THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
80/2002/QĐ-TTg
|
Hà
Nội, ngày 24 tháng 6 năm 2002
|
QUYẾT ĐỊNH
CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 80/2002/QĐ-TTG NGÀY 24 THÁNG 6
NĂM 2002 VỀ CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH TIÊU THỤ NÔNG SẢN HÀNG HOÁ THÔNG QUA HỢP ĐỒNG
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ
ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Nhà nước khuyến khích các doanh nghiệp thuộc các thành
phần kinh tế ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản hàng hoá (bao gồm nông sản, lâm
sản, thuỷ sản) và muối với người sản xuất (hợp tác xã, hộ nông dân, trang trại,
đại diện hộ nông dân) nhằm gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ nông sản hàng
hoá để phát triển sản xuất ổn định và bền vững.
Hợp đồng sau khi đã ký kết là cơ
sở pháp lý để gắn trách nhiệm và nghĩa vụ của các bên, bảo vệ quyền và lợi ích
hợp pháp giữa người sản xuất nguyên liệu và các doanh nghiệp sản xuất, kinh
doanh, chế biến và xuất khẩu theo các quy định của hợp đồng.
Điều 2.
Hợp đồng tiêu thụ nông sản hàng hoá phải được ký với người
sản xuất ngay từ đầu vụ sản xuất, đầu năm hoặc đầu chu kỳ sản xuất. Trước mắt,
thực hiện việc ký kết hợp đồng tiêu thụ đối với các sản phẩm là các mặt hàng chủ
yếu để xuất khẩu : gạo, thuỷ sản, chè, cà phê, hồ tiêu, cao su, hạt điều, quả,
dâu tằm, thịt,... và các sản phẩm chủ yếu để tiêu dùng trong nước có thông qua
chế biến công nghiệp: bông, mía, thuốc lá lá, cây rừng nguyên liệu cho công
nghiệp giấy, công nghiệp chế biến gỗ, sữa và muối...
Hợp đồng tiêu thụ nông sản hàng
hoá ký giữa các doanh nghiệp với người sản xuất theo các hình thức:
- Ứng trước vốn, vật tư, hỗ trợ
kỹ thuật, công nghệ và mua lại nông sản hàng hoá;
- Bán vật tư mua lại nông sản
hàng hoá;
- Trực tiếp tiêu thụ nông sản
hàng hoá,
- Liên kết sản xuất: hộ nông dân
được sử dụng giá trị quyền sử dụng đất để góp vốn cổ phần, liên doanh, liên kết
với doanh nghiệp hoặc cho doanh nghiệp thuê đất sau đó nông dân được sản xuất
trên đất đã góp cổ phần, liên doanh, liên kết hoặc cho thuê và bán lại nông sản
cho doanh nghiệp, tạo sự gắn kết bền vững giữa nông dân và doanh nghiệp..
Hợp đồng tiêu thụ nông sản hàng
hoá phải bảo đảm nội dung và hình thức theo qui định của pháp luật.
Điều 3.
Một số chính sách chủ yếu khuyến khích các doanh nghiệp
ký hợp đồng tiêu thụ nông sản với người sản xuất.
1. Về đất đai
ủy ban nhân dân các tỉnh, thành
phố trực thuộc Trung ương tạo điều kiện thuận lợi để nông dân thực hiện đầy đủ,
đúng pháp luật các quyền về sử dụng đất, sử dụng giá trị quyền sử dụng đất để
góp vốn cổ phần hoặc liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp chế biến, kinh
doanh xuất nhập khẩu nông sản; chỉ đạo việc xây dựng và hoàn chỉnh quy hoạch
các vùng sản xuất nông sản hàng hoá tập trung, tạo điều kiện cho người sản xuất
và doanh nghiệp tổ chức sản xuất, ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản hàng hoá;
chỉ đạo thực hiện việc dồn điền, đổi thửa ở nơi cần thiết.
Các doanh nghiệp chế biến, tiêu
thụ, xuất khẩu nông sản có nhu cầu đất đai để xây dựng nhà máy chế biến hoặc
kho tàng, bến bãi bảo quản và vận chuyển hàng hoá thì được ưu tiên thuê đất. ủy
ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có quy định cụ thể tạo điều
kiện thuận lợi về thủ tục, giá cả để hỗ trợ các doanh nghiệp nhận đất đầu tư.
2. Về đầu tư
Vùng sản xuất nguyên liệu tập
trung gắn với cơ sở chế biến, tiêu thụ nông sản hàng hoá có hợp đồng tiêu thụ
nông sản hàng hoá được ngân sách Nhà nước hỗ trợ một phần về đầu tư xây dựng cơ
sở hạ tầng (đường giao thông, thuỷ lợi, điện,...), hệ thống chợ bán buôn, kho bảo
quản, mạng lưới thông tin thị trường, các cơ sở kiểm định chất lượng nông sản
hàng hoá. Cơ chế tài chính và hỗ trợ ngân sách thực hiện như quy định tại Điều
3, Quyết định số 132/2001/QĐ-TTg ngày 7 tháng 9 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ.
3. Về tín dụng
- Đối với tín dụng thương mại,
các ngân hàng thương mại đảm bảo nhu cầu vay vốn cho người sản xuất và doanh
nghiệp đã tham gia ký hợp đồng theo lãi suất thoả thuận với điều kiện và thủ tục
thuận lợi. Người sản xuất, doanh nghiệp được thế chấp bằng tài sản hình thành từ
vốn vay để vay vốn ngân hàng, được vay vốn bằng tín chấp và vay theo dự án sản
xuất kinh doanh có hiệu quả.
- Người sản xuất, doanh nghiệp
ký hợp đồng tiêu thụ nông sản có dự án sản xuất, chế biến hàng xuất khẩu được
hưởng các hình thức đầu tư nhà nước từ Quỹ hỗ trợ phát triển theo quy định tại
Nghị định số 43/1999/NĐ-CP ngày 29 tháng 6 năm 1999 của Chính phủ về Tín dụng đầu
tư của Nhà nước và Quyết định số 02/2001/QĐ-TTg ngày 2 tháng 01 năm 2001 của Thủ
tướng Chính phủ.
- Các doanh nghiệp ký kết hợp đồng
tiêu thụ nông sản để xuất khẩu, có dự án sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu được
vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ xuất khẩu theo quy định tại Quyết định số 133/2001/QĐ-TTg
ngày 10 tháng 9 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế tín dụng
hỗ trợ xuất khẩu. Các doanh nghiệp tiêu thụ nông sản mang tính thời vụ được vay
vốn từ Quỹ Hỗ trợ xuất khẩu để mua nông sản hàng hoá theo hợp đồng và được áp dụng
hình thức tín chấp hoặc thế chấp bằng tài sản hình thành từ vốn vay để vay vốn.
- Đối với địa bàn vùng sâu, vùng
xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, hải đảo ngoài chính sách tín dụng
hiện hành cho người sản xuất và doanh nghiệp vay như: cho vay hộ nghèo, giảm
lãi suất cho vay khi thanh toán,... còn được thực hiện chính sách:
+ Đối với dự án đầu tư chế biến
nông sản, tiêu thụ nông sản hàng hoá được vay từ Quỹ Hỗ trợ phát triển với mức
lãi suất 3%/năm. Trường hợp dự án do doanh nghiệp nhà nước thực hiện thì khi dự
án đi vào hoạt động, ngân sách nhà nước cấp đủ 30% vốn lưu động;
+ Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương quyết định việc sử dụng Ngân sách điạ phương hỗ trợ lãi
suất vốn vay ngân hàng cho từng dự án sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản
hàng hoá phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương.
4. Về chuyển giao tiến bộ kỹ thuật
và công nghệ
Hàng năm, ngân sách nhà nước
dành khoản kinh phí để hỗ trợ các doanh nghiệp và người sản xuất có hợp đồng
tiêu thụ nông sản: áp dụng, phổ cập nhanh (kể cả nhập khẩu) các loại giống mới,
tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trong bảo quản, chế biến nông, lâm, thuỷ sản; đầu
tư mới, cải tạo, nâng cấp các cơ sở sản xuất và nhân giống cây trồng, giống vật
nuôi; đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền, giáo dục (chương trình VIDEO,
truyền thanh, truyền hình, Internet,...) nhằm phổ cập nhanh tiến bộ kỹ thuật và
công nghệ mới, thông về tin thị trường, giá cả đến người sản xuất, doanh nghiệp.
Các vùng sản xuất hàng hoá tập
trung có hợp đồng tiêu thụ nông sản được ưu tiên triển khai và hỗ trợ về công
tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư.
5. Về thị trường và xúc tiến
thương mại
Ngoài các chính sách hiện hành,
đối với vùng sản xuất hàng hoá tập trung các doanh nghiệp xuất khẩu thuộc các
thành phần kinh tế có hợp đồng tiêu thụ nông sản hàng hoá với nông dân ngay từ
đầu vụ được ưu tiên tham gia thực hiện các hợp đồng thương mại của Chính phủ và
các chương trình xúc tiến thương mại do Bộ Thương mại, Bộ, ngành có liên quan,
Hiệp hội ngành hàng và địa phương tổ chức.
Điều 4.
Việc ký kết và thực hiện hợp đồng tiêu thụ nông sản hàng
hoá giữa người sản xuất với doanh nghiệp phải được thực hiện theo đúng các quy
định của pháp luật về hợp đồng.
Hợp đồng tiêu thụ nông sản hàng
hoá được ủy ban nhân dân xã xác nhận hoặc phòng công chứng huyện chứng thực.
Doanh nghiệp và người sản xuất
có trách nhiệm thực hiện đúng các cam kết trong hợp đồng; bên nào không thực hiện
đúng nội dung đã ký mà gây thiệt hại thì phải bồi thường cho bên bị thiệt hại.
Các bên ký kết hợp đồng cùng
nhau thoả thuận xử lý các rủi ro do về thiên tai, đột biến về giá cả thị trường
và các nguyên nhân bất khả kháng khác theo nguyên tắc cùng chia sẻ rủi ro và được
Nhà nước xem xét hỗ trợ một phần thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Các doanh nghiệp không được
tranh mua nông sản hàng hoá của nông dân mà doanh nghiệp khác đã đầu tư phát
triển sản xuất. Không được ký hợp đồng tiêu thụ nông sản hàng hoá mà người sản xuất
đã ký hợp đồng với doanh nghiệp khác. Người sản xuất chỉ được bán nông sản hàng
hoá sản xuất theo hợp đồng cho doanh nghiệp khác khi doanh nghiệp đã đầu tư hoặc
ký hợp đồng tiêu thụ nông sản hàng hoá từ chối không mua hoặc mua không hết
nông sản hàng hoá của mình.
Khi có tranh chấp về hợp đồng
thì ủy ban nhân dân xã có trách nhiệm phối hợp với Hội Nông dân Việt Nam cùng cấp
và Hiệp hội ngành hàng tổ chức và tạo điều kiện để hai bên giải quyết bằng
thương lượng, hoà giải. Trường hợp việc thương lượng, hoà giải không đạt được kết
quả thì các bên đưa vụ tranh chấp ra toà án để giải quyết theo pháp luật.
Điều 5.
Trong quá trình thực hiện hợp đồng, nếu doanh nghiệp vi
phạm một trong những nội dung: không mua hết nông sản hàng hoá; mua không đúng
thời gian, không đúng địa điểm như đã cam kết trong hợp đồng; gian lận thương mại
trong việc định tiêu chuẩn chất lượng, số lượng nông sản hàng hoá; lợi dụng
tính độc quyền của hợp đồng tiêu thụ để mua dưới giá đã ký kết trong hợp đồng
hoặc có hành vi khác gây thiệt hại cho người sản xuất thì tuỳ theo tính chất và
mức độ của hành vi vi phạm mà phải chịu các biện pháp xử lý như sau:
1. Bồi thường toàn bộ thiệt hại
vật chất do hành vi vi phạm gây ra theo quy định của pháp luật về hợp đồng;
2. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền
đình chỉ hoặc tạm đình chỉ quyền kinh doanh đối với các mặt hàng nông sản mà
doanh nghiệp vi phạm và thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng về hành
vi vi phạm hợp đồng của doanh nghiệp.
Điều 6.
Trong quá trình thực hiện hợp đồng, nếu người sản xuất nhận
tiền vốn, vật tư ứng trước của doanh nghiệp đã ký hợp đồng mà cố ý không bán
nông sản hàng hoá hoặc bán nông sản hàng hoá cho doanh nghiệp khác không ký hợp
đồng đầu tư sản xuất; bán thiếu số lượng, không đúng thời gian, không đảm bảo
tiêu chuẩn, chất lượng hàng hoá quy định trong hợp đồng; không thanh toán đúng
thời hạn hoặc có hành vi vi phạm khác thì tuỳ theo tính chất, mức độ của hành
vi vi phạm mà phải chịu các hình thức xử lý như sau:
1. Phải thanh toán lại cho doanh
nghiệp các khoản nợ: vật tư, vốn (bao gồm cả lãi suất vốn vay ngân hàng trong
thời gian tạm ứng) đã nhận tạm ứng;
2. Phải bồi thường thiệt hại đã
gây ra cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về hợp đồng.
Điều 7.
Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu
trách nhiệm chính trong việc chỉ đạo thực hiện các biện pháp thúc đẩy quá trình
tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng tại địa phương, trong đó
cần làm tốt một số việc sau đây:
- Chỉ đạo các ngành ở địa phương
tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân về phương thức sản xuất theo hợp đồng,
tăng cường giáo dục về pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho doanh
nghiệp và nông dân để nhân dân đồng tình hưởng ứng phương thức làm ăn mới trong
cơ chế thị trường;
- Lựa chọn và quyết định cụ thể (có
trường hợp cần phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan, Tổng công ty nhà nước)
các doanh nghiệp thực hiện ký hợp đồng tiêu thụ nông sản hàng hoá; đồng thời có
kế hoạch từng bước mở rộng phương thức ký hợp đồng tiêu thụ nông sản hàng hoá,
để đến năm 2005 ít nhất 30%, đến năm 2010 có trên 50% sản lượng nông sản hàng
hoá của một số ngành sản xuất hàng hoá lớn được tiêu thụ thông qua hợp đồng.
- Hướng dẫn các doanh nghiệp và
người sản xuất ký kết hợp đồng sản xuất, tiêu thụ nông sản hàng hoá trên địa
bàn; chỉ đạo các Sở, ban, ngành trong tỉnh đôn đốc, kiểm tra việc ký kết và thực
hiện hợp đồng;
- Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn, Bộ thủy sản, Liên minh hợp tác xã Việt Nam, Hội Nông dân
Việt Nam chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Hội Nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung
ương Đảng khoá IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế
tập thể để từ đó mở rộng phương thức tiêu thụ nông sản hàng hoá thông qua hợp đồng
với hợp tác xã nông nghiệp;
- Có biện pháp giúp đỡ cần thiết
và tạo điều kiện cho người sản xuất và doanh nghiệp thực hiện phương thức tiêu
thụ nông sản hàng hoá thông qua hợp đồng, phát hiện kịp thời những vướng mắc của
doanh nghiệp và người sản xuất trong quá trình thực thi phương thức này; kịp thời
xử lý những vướng mắc thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của địa phương và chủ động
làm việc với các Bộ, ngành có liên quan để xử lý những vấn đề vượt thẩm quyền của
địa phương;
- Chỉ đạo xây dựng một số mô
hình mẫu về phương thức sản xuất theo hợp đồng để rút kinh nghiệm chỉ đạo chung
và hoàn thiện các chính sách, nhằm thúc đẩy quá trình liên kết ngày càng chặt
chẽ và hiệu quả giữa người sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản hàng hoá trong
nông nghiệp.
Điều 8:
Trách nhiệm của các Bộ, ngành và tổ chức có liên quan:
1. Bộ Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn, Bộ Thuỷ sản ban hành mẫu hợp đồng tiêu thụ nông sản
hàng hoá của ngành, để các doanh nghiệp và người sản xuất vận dụng trong quá
trình thực hiện; theo dõi tổng hợp việc triển khai thực hiện phương thức tiêu
thụ nông sản hàng hoá thông qua hợp đồng báo cáo Thủ tướng Chính phủ
2. Bộ Thương mại có trách nhiệm
hướng dẫn hỗ trợ các doanh nghiệp xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu
thụ nông sản.
3. Bộ Tài
chính rà soát các chính sách thuế cho phù hợp đối với các bên ký hợp đồng; xây
dựng cơ chế chính sách lập Quỹ bảo hiểm ngành hàng trình Chính phủ quyết định;
hướng dẫn các chính sách về tài chính có liên quan.
4. Ngân hàng
Nhà nước Việt Nam, Quỹ Hỗ trợ phát triển hướng dẫn tổ chức chỉ đạo việc cho các
doanh nghiệp, người sản xuất vay vốn được quy định trong Quyết định này.
5. Cơ quan quản lý nhà nước về
giá của Chính phủ hướng dẫn nguyên tắc xác định giá sàn nông sản hàng hoá mà
doanh nghiệp mua của người sản xuất để bảo đảm người sản xuất có lợi, doanh
nghiệp kinh doanh có hiệu quả.
6. Hội Nông dân Việt Nam, Hiệp hội
ngành hàng phát huy vai trò, vị trí của ngành mình hỗ trợ các doanh nghiệp và
người sản xuất ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản.
Điều 9.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 10.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc
Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.