Luật Hợp tác xã 2003

Số hiệu 18/2003/QH11
Ngày ban hành 26/11/2003
Ngày có hiệu lực 01/07/2004
Loại văn bản Luật
Cơ quan ban hành Quốc hội
Người ký Nguyễn Văn An
Lĩnh vực Doanh nghiệp

QUỐC HỘI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 18/2003/QH11

Hà Nội, ngày 26 tháng 11 năm 2003

 

LUẬT

CỦA QUỐC HỘI NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM SỐ 18/2003/QH11 NGÀY 26 THÁNG 11 NĂM 2003 VỀ HỢP TÁC XÃ

Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 51/2001/QH10 ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ 10;
Luật này quy định về hợp tác xã.

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Hợp tác xã

Hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể do các cá nhân, hộ gia đình, pháp nhân (sau đây gọi chung là xã viên) có nhu cầu, lợi ích chung, tự nguyện góp vốn, góp sức lập ra theo quy định của Luật này để phát huy sức mạnh tập thể của từng xã viên tham gia hợp tác xã, cùng giúp nhau thực hiện có hiệu quả các hoạt động sản xuất, kinh doanh và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Hợp tác xã hoạt động như một loại hình doanh nghiệp, có tư cách pháp nhân, tự chủ, tự chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ tài chính trong phạm vi vốn điều lệ, vốn tích luỹ và các nguồn vốn khác của hợp tác xã theo quy định của pháp luật.

Điều 2. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định việc thành lập, tổ chức và hoạt động đối với hợp tác xã trong các ngành, các lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân.

Điều 3. Chính sách của Nhà nước đối với hợp tác xã

1. Nhà nước thực hiện các chính sách sau đây đối với hợp tác xã:

a) Ban hành và thực hiện các chính sách, các chương trình hỗ trợ phát triển hợp tác xã về đào tạo cán bộ; phát triển nguồn nhân lực; đất đai; tài chính; tín dụng; xây dựng quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã; áp dụng khoa học và công nghệ; tiếp thị và mở rộng thị trường; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng; tạo điều kiện để hợp tác xã được tham gia các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước;

b) Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để hợp tác xã phát triển;

c) Bảo đảm địa vị pháp lý và điều kiện sản xuất, kinh doanh của hợp tác xã bình đẳng với các loại hình doanh nghiệp khác;

d) Bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của hợp tác xã theo quy định của pháp luật;

đ) Tôn trọng quyền tự chủ, tự quyết, tự chịu trách nhiệm của hợp tác xã trong sản xuất, kinh doanh;

e) Không can thiệp vào công việc quản lý nội bộ và hoạt động hợp pháp của hợp tác xã.

2. Đối với hợp tác xã nông nghiệp, Chính phủ quy định cụ thể chính sách ưu đãi phù hợp với đặc thù và trình độ phát triển trong từng thời kỳ.

Điều 4. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Vốn góp tối thiểu là số tiền hoặc giá trị tài sản, bao gồm cả giá trị quyền sử dụng đất, quyền sở hữu các phát minh, sáng chế, bí quyết kỹ thuật và các loại giấy tờ có giá khác được quy ra tiền mà xã viên bắt buộc phải góp khi gia nhập hợp tác xã.

2. Góp sức là việc xã viên tham gia xây dựng hợp tác xã dưới các hình thức trực tiếp quản lý, lao động sản xuất, kinh doanh, tư vấn và các hình thức tham gia khác.

3. Vốn điều lệ của hợp tác xã là tổng số vốn do các xã viên đóng góp và được ghi vào Điều lệ hợp tác xã.

4. Biểu tượng của hợp tác xã là ký hiệu riêng của mỗi hợp tác xã để phản ánh đặc trưng riêng biệt của hợp tác xã và phân biệt hợp tác xã đó với các hợp tác xã và doanh nghiệp khác.

5. Dịch vụ của hợp tác xã đối với xã viên là hoạt động cung ứng cho xã viên các hàng hoá, vật tư dưới dạng vật chất hoặc phi vật chất mà xã viên có nhu cầu và phải trả tiền cho hợp tác xã.

6. Mức độ sử dụng dịch vụ của hợp tác xã là tỷ lệ giá trị dịch vụ mà từng xã viên sử dụng của hợp tác xã trong tổng số giá trị dịch vụ được cung ứng cho toàn bộ xã viên của hợp tác xã.

7. Cam kết kinh tế giữa hợp tác xã và xã viên là những ràng buộc về kinh tế giữa hợp tác xã và xã viên.

[...]