Kế hoạch 01/KH-UBND năm 2015 thực hiện "Đề án Truyền thông về xây dựng xã hội học tập" do tỉnh Thanh Hóa ban hành

Số hiệu 01/KH-UBND
Ngày ban hành 06/01/2015
Ngày có hiệu lực 06/01/2015
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Thanh Hóa
Người ký Phạm Đăng Quyền
Lĩnh vực Giáo dục,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 01/KH-UBND

Thanh Hóa, ngày 06 tháng 01 năm 2015

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN “ĐỀ ÁN TRUYỀN THÔNG VỀ XÂY DỰNG XÃ HỘI HỌC TẬP”

Thực hiện Quyết định số 2053/QĐ-TTg ngày 13 tháng 11 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Đề án “Truyền thông về xây dựng xã hội học tập” đến năm 2020, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án Truyền thông về xây dựng xã hội học tập như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

1.1. Triển khai thực hiện trong các cơ quan nhà nước, các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, đặc biệt trong cộng đồng dân cư, dòng họ và gia đình về vai trò, mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng xã hội học tập và các hình thức học tập suốt đời. Từ đó, thúc đẩy phong trào xây dựng các mô hình “gia đình học tập”, “dòng họ học tập”, “cộng đồng học tập” và “đơn vị học tập”. Góp phần đổi mới tư duy về giáo dục theo tư tưởng “Học tập thường xuyên, học tập suốt đời”, để việc học tập luôn được đề cao trong mỗi gia đình, cộng đồng và xã hội. Nhằm phát huy truyền thống hiếu học, sáng tạo trong học tập, lao động, sản xuất của nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

1.2. Nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong việc xây dựng xã hội học tập. Góp phần nâng cao trình độ dân trí cho đồng bào các dân tộc trong tỉnh nói chung, xóa mù chữ cho các đối tượng là phụ nữ, trẻ em gái, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số và những người sinh sống ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nói riêng.

1.3. Tạo phong trào thi đua học tập, lao động sáng tạo ở khắp các địa phương, vùng miền trong tỉnh; xây dựng những điển hình tiên tiến, những thành tích nổi bật, các giải pháp kinh nghiệm trong công tác xây dựng xã hội học tập.

1.4. Tăng cường vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể, các ngành, các cấp, trong lãnh đạo, chỉ đạo và tham gia tích cực, chủ động, sáng tạo vào nhiệm vụ xây dựng xã hội học tập.

2. Yêu cầu.

2.1. Phát huy vai trò của các ngành, các cấp, cơ quan, đơn vị trong việc triển khai thực hiện Đề án, nhằm đa dạng hóa các hình thức, phương pháp triển khai, thực hiện.

2.2. Triển khai cho các đối tượng phù hợp, đúng mục tiêu, nội dung yêu cầu, bảo đảm tính khoa học, thực tiễn và đồng bộ, lồng ghép với các chương trình, đề án khác có liên quan. Sử dụng các phương thức truyền thông hiện có trên cơ sở phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan thông tin đại chúng, hệ thống thông tin truyền thông cơ sở, đội ngũ tuyên truyền viên các cấp, đặc biệt khuyến khích sự chủ động tham gia của các doanh nghiệp vào việc tổ chức tuyên truyền để đảm bảo sử dụng nguồn lực của nhà nước tiết kiệm, hiệu quả.

2.3. Các cơ quan, đơn vị, địa phương, cộng đồng dân cư và gia đình có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để mọi người được học tập suốt đời; xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp, trách nhiệm cụ thể và cơ chế phối hợp chặt chẽ trong triển khai thực hiện Đề án “Truyền thông về xây dựng xã hội học tập” đến năm 2020.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Triển khai thực hiện Quyết định số 89/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020”; Quyết định 281/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020” và Quyết định số 692/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án “Xóa mù chữ đến năm 2020”. Những định hướng, quan điểm, giải pháp trong chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đối với các ngành, các cấp trong việc triển khai và thực hiện chủ trương xã hội hóa học tập, công tác xóa mù chữ.

2. Triển khai thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Hội nghị Ban chấp hành Trung ương VIII (Khóa XI) về “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo”; Chỉ thị số 11-CT/TW, ngày 13/4/2007 của Bộ Chính trị về “Tăng cường lãnh đạo của đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập”; Chỉ thị số 05-CT/TU, ngày 15/9/2011 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trong các cơ quan doanh nghiệp”; Quyết định 696/QĐ-UBND ngày 26/02/2013 của UBND tỉnh về việc ban hành “Quy định về trình tự, thủ tục tự rà soát, đăng ký, kiểm tra, xét công nhận và tổ chức công bố xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị vũ trang, doanh nghiệp đạt chuẩn xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020”.

3. Bám sát quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Quyết định 89/QĐ-TTg, Quyết định 281/QĐ-TTg và Quyết định 692/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để thông tin, tuyên truyền, trong đó tập trung các nội dung chủ yếu sau:

- Thông tin, tuyên truyền về các mục tiêu xây dựng xã hội học tập và xóa mù chữ theo từng giai đoạn trên địa bàn toàn tỉnh để các cơ quan nhà nước, các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, cộng đồng dân cư và gia đình có trách nhiệm cung ứng các cơ hội học tập và tạo điều kiện thuận lợi để mọi người được học tập suốt đời, đồng thời huy động các lực lượng xã hội tham gia dạy xóa mù chữ theo phương châm người biết chữ dạy người chưa biết chữ.

- Thông tin tuyên truyền rộng rãi trong đồng bào các dân tộc miền núi, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh về các chính sách xây dựng xã hội học tập, xóa mù chữ cho đồng bào các dân tộc thiểu số và những người sinh sống ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nhằm xây dựng và phát triển tinh thần học tập, thu hẹp khoảng cách chênh lệch về trình độ giữa miền núi và đồng bằng.

- Biểu dương những cá nhân, tập thể, nhất là trong đồng bào dân tộc ít người và các gia đình nghèo đã tích cực học tập, xóa mù chữ, nâng cao trình độ. Đồng thời, phê phán những cá nhân, tổ chức có những hành vi vi phạm pháp luật về giáo dục đào tạo, cản trở việc học tập của nhân dân.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Thông tin và Truyền thông

- Chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo chí trong tỉnh, Đài Truyền thanh - Truyền hình các huyện, thị xã, thành phố thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền việc triển khai thực hiện Quyết định số 2053/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Truyền thông về xây dựng xã hội học tập; Quyết định số 89/QĐ-TTg ngày 09/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020”; Quyết định 281/QĐ-TTg ngày 20/02/2014 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020” và Quyết định 692/QĐ-TTg ngày 04/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án “Xóa mù chữ đến năm 2020” và Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án xây dựng xã hội học tập, công tác xóa mù chữ trên địa bàn tỉnh.

- Chủ trì, phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông đưa các nội dung tuyên truyền về xây dựng xã hội học tập qua mạng viễn thông và Internet.

2. Sở Giáo dục và đào tạo

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong tỉnh cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ và kịp thời cho các cơ quan báo chí về tình hình, nội dung triển khai Kế hoạch xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là công tác xóa mù chữ trong hệ thống giáo dục.

- Xây dựng kế hoạch cụ thể trong từng giai đoạn. Biên tập, in ấn tài liệu, đa dạng hóa nội dung triển khai thực hiện Đề án phù hợp với từng đối tượng, lứa tuổi.

- Đưa nội dung về xây dựng xã hội học tập vào chương trình giảng dạy trong nhà trường và các hội nghị, hội thảo. Thực hiện việc tuyên dương, khen thưởng các đơn vị, cá nhân có nhiều thành tích trong công tác xây dựng xã hội học tập.

[...]