưa tương xứng với quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa; mặc dù công tác khuyến nông triển khai thực hiện khá tốt nên trình độ sản xuất của nông dân thành phố Cần Thơ so với mặt bằng chung của vùng đồng bằng sông Cửu Long khá cao, nhưng công tác giáo dục phổ thông, đào tạo nghề, đào tạo chuyên môn và quản lý với trình độ cao còn nhiều bất cập, số lao động qua đào tạo sơ trung cấp chiếm 3% và 1,67% tốt nghiệp cao đẳng trở lên. Lực lượng lao động cán bộ chuyên môn ở cơ sở chưa đáp ứng được nhu cầu đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

- Tình hình thiên tai, dịch bệnh: ngày càng gia tăng, xảy ra liên tiếp trên cây trồng, vật nuôi; biến đổi khí hậu thời tiết diễn biến phức tạp, gây tổn thất, thiệt hại cho nông dân, ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành Nông nghiệp. Giá vật tư nông nghiệp tăng cao, giá hàng hóa nông sản bấp bênh, sản xuất lãi ít, tiêu thụ sản phẩm từng lúc có khó khăn, đời sống nông dân bị ảnh hưởng nhiều, tác động đến chuyển đổi cơ cấu và hiệu quả sản xuất nông nghiệp.

b) Tổ chức sản xuất vẫn còn mang hình thức sản xuất hàng hóa nhỏ lẻ, manh mún, tự phát, chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa nông dân với doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm, chưa đầu tư phát triển đồng bộ và chưa tạo dựng sản phẩm thương hiệu của địa phương.

c) Kinh tế tập thể còn thiếu động lực và môi trường phát triển chưa đồng bộ, trình độ đội ngũ cán bộ Hợp tác xã còn hạn chế, chưa an tâm công tác,… Hợp tác xã chưa thật sự đóng vai trò hỗ trợ hoạt động sản xuất nông hộ, một số nơi tổ chức Hợp tác xã còn mang tính hình thức.

d) Ngoài năng suất, chất lượng lúa gạo, thủy sản có bước cải thiện; tuy nhiên, năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của các loại nông sản khác chưa cao; vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề lo lắng của người dân và thách thức lớn trong quá trình hội nhập kinh tế. Hệ thống sản xuất, vận chuyển, chế biến và phân phối theo mô hình GAP và chưa đầu tư xây dựng các vùng an toàn dịch bệnh.

đ) Khoảng cách chênh lệch thu nhập bình quân giữa khu vực thành thị và khu vực nông thôn khá lớn và có xu hướng tăng (năm 2004 là 3,83 lần, năm 2008 là 4,72 lần). Đời sống nhiều hộ nông dân còn khó khăn, nhất là những hộ ít đất, hộ thuần nông, không có ngành nghề phụ. Phần lớn các nông hộ thiếu vốn sản xuất phải vay ngân hàng hoặc mua chịu vật tư, phân bón để sản xuất theo cách thức: “ăn trước, trả sau”, thậm chí vay nóng bên ngoài; do đó, nông dân sẵn sàng chấp nhận bán nông sản với giá thấp sau khi thu hoạch để trả tiền vay hoặc trả nợ mua vật tư; họ khó có thể trữ nông sản để chờ thời điểm giá tốt hơn để bán, vì thế nông dân là người dễ bị ép giá. Do thu nhập thấp và nghèo khó, một số hộ nông dân phải cho con nghỉ học sớm để giảm bớt gánh nặng chi tiêu và phụ giúp gia đình tăng thêm nguồn thu.

[...]
5
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ