Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Kế hoạch 1107/KH-UBND tăng cường công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh năm 2024

Số hiệu 1107/KH-UBND
Ngày ban hành 07/03/2024
Ngày có hiệu lực 07/03/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Dương Anh Đức
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1107/KH-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 07 tháng 03 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ AN TOÀN THỰC PHẨM TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH NĂM 2024

Căn cứ Quyết định số 426/QĐ-TTg ngày 21 tháng 4 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21 tháng 10 năm 2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới;

Xét đề nghị của Sở An toàn thực phẩm tại Công văn số 390/SATTP-KHTC ngày 27 tháng 02 năm 2024, Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Kế hoạch tăng cường công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh năm 2024, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

- Tổ chức, triển khai có hiệu quả Quyết định số 426/QĐ-TTg ngày 21 tháng 4 năm 2023 của Thủ trướng Chính phủ về ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21 tháng 10 năm 2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới; Chương trình phối hợp số 01/CTPH-BNNPTNT-UBND ngày 22 tháng 02 năm 2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân Thành phố về nâng cao chất lượng chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản bền vững giao thương giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố giai đoạn 2022 - 2025; Quyết định số 177/QĐ-UBND ngày 15 tháng 01 năm 2024 của Ủy ban nhân dân Thành phố về mục tiêu tổng quát, chỉ tiêu, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội và Chương trình công tác năm 2024.

- Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo từ các sở, ngành đến Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, quận, huyện, phường, xã, thị trấn trên địa bàn Thành phố trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức của người tiêu dùng, người quản lý, người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trong vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm và thực hành đúng về an toàn thực phẩm từ khâu lựa chọn, bảo quản, chế biến, sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Nâng cao năng lực quản lý của các cấp, các ngành trong công tác truyền thông về an toàn thực phẩm; nâng cao hiệu quả sự phối hợp giữa chính quyền địa phương, giữa các cơ quan chức năng với các đoàn thể và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm.

- Tiếp tục xây dựng và phát triển chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm an toàn, các Chương trình, Kế hoạch, Dự án, Đề án liên quan đến thực phẩm nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm nông sản, thực phẩm từ tỉnh đưa về tiêu thụ trên địa bàn Thành phố và thực phẩm lưu thông trên thị trường.

- Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm, góp phần vào sự phát triển bền vững, ổn định và an sinh xã hội trên địa bàn Thành phố; tiếp tục thúc đẩy các giải pháp, nâng cao hiệu quả trong ứng dụng công nghệ thông tin đối với hoạt động thanh tra, kiểm tra, nhất là trong tổ chức hội họp, trao đổi thông tin, thanh tra, kiểm tra trực tiếp tại đơn vị.

II. NHIỆM VỤ GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM

1. Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật

1.1. Nội dung thực hiện

- Rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, cơ chế phối hợp giữa các sở, ngành và địa phương, các tiêu chuẩn, quy chuẩn về bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; các nguyên tắc, chế tài xử lý vi phạm an toàn thực phẩm, sử dụng chất cấm, lạm dụng kháng sinh, hoá chất không rõ nguồn gốc trong tất cả các khâu, từ nguyên liệu đến sản xuất, chế biến, kinh doanh, bảo quản thực phẩm.

- Xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật địa phương, kiểm nghiệm, bảo đảm truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Khuyến khích đầu tư kết cấu hạ tầng và phát triển các mô hình sản xuất, chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm an toàn; có chính sách hỗ trợ hộ gia đình, hợp tác xã và doanh nghiệp tiếp cận, sử dụng hiệu quả các nguồn lực xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn.

- Xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu về bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm liên thông với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia và chuyên ngành.

- Nâng cao năng lực phòng ngừa, chủ động xử lý ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm.

1.2. Phân công thực hiện

- Sở An toàn thực phẩm chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp và đơn vị có liên quan rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, cơ chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành và địa phương.

- Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức, phối hợp với Sở An toàn thực phẩm và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức việc xây dựng và tham gia xây dựng quy chuẩn kỹ thuật địa phương về an toàn thực phẩm; Đôn đốc, phối hợp với các sở, ban ngành, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện triển khai truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn Thành phố theo thẩm quyền.

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp sở, ngành, thành phố Thủ Đức và các quận, huyện nghiên cứu, đề xuất các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm an toàn, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ.

- Sở Thông tin và Truyền thông hướng dẫn Sở An toàn thực phẩm về giải pháp kỹ thuật triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin của đơn vị đảm bảo tuân thủ Kiến trúc Chính quyền điện tử Thành phố; hướng dẫn giải pháp kỹ thuật tích hợp và liên thông dữ liệu về kho dữ liệu dùng chung của Thành phố.

2. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo từ các sở, ngành đến Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, quận, huyện, phường, xã, thị trấn trên địa bàn Thành phố trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm và nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác bảo đảm an toàn thực phẩm đối với sức khỏe con người

2.1. Nội dung thực hiện

Các sở, ngành, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện, phường, xã, thị trấn chịu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng kế hoạch triển khai và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp nêu trong Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 23 tháng 11 năm 2022 của Chính phủ về ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07 tháng 10 năm 2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2045; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục nâng cao nhận thức của toàn xã hội, của doanh nghiệp, người dân về vai trò, tầm quan trọng của công tác bảo đảm an toàn thực phẩm đối với sức khỏe con người; đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình hành động số 33-CTrHĐ/TU ngày 15 tháng 02 năm 2023 của Ban Thường vụ Thành ủy thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21 tháng 10 năm 2022 của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới và các văn bản liên quan.

2.2. Phân công thực hiện

- Sở An toàn thực phẩm chủ trì phối hợp với các Sở, ngành và Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện và các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả và lồng ghép các nhiệm vụ, giải pháp của Kế hoạch này trong xây dựng kế hoạch hoạt động hàng năm của đơn vị.

- Sở Thông tin và Truyền thông hỗ trợ các sở, ngành, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện, phường, xã, thị trấn trong công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục nâng cao nhận thức của toàn xã hội, của doanh nghiệp, người dân về vai trò, tầm quan trọng của công tác bảo đảm an toàn thực phẩm đối với sức khỏe con người.

- Đài Truyền hình Thành phố và Đài Tiếng nói nhân dân Thành phố phối hợp các sở, ngành đưa tin về an toàn thực phẩm thành nội dung thông tin thường xuyên của chương trình phát sóng; xây dựng chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật về an toàn thực phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh; chú trọng truyền thông để chuyển đổi hành vi, tập quán lạc hậu không đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất và tiêu dùng.

[...]