Kế hoạch 92/KH-UBND năm 2013 về triển khai xây dựng xã hội học tập tỉnh Tuyên Quang đến năm 2020

Số hiệu 92/KH-UBND
Ngày ban hành 26/12/2013
Ngày có hiệu lực 26/12/2013
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Tuyên Quang
Người ký Vũ Thị Bích Việt
Lĩnh vực Giáo dục,Văn hóa - Xã hội

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 92/KH-UBND

Tuyên Quang, ngày 26 tháng 12 năm 2013

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI XÂY DỰNG XÃ HỘI HỌC TẬP TỈNH TUYÊN QUANG ĐẾN NĂM 2020

Căn cứ Quyết định số 89/QĐ-TTg ngày 09/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020”; Công văn số 822/BCĐQG-XHHT ngày 30/01/2013 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc triển khai Quyết định số 89/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ;

Căn cứ Quyết định số 1215/QĐ-BGDĐT ngày 04/4/2013 của Bộ Trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Chương trình hành động của ngành Giáo dục thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam 2011-2020;

Căn cứ Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 13/5/2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang khóa XV về phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 121/QĐ-UBND ngày 12/5/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2011-2020,

Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang xây dựng Kế hoạch xây dựng xã hội học tập tỉnh Tuyên Quang đến năm 2020, với nội dung như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Đến năm 2015

1.1. Xóa mũ chữ và phổ cập giáo dục

- Trên 90% số người trong độ tuổi 15 – 60 và 92% số người trong độ tuổi 15-35 biết chữ. Đảm bảo tỷ lệ biết chữ cân bằng giữa nam và nữ; ưu tiên xóa mù chữ cho phụ nữ, trẻ em gái, người dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn.

- Trên 80% số người mới biết chữ tiếp tục học tập và không mù chữ trở lại.

- 100% huyện, thành phố đạt chuẩn phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi và củng cố vững chắc kết quả phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, kết quả phổ cập giáo dục trung học cơ sở.

1.2. Nâng cao trình độ tin học, ngoại ngữ

- 80% cán bộ, công chức, viên chức tham gia các chương trình học tập, nâng cao trình độ ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm;

- 20% cán bộ, công chức, viên chức có trình độ ngoại ngữ bậc 2 và 5% có trình độ bậc 3;

- Tăng dần tỷ lệ công nhân lao động có kiến thức cơ bản về tin học, ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu công việc và giao lưu văn hóa hằng năm.

1.3. Nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề để lao động có hiệu quả hơn, hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn.

- Đối với cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh, ngành và cấp huyện:

+ 100% được đào tạo đáp ứng tiêu chuẩn quy định.

+ 95% cán bộ, công chức giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý các cấp được đào tạo, bồi dưỡng theo chương trình quy định.

+ 80% cán bộ, công chức thực hiện chế độ bồi dưỡng bắt buộc tối thiểu hằng năm.

- Đối với cán bộ, công chức cấp xã:

+ 100% cán bộ cấp xã được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng lãnh đạo, quản lý điều hành theo vị trí công việc.

+ 90% cán bộ cấp xã có trình độ chuyên môn theo chuẩn quy định.

+ 70% công chức cấp xã thực hiện chế độ bồi dưỡng bắt buộc tối thiểu hằng năm.

+ 100% người hoạt động không chuyên trách được bồi dưỡng kiến thức phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ.

- Đối với lao động nông thôn:

[...]