Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Kế hoạch 4366/KH-UBND năm 2015 thực hiện Đề án "Truyền thông về xây dựng xã hội học tập" đến năm 2020 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng

Số hiệu 4366/KH-UBND
Ngày ban hành 10/06/2015
Ngày có hiệu lực 10/06/2015
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Đà Nẵng
Người ký Nguyễn Ngọc Tuấn
Lĩnh vực Giáo dục,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4366 /KH-UBND

Đà Nẵng, ngày 10 tháng 6 năm 2015

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN "TRUYỀN THÔNG VỀ XÂY DỰNG XÃ HỘI HỌC TẬP" ĐẾN NĂM 2020 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

Thực hiện Quyết định số 2053/QĐ-TTg ngày 13 tháng 11 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án "Truyền thông về xây dựng xã hội học tập" đến năm 2020, UBND thành phố Đà Nẵng xây dựng Kế hoạch thực hiện Đề án "Truyền thông về xây dựng xã hội học tập" đến năm 2020 (sau đây gọi tắt là Đề án) trên địa bàn thành phố Đà Nẵng như sau:

I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU

1. Mục tiêu

Nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cá nhân, gia đình và cộng đồng, bảo đảm đến năm 2020:

a) Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, 100% học sinh, sinh viên, học viên tại các cơ sở giáo dục, 100% cán bộ công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan quản lý nhà nước, 90% công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, 70% lao động nông thôn và lao động tự do được tuyên truyền, nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa, vai trò, lợi ích của việc xây dựng xã hội học tập.

b) 100% phóng viên phụ trách chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề về giáo dục tại các cơ quan báo chí; 95% cán bộ chuyên trách trang tin điện tử, cổng thông tin điện tử của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị; cán bộ chủ chốt của đài phát thanh, truyền hình cấp huyện, đài truyền thanh cấp xã, điểm sinh hoạt cộng đồng; 100% cán bộ cấp xã, cán bộ chủ chốt của trung tâm học tập cộng đồng, trung tâm giáo dục thường xuyên, các cơ sở giáo dục chính quy làm nhiệm vụ giáo dục thường xuyên, các cơ sở giáo dục khác, cán bộ chủ chốt của thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa, trung tâm văn hóa - thể thao các cấp và các câu lạc bộ, cán bộ lãnh đạo, cán bộ thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền của các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp được trang bị kiến thức.

2. Yêu cầu

a) Thông tin, tuyên truyền đảm bảo bám sát nội dung các Đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020" và Đề án "Xóa mù chữ đến năm 2020" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 89/QĐ-TTg ngày 09 tháng 01 năm 2013 và Quyết định số 692/QĐ-TTg ngày 04 tháng 5 năm 2013.

b) Nội dung tuyên truyền bảo đảm chính xác, rõ ràng, đơn giản, thiết thực, đa dạng; phù hợp với từng đối tượng, đúng mục tiêu, nội dung yêu cầu, bảo đảm tính khoa học, thực tiễn và đồng bộ, lồng ghép với các chương trình, đề án khác có liên quan.

c) Tận dụng các phương thức truyền thông hiện có, trên cơ sở phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức địa phương, các cơ quan thông tin đại chúng, hệ thống thông tin truyền thông cơ sở, đội ngũ tuyên truyền viên các cấp, đặc biệt khuyến khích sự chủ động tham gia của các doanh nghiệp vào việc tổ chức tuyên truyền để bảo đảm sử dụng nguồn lực của nhà nước tiết kiệm, hiệu quả;

d) Bảo đảm kế thừa, phát huy các kết quả đã đạt được trong giai đoạn trước, bổ sung và đổi mới các phương thức, hình thức, nội dung tuyên truyền mới, khắc phục được những hạn chế, bất cập hiện nay trong công tác tuyên truyền về xây dựng xã hội học tập.

II. NỘI DUNG TUYÊN TRUYỀN

1. Quan điểm, mục tiêu của việc xây dựng xã hội học tập và xóa mù chữ đến năm 2020.

2. Mục đích, ý nghĩa, vai trò, lợi ích, mô hình của học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập.

3. Tuyên truyền qua việc biểu dương, khen thưởng các cá nhân, đơn vị có nhiều thành tích trong công tác xây dựng xã hội học tập.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Tuyên truyền qua các cơ quan báo chí: Mở các chuyên mục, chuyên đề, chương trình tuyên truyền về nội dung của Đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020" và Đề án "Xóa mù chữ đến năm 2020" trên các kênh phát thanh, truyền hình quảng bá ở địa phương, trên các báo, tạp chí in, báo điện tử.

2. Tuyên truyền qua mạng viễn thông và internet: Xây dựng các banner tuyên truyền trên trang thông tin điện tử tổng hợp của các cấp, các ngành, các hội đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn thành phố. Đưa các nội dung tuyên truyền về Đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 – 2020" và Đề án "Xóa mù chữ đến năm 2020" với định dạng phù hợp, tương thích với các dịch vụ thư điện tử và nhắn tin trên mạng viễn thông, mạng xã hội.

3. Tuyên truyền qua hệ thống thông tin cơ sở: Bố trí thời lượng phù hợp để đưa nội dung tuyên truyền Đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020" và Đề án "Xóa mù chữ đến năm 2020" trên hệ thống các đài truyền thanh cấp quận, huyện, xã, phường. Triển khai phương thức tuyên truyền miệng, phát tài liệu, tờ gấp, tờ rơi thông qua việc sử dụng đội ngũ cán bộ thông tin cơ sở.

4. Tuyên truyền qua các phương thức khác: Đưa nội dung tuyên truyền về Đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020" và Đề án "Xóa mù chữ đến năm 2020" vào chương trình giảng dạy trong nhà trường và các hội nghị, hội thảo của các cấp, các ngành. Tuyên truyền qua việc tuyên dương, khen thưởng các đơn vị, cá nhân có nhiều thành tích trong công tác xây dựng xã hội học tập ở địa phương.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Thông tin và Truyền thông

a) Hướng dẫn triển khai thực hiện, đánh giá, tổng kết và báo cáo việc thực hiện các hoạt động của Đề án trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

b) Chỉ đạo, hướng dẫn các phương tiện truyền thông đại chúng trên địa bàn thành phố thực hiện tuyên truyền Đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020" và Đề án "Xóa mù chữ đến năm 2020" theo các nội dung tại Mục III, khoản 1, 2, 3 của Kế hoạch này.

c) Chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo hỗ trợ các cơ quan báo đài địa phương, đài truyền thanh tại các phường, xã xây dựng nội dung tuyên truyền về Đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 – 2020" và Đề án "“Xóa mù chữ đến năm 2020”.

d) Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thông tin tuyên truyền của các cơ quan báo chí, hệ thống đài truyền thanh cơ sở và đề xuất khen thưởng kịp thời đối với những tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong công tác tuyên truyền.

[...]