Kế hoạch 259/KH-UBND năm 2021 thực hiện Kết luận 624-KL/TU về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025

Số hiệu 259/KH-UBND
Ngày ban hành 30/11/2021
Ngày có hiệu lực 30/11/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Thanh Hóa
Người ký Đầu Thanh Tùng
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 259/KH-UBND

Thanh Hóa, ngày 30 tháng 11 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN KẾT LUẬN SỐ 624-KL/TU NGÀY 04/10/2021 CỦA BAN CHẤP HÀNH ĐẢNG BỘ TỈNH VỀ TIẾP TỤC TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG ĐỐI VỚI CÔNG TÁC BẢO ĐẢM VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẾN NĂM 2025

Thực hiện Kết luận số 624-KL/TU ngày 04/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 (sau đây viết tắt là Kết luận số 624-KL/TU); Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện với các nội dung sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Tổ chức quán triệt, tuyên truyền sâu rộng các nội dung của Kết luận số 624-KL/TU ngày 04/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đến các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân về đảm bảo an toàn thực phẩm; tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, nhằm tổ chức thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã đề ra.

2. Xác định rõ trách nhiệm của các sở, ban, ngành, địa phương trong việc thực hiện Kết luận số 624-KL/TU ngày 04/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh đến năm 2025.

3. Kế hoạch là căn cứ để các sở, ban, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch, chương trình cụ thể để chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được phân công; đồng thời, là căn cứ để tổ chức, kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của các cấp, các ngành và đơn vị liên quan.

II. MỤC TIÊU ĐẾN NĂM 2025

- 100% chợ kinh doanh thực phẩm, chợ đầu mối nông sản thực phẩm, bếp ăn tập thể đáp ứng các quy định về điều kiện ATTP.

- 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc diện phải cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP được cấp Giấy chứng nhận; 95% trở lên cơ sở không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận thực hiện ký cam kết đảm bảo ATTP và đáp ứng các điều kiện về ATTP theo quy định.

- 70% trở lên thực phẩm tiêu dùng trên địa bàn tỉnh được cung cấp thông qua chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng thực phẩm an toàn, có xác nhận.

- Tỷ lệ mắc ngộ độc thực phẩm cấp tính được ghi nhận dưới 07 người/100.000 dân.

- 100% xã, phường, thị trấn được công nhận đạt tiêu chí ATTP, trong đó 20% trở lên đạt tiêu chí ATTP nâng cao.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Tăng cường công tác tuyên truyền và đào tạo tập huấn, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và Nhân dân về ATTP

a) Các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức nghiên cứu, quán triệt đầy đủ, sâu rộng nội dung Kết luận số 11- KL/TW ngày 19/01/2017 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TW của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới, Luật An toàn thực phẩm, Nghị quyết Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, Kết luận số 624-KL/TU và nội dung Kế hoạch này đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh, tạo sự đồng thuận trong tổ chức triển khai thực hiện.

b) Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Thanh Hóa, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan truyền thông, báo chí đóng trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về ATTP, tập trung xây dựng các chuyên mục, chuyên trang, chuyên đề về ATTP; hướng dẫn thực hành sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn. Thông tin kịp thời, đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng, quy định của Nhà nước và việc xử lý các hành vi vi phạm về ATTP, các mô hình tốt, các điển hình tiên tiến để kịp thời động viên, khuyến khích học tập các mô hình, điển hình về công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn tỉnh.

c) Văn phòng điều phối về vệ sinh ATTP tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương và UBND các huyện, thị xã, thành phố tham mưu ban hành Kế hoạch thông tin tuyên truyền, đào tạo tập huấn về ATTP trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2022 - 2025; báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh trong tháng 12/2021.

d) Đề nghị Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội tăng cường giám sát, phản biện xã hội đối với việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật, quy định của Nhà nước về sản xuất, kinh doanh thực phẩm; xây dựng và triển khai các kế hoạch truyền thông, phổ biến kiến thức về ATTP trong hệ thống tổ chức từ cấp tỉnh đến cấp xã, cộng đồng dân cư; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đoàn viên, hội viên và Nhân dân tích cực, tự giác tham gia thực hiện công tác bảo đảm ATTP. Tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và tổ chức các phong trào thi đua phát triển sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn; phát huy vai trò tập hợp, vận động đoàn viên, hội viên xây dựng các chuỗi giá trị đảm bảo ATTP thông qua thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết sản xuất; kịp thời phát hiện, biểu dương, nhân rộng các điển hình tiên tiến, mô hình hay, kinh nghiệm tốt trong công tác bảo đảm ATTP.

2. Rà soát, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế, chính sách về công tác bảo đảm ATTP

a) Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan rà soát, tham mưu UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Quyết định số 09/2018/QĐ-UBND ngày 20/3/2018 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy định công nhận bếp ăn tập thể bảo đảm ATTP trên địa bàn tỉnh; báo cáo UBND tỉnh trong quý I/2022.

b) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan triển khai hiệu quả chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2022 - 2025 sau khi được phê duyệt.

c) Các sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương rà soát các sản phẩm thực phẩm chủ lực thuộc lĩnh vực quản lý, xem xét các yếu tố đặc thù của địa phương về điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và căn cứ quy định của pháp luật đối với sản phẩm, nhóm sản phẩm, đề nghị xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật địa phương kèm theo dự án xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật địa phương, báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Khoa học và Công nghệ) trong quý II/2022. Giao Sở Khoa học và Công nghệ tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật địa phương cho các sản phẩm thực phẩm đặc thù của tỉnh; báo cáo UBND tỉnh trong quý III/2022.

d) Văn phòng điều phối về vệ sinh ATTP tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành Quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục công nhận, công khai xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí ATTP nâng cao; hằng năm tham mưu cho UBND tỉnh giao chỉ tiêu thực hiện công tác bảo đảm ATTP cho các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh.

e) UBND các huyện, thị xã, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn chủ động nghiên cứu, ban hành cơ chế chính sách hoặc bố trí ngân sách địa phương để khuyến khích xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất thực phẩm an toàn quy mô lớn, chất lượng cao, thực phẩm hữu cơ, các chuỗi liên kết, cung ứng thực phẩm an toàn có xác nhận; hỗ trợ thực hiện các chỉ tiêu về ATTP được giao trên địa bàn quản lý; đưa các mục tiêu, chỉ tiêu bảo đảm ATTP vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

3. Đẩy mạnh xây dựng mô hình và mở rộng sản xuất, kinh doanh sản phẩm thực phẩm an toàn

a) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, có xác nhận, giai đoạn 2022 - 2025, trong đó giao chỉ tiêu, khối lượng thực hiện cụ thể từng năm cho các sở, ngành, địa phương; đảm bảo đến năm 2025, 70% trở lên thực phẩm tiêu dùng trên địa bàn tỉnh được cung cấp thông qua chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng thực phẩm an toàn, có xác nhận; báo cáo chủ tịch UBND tỉnh trong quý I/2022. Tiếp tục tham mưu thực hiện có hiệu quả chính sách khuyến khích thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp; chính sách khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai để phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025; đề án phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

b) Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND các huyện, thị xã, thành phố tham mưu UBND tỉnh ban hành, tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch xây dựng chợ kinh doanh thực phẩm đáp ứng các quy định về ATTP, giai đoạn 2022-2025, trong đó giao chỉ tiêu thực hiện cụ thể từng năm cho các sở, ngành, địa phương; đảm bảo đến năm 2025, 100% chợ kinh doanh thực phẩm, chợ đầu mối nông sản thực phẩm đáp ứng các quy định về điều kiện ATTP; báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh trong quý I/2022.

[...]
5
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ