Hướng dẫn 5907/HD-UBND năm 2018 thực hiện quy định về quản lý nhà nước đối với ngành nghề nuôi chim yến, khai thác, sơ chế, chế biến tổ yến trên địa bàn tỉnh Đồng Nai

Số hiệu 5907/HD-UBND
Ngày ban hành 08/06/2018
Ngày có hiệu lực 08/06/2018
Loại văn bản Hướng dẫn
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Nai
Người ký Võ Văn Chánh
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5907/HD-UBND

Đồng Nai, ngày 08 tháng 6 năm 2018

 

HƯỚNG DẪN

THỰC HIỆN CÁC QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI NGÀNH NGHỀ NUÔI CHIM YẾN, KHAI THÁC, SƠ CHẾ, CHẾ BIẾN TỔ YẾN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI

CƠ SỞ PHÁP LÝ

Căn cứ Luật An toàn thực phẩm số 55/2010/QH12 ngày 17/6/2010;

Căn cứ Luật Thú y số 79/2015/QH13 ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25/4/2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm;

Căn cứ Nghị định số 119/2013/NĐ-CP ngày 09/10/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi;

Căn cứ Nghị định số 178/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm;

Căn cứ Nghị định số 66/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ về việc quy định điều kiện đầu tư kinh doanh về bảo vệ và kiểm dịch thực vật; giống cây trồng; nuôi động vật rừng thông thường; chăn nuôi; thủy sản; thực phẩm;

Căn cứ Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường;

Căn cứ Nghị định số 41/2017/NĐ-CP ngày 05/4/2017 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản; lĩnh vực thú y, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi; quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản;

Căn cứ Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y;

Căn cứ Thông tư số 35/2013/TT-BNNPTNT ngày 22/7/2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành về việc quy định tạm thời về quản lý nuôi chim yến;

Căn cứ Thông tư số 45/2014/TT-BNNPTNT ngày 03/12/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định việc kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và kiểm tra, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm;

Căn cứ Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về phòng chống dịch bệnh động vật trên cạn;

Căn cứ Thông tư số 09/2016/TT-BNNPTNT ngày 01/6/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y;

Căn cứ Thông tư số 25/2016/TT-BNNPTNT ngày 30/6/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn;

Căn cứ Thông tư số 285/2016/TT-BTC ngày 14/11/2016 của Bộ Tài chính về việc quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý phí, lệ phí trong công tác thú y;

Căn cứ Thông tư số 286/2016/TT-BTC ngày 14/11/2016 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp;

Căn cứ Quyết định số 1206/QĐ-BNN-TY ngày 07/4/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành Chương trình Quốc gia giám sát bệnh cúm gia cầm;

UBND tỉnh Đồng Nai hướng dẫn thực hiện các quy định về quản lý nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh như sau:

I. NUÔI, KHAI THÁC VÀ SƠ CHẾ, CHẾ BIẾN

1. Nuôi chim yến

a) Đối với dẫn dụ, gây nuôi chim yến: Thiết bị phát âm thanh dẫn dụ không vượt quá 70 đề xi ben A được quy định tại Khoản 2, Điều 11, Mục 2 Nghị định số 66/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ.

b) Cơ sở nuôi chim yến phải có trang phục bảo hộ như quần áo, giày, ủng, khẩu trang. Người làm việc và khách tham quan phải mặc trang phục bảo hộ của cơ sở và rửa tay bằng xà phòng trước khi vào và sau khi ra khỏi cơ sở nuôi chim yến.

c) Nhà nuôi chim yến phải làm vệ sinh thường xuyên và thực hiện các biện pháp tiêu độc, khử trùng định kỳ ít nhất 01 lần/tuần. Không sử dụng chất khử trùng ảnh hưởng đến chất lượng tổ yến. Trong trường hợp chống dịch, thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng theo hướng dẫn của cơ quan thú y.

d) Dụng cụ phục vụ việc khai thác tổ yến phải được làm vệ sinh, khử trùng tiêu độc trước và sau khi sử dụng.

đ) Chất thải từ việc nuôi chim yến phải được thu gom, tiêu độc, khử trùng và xử lý bằng một trong các biện pháp ủ, đốt, chôn lấp hoặc phương pháp khác nhằm đảm bảo an toàn trước khi đưa ra môi trường.

[...]