ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1402/QĐ-UBND
|
Bình Thuận, ngày
04 tháng 6 năm 2018
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH TẠM THỜI VỀ QUẢN LÝ DẪN DỤ VÀ GÂY NUÔI CHIM
YẾN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN
Căn cứ Luật Tổ chức chính
quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Thú y ngày 19
tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật An toàn thực phẩm
ngày 17 tháng 6 năm 2010;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường
ngày 23 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Nghị định
66/2016NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định về điều kiện đầu
tư kinh doanh về bảo vệ và kiểm dịch thực vật; giống cây trồng, vật nuôi
Căn cứ Nghị định số
18/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định về quy hoạch bảo
vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và
kế hoạch bảo vệ môi trường;
Căn cứ Thông tư số
27/2015/TT-BTNMT ngày 29 tháng 5 năm 2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về đánh
giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi
trường;
Căn cứ Thông tư số
26/2015/TT-BTNMT ngày 28 tháng 5 năm 2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định
đề án bảo vệ môi trường chi tiết, đề án bảo vệ môi trường đơn giản;
Căn cứ Thông tư số
35/2013/TT-BNNPTNT ngày 22 tháng 7 năm 2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn quy định tạm thời về quản lý nuôi chim yến;
Căn cứ Thông tư số
51/2014/TT-BNNPTNT ngày 27 tháng 12 năm 2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn quy định điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm và phương thức quản lý đối
với cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ;
Căn cứ Thông tư số
07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31 tháng 5 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn;
Căn cứ Quyết định số
2655/QĐ-BNN-PC ngày 29 tháng 6 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn về việc bãi bỏ quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh tại văn
bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban
hành;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 37/TTr-SNN ngày 15 tháng 3
năm 2018, Công văn số 1047/SNN- VP ngày 12 tháng 4 năm 2018 và Công văn số
1148/SNN-VP ngày 20 tháng 4 năm 2018,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định tạm thời về
quản lý dẫn dụ và gây nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.
Điều 2.
Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì,
phối hợp với các sở, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã,
thành phố tổ chức triển khai, hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện Quyết định
này.
Điều 3.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.
Điều 4.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở
Tài nguyên và Môi trường, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Giám đốc Sở Xây dựng,
Giám đốc Sở Y tế; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Thủ
trưởng các đơn vị có liên quan căn cứ Quyết định thi hành kể từ ngày ký./.
Nơi nhận:
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCTUBND tỉnh;
- Như Điều 4;
- Các cơ quan chuyên môn thuộc tỉnh;
- Trung tâm Thông tin;
- Lưu: VT, KT. Vân
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
CHỦ TỊCH
Nguyễn Ngọc Hai
|
QUY ĐỊNH TẠM THỜI
VỀ QUẢN LÝ DẪN DỤ VÀ GÂY NUÔI CHIM YẾN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
BÌNH THUẬN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1402 /QĐ-UBND ngày 04 tháng 6 năm 2018 của Ủy
ban nhân dân tỉnh Bình Thuận)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1.
Phạm vi, đối tượng áp dụng
1. Phạm vi áp dụng
Quy định này quy định về điều
kiện cơ sở dẫn dụ và gây nuôi chim yến; trách nhiệm của chủ cơ sở dẫn dụ và gây
nuôi chim yến và trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong quản lý nhà nước đối
với hoạt động dẫn dụ, gây nuôi và thu hoạch, sơ chế, chế biến tổ chim yến trên
địa bàn tỉnh Bình Thuận.
2. Đối tượng áp dụng
Các cơ quan nhà nước có thẩm
quyền, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động dẫn dụ, gây nuôi và thu hoạch,
sơ chế, chế biến tổ chim yến trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.
Điều 2.
Giải thích từ ngữ
Trong Quy định này, các từ ngữ
dưới đây được hiểu như sau:
1. Cơ sở dẫn dụ và gây nuôi
chim yến (gọi tắt là cơ sở nuôi chim yến - bao gồm nhà yến, nhà kho và cơ sở chế
biến) là nơi diễn ra hoạt động dẫn dụ, gây nuôi chim yến, thu hoạch và chế
biến tổ yến mang tính chất thương mại do tổ chức, cá nhân làm chủ.”
2. Nhà yến là một phần
công trình xây dựng, nằm trong cơ sở nuôi chim yến được cải tạo hoặc xây mới,
nhằm mục đích để chim yến vào làm tổ.
3. Dẫn dụ chim yến: là
việc sử dụng thiết bị âm thanh để hấp dẫn chim yến trú ngụ và làm tổ.
4. Đánh giá tác động môi trường:
là việc phân tích, dự báo các tác động đến môi trường của dự án đầu tư cụ thể để
đề xuất các biện pháp bảo vệ môi trường khi triển khai dự án đó.
5. Kế hoạch bảo vệ môi trường:
Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 của Bộ Tài Nguyên và Môi Trường thì kế
hoạch bảo vệ môi trường là tên gọi mới nhằm thay thế cho cam kết bảo vệ môi trường
(theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2005), được áp dụng kể từ ngày 01 tháng 01 năm
2015.
6. Vệ sinh thú y là việc
đáp ứng các yêu cầu nhằm bảo vệ sức khỏe động vật, sức khỏe con người, môi trường
và hệ sinh thái.
7. Kiểm tra vệ sinh thú y là
việc kiểm tra, áp dụng các biện pháp kỹ thuật để phát hiện, kiểm soát, ngăn chặn
đối tượng kiểm tra vệ sinh thú y.
8. Đề xi ben A là đơn vị
đo cường độ âm thanh.
9. Ngoại thành thành phố
Phan Thiết là các xã thuộc thành phố Phan Thiết.
10. Ngoại thị thị xã La Gi là
các xã thuộc thị xã La Gi.
Chương II
ĐIỀU KIỆN VÀ TRÁCH NHIỆM
CƠ SỞ DẪN DỤ VÀ GÂY NUÔI CHIM YẾN
Điều 3.
Điều kiện về địa điểm xây dựng cơ sở dẫn dụ và gây nuôi chim yến
Các tổ chức, cá nhân chỉ được
phép xây dựng, phát triển cơ sở dẫn dụ và gây nuôi chim yến khi đảm bảo các điều
kiện như sau:
1. Ở các xã ngoại thành thành
phố Phan Thiết, các xã ngoại thị thị xã La Gi và các xã thuộc các huyện trên địa
bàn tỉnh.
2. Không nằm trong quy hoạch
khu dân cư, đất lúa, thủy lợi, du lịch và không được chồng lấn với các dự án đã
được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
3. Cách xa khu dân cư tập
trung, bệnh viện, trường học, chợ tại thời điểm đầu tư xây dựng ít nhất 500 m.
4. Phải được cơ quan có thẩm
quyền thẩm định, phê duyệt đầu tư.
Điều 4. Điều
kiện về môi trường
1. Tổ chức, cá nhân dẫn dụ và
gây nuôi chim yến phải lập hồ sơ bảo vệ môi trường trình cơ quan có thẩm quyền
xác nhận, phê duyệt theo quy định cụ thể như sau:
a) Đối với cơ sở dẫn dụ và gây
nuôi chim yến tập trung có quy mô chuồng trại từ 500 m2 trở lên phải
thực hiện đánh giá tác động môi trường trình Ủy ban nhân dân tỉnh thẩm định,
phê duyệt (theo Phụ lục II Nghị định số 18/2015/NĐ- CP ngày 14 tháng 02 năm
2015 của Chính phủ); thời điểm thẩm định, phê duyệt thực hiện theo Điều 19, 25
Luật Bảo vệ môi trường năm 2014.
b) Đối với cơ sở dẫn dụ và gây
nuôi chim yến tập trung có quy mô chuồng trại từ 50 m2 đến dưới 500
m2 phải lập, đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường trình Ủy ban nhân
dân cấp huyện xác nhận trước khi triển khai.
c) Đối với cơ sở dẫn dụ và gây
nuôi chim yến với quy mô chuồng trại nhỏ hơn 50 m2 không phải đăng
ký kế hoạch bảo vệ môi trường.
2. Đối với các cơ sở dẫn dụ và
gây nuôi chim yến hoạt động trước ngày 01 tháng 4 năm 2015 nhưng không có hồ sơ
môi trường được xác nhận, phê duyệt thì phải lập đề án bảo vệ môi trường đơn giản,
đề án bảo vệ môi trường chi tiết trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, xác nhận
theo quy định tại Thông tư số 26/2015/TT-BTNMT ngày 28 tháng 5 năm 2015 của Bộ
Tài nguyên và Môi trường quy định về đề án bảo vệ môi trường chi tiết, đề án bảo
vệ môi trường đơn giản, thời gian thực hiện trong vòng 06 tháng kể từ ngày ban
hành quy định này. Trong trường hợp không bổ sung hồ sơ môi trường thì phải bị
xử lý theo quy định của pháp luật.
3. Đối với các cơ sở dẫn dụ và
gây nuôi chim yến hoạt động trước ngày Quy định này có hiệu lực, gây ảnh hưởng
môi trường và người dân sinh sống xung quanh thì chủ cơ sở dẫn dụ và gây nuôi
chim yến phải có biện pháp khắc phục theo quy định, nếu không khắc phục được thì
cơ sở dẫn dụ và gây nuôi chim yến phải bị xử lý theo quy định của pháp luật.
4. Cơ sở dẫn
dụ và gây nuôi chim yến có sử dụng âm thanh để dẫn dụ, thì thiết bị phát âm
thanh dẫn dụ phải đảm bảo không vượt quá 70 đề xi ben A.
Điều 5. Điều
kiện về vệ sinh thú y và phòng chống dịch bệnh
1. Nhà nuôi chim yến phải làm vệ
sinh thường xuyên và thực hiện các biện pháp tiêu độc, khử trùng ít nhất một lần/tuần.
Không sử dụng chất khử trùng ảnh hưởng đến chất lượng tổ yến. Trong trường hợp
chống dịch, thực hiện vệ sinh tiêu độc, khử trùng theo hướng dẫn của cơ quan
thú y.
2. Cơ sở nuôi chim yến phải có
trang phục bảo hộ cá nhân (quần áo, ủng, khẩu trang…). Người làm việc và khách
tham quan phải mặc bảo hộ cá nhân của cơ sở, rửa tay bằng xà phòng trước khi
vào và sau khi ra khỏi cơ sở.
3. Dụng cụ phục vụ việc khai
thác tổ yến phải được làm vệ sinh, tiêu độc khử trùng trước và sau khi sử dụng.
4. Chất thải từ việc nuôi chim
yến phải được thu gom, tiêu độc, khử trùng và xử lý bằng một trong các biện
pháp ủ, đốt, chôn lấp hoặc phương pháp khác nhằm đảm bảo an toàn trước khi đưa
ra môi trường.
5. Tổ chức lấy mẫu để kiểm soát
sự lưu hành của mầm bệnh theo định kỳ 06 tháng/lần và đột xuất khi có hiện tượng
chim yến chết bất thường hoặc khi có dịch bệnh xảy ra.
Điều 6. Điều
kiện về khai thác và sơ chế tổ yến
Việc khai thác và sơ chế tổ yến
thực hiện theo quy định tại Điều 6 Thông tư số 35/2013/TT-BNNPTNT ngày 22 tháng
7 năm 2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quy định tạm thời về quản
lý nuôi chim yến.”; cụ thể như sau:
1. Người lao động khi thu hoạch,
chế biến và bảo quản tổ yến phải có dụng cụ và thiết bị bảo hộ đảm bảo an toàn
lao động và an toàn dịch bệnh.
2. Vị trí khu vực sơ chế, bảo
quản tổ yến phải cao ráo, sạch sẽ, cách biệt nhà nuôi yến, cách xa những nơi có
nguy cơ ô nhiễm môi trường và dịch bệnh.
3. Nước dùng trong các công đoạn
sơ chế tổ yến phải đảm bảo không làm ảnh hưởng đến chất lượng tổ yến, sức khỏe
người tiêu dùng.
4. Phải có trang thiết bị sử dụng
trong quá trình sơ chế và bảo quản tổ yến bảo đảm vệ sinh an toàn sản phẩm.
5. Có biện pháp ngăn ngừa hiệu
quả động vật khác xâm nhập vào khu vực sơ chế và bảo quản tổ yến.
6. Quy trình sơ chế, bảo quản tổ
yến phải đảm bảo chất lượng sản phẩm theo quy định pháp luật hiện hành.
Điều 7.
Trách nhiệm của chủ cơ sở dẫn dụ và gây nuôi chim yến
1. Thực hiện các biện pháp
phòng chống dịch bệnh theo hướng dẫn của cơ quan thú y; theo dõi, ghi chép
thông tin về sử dụng hóa chất khử trùng, biện pháp vệ sinh thú y và xử lý dịch
bệnh.
2. Thực hiện các biện pháp bảo
vệ môi trường nêu trong báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi
trường đã được phê duyệt, bản kế hoạch bảo vệ môi trường đã được xác nhận. Xây
dựng chương trình quản lý môi trường và hệ thống quản lý môi trường.
3. Chấp hành các quy định về điều
kiện vệ sinh thú y và môi trường theo quy định tại Điều 4 và Điều 5 của Quyết định
này.
4. Phối hợp, chấp hành sự kiểm
tra, thanh tra điều kiện vệ sinh thú y và bảo vệ môi trường trong chăn nuôi.
5. Khi phát hiện chim yến chết
hoặc có dấu hiệu bất thường, chủ cơ sở phải kịp thời báo cáo cho nhân viên thú
y xã, Ủy ban nhân dân xã hoặc cơ quan quản lý chuyên ngành thú y để thực hiện
các biện pháp phòng chống theo quy định tại Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày
31 tháng 5 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định
về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn.
6. Khi thu hoạch, vận chuyển sản
phẩm yến ra khỏi vùng nuôi phải tuân thủ các quy định về điều kiện vệ sinh thú
y.
7. Phải trang bị máy đo cường độ
âm thanh tại cơ sở nuôi chim yến.
8. Chịu toàn bộ kinh phí lấy mẫu
và xét nghiệm để kiểm soát sự lưu hành của mầm bệnh theo định kỳ 06 tháng/lần
và đột xuất khi có hiện tượng chim yến chết bất thường hoặc khi có dịch bệnh xảy
ra.
Chương
III
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC SỞ, NGÀNH
TỈNH, ỦY BAN NHÂN DÂN CẤP HUYỆN, XÃ
Điều 8.
Trách nhiệm của các sở, ngành tỉnh
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn
a) Phối hợp với Sở Thông tin và
Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình, Báo Bình Thuận tổ chức tuyên truyền,
hướng dẫn thực hiện Quy định này.
b) Chủ trì, phối hợp với các Sở,
ngành, địa phương tổ chức xác định vùng cấm dẫn dụ và gây nuôi chim yến tập
trung trên địa bàn toàn tỉnh và trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
c) Chỉ đạo và tổ chức lấy mẫu
kiểm tra mầm bệnh, xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh đối với chim yến
theo hướng dẫn Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31 tháng 5 năm 2016 của Bộ
trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về phòng, chống dịch bệnh
động vật trên cạn.
d) Chủ trì và phối hợp với các
sở, ngành, địa phương để quản lý, kiểm tra và tập huấn về an toàn vệ sinh thực
phẩm đối với các cơ sở dẫn dụ và gây nuôi chim yến theo Quyết định số
28/2017/QĐ-UBND ngày 29 tháng 9 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận
ban hành quy định phân công, phân cấp quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm
trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.
đ) Chỉ đạo và tổ chức kiểm tra,
xử lý vi phạm thuộc phạm vi quản lý của ngành.
e) Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và
Thú y phối hợp với chính quyền địa phương và chủ cơ sở nuôi chim yến thực hiện
nghiêm túc Hướng dẫn phòng, chống bệnh cúm gia cầm (Ban hành kèm theo Thông tư
số 07/2016/TT- BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT) và
Chương trình Quốc gia giám sát bệnh cúm gia cầm (Ban hành kèm theo Quyết định số
1206/QĐ-BNN-TY ngày 07/4/2017 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn).
g) Tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân
dân tỉnh về tình hình thực hiện Quy định này.
2. Sở Tài nguyên và Môi trường
a) Hướng dẫn việc thực hiện các
quy định về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở dẫn dụ và gây nuôi chim yến.
b) Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh
tổ chức thẩm định và phê duyệt các báo cáo Báo cáo đánh giá tác động môi trường
hoặc các đề án bảo vệ môi trường chi tiết.
c) Phối hợp với các sở, ngành
và địa phương tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về bảo vệ môi trường.
3. Sở Xây dựng
a) Hướng dẫn các quy định trình
tự, thủ tục cấp Giấy phép xây dựng nhà yến đối với các cơ sở dẫn dụ và gây nuôi
chim yến.
b) Phối hợp với các sở, ngành
và địa phương tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm về xây dựng cơ sở
dẫn dụ và gây nuôi chim yến.
4. Sở Y tế
Phối hợp với Sở Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn tổ chức tuyên truyền và hướng dẫn các biện pháp phòng, chống
các bệnh lây nhiễm từ chim yến sang người, đặc biệt là bệnh cúm gia cầm.
5. Sở Khoa học và Công nghệ
a) Phối hợp với các sở, ngành
và địa phương tổ chức đánh giá, thẩm định công nghệ, thiết bị đối với các dự án
đầu tư dẫn dụ và gây nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh khi có đề nghị của cơ quan
chủ trì thẩm định dự án đầu tư.
b) Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh
triển khai các chương trình, đề tài, dự án khoa học, công nghệ và xây dựng chỉ
dẫn địa lý có liên quan đến nghề dẫn dụ và gây nuôi chim yến, thu hoạch và chế
biến tổ yến.
6. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Chủ trì, phối hợp với các Sở,
ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tham mưu, giải
quyết thủ tục đầu tư đối với các dự án đầu tư bằng nguồn vốn không thuộc ngân
sách nhà nước trên địa bàn tỉnh (trong đó có các dự án đầu tư dẫn dụ và gây
nuôi chim yến) theo Quyết định số 07/2017/QĐ-UBND ngày 22 tháng 02 năm 2017 của
Ủy ban nhân dân tỉnh.
Điều 9.
Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện
1. Chỉ đạo, tổ chức triển khai
thực hiện và kiểm tra, đôn đốc, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm Quy định
này trên địa bàn quản lý.
2. Tham gia phối hợp với các sở,
ngành chức năng của tỉnh để xác định vùng cấm dẫn dụ và gây nuôi chim yến tập
trung trên địa bàn huyện.
3. Chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi
trường hướng dẫn các tổ chức, cá nhân lập Kế hoạch bảo vệ môi trường hoặc Đề án
bảo vệ môi trường đơn giản, tham mưu Ủy ban nhân dân cấp huyện thẩm định và
trình phê duyệt theo quy định.
4. Chủ trì, tổ chức thẩm định
và phê duyệt đối với các hộ kinh doanh cá thể đầu tư xây dựng cơ sở dẫn dụ và
gây nuôi chim yến trên địa bàn cấp huyện.
5. Chỉ đạo phòng Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn/phòng Kinh tế quản lý, kiểm tra và tập huấn về an toàn vệ
sinh thực phẩm đối với các cơ sở dẫn dụ và gây nuôi chim yến theo phân cấp được
quy định tại Quyết định số 28/2017/QĐ-UBND ngày 29 tháng 9 năm 2017 của Ủy ban
nhân dân tỉnh Bình Thuận ban hành quy định phân công, phân cấp quản lý nhà nước
về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Bình Thuận và Công văn số 3991/SNN-VP ngày
25 tháng 12 năm 2017 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc hướng dẫn
triển khai Quyết định số 28/2017/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh.
6. Định kỳ hàng quý hoặc đột xuất
báo cáo kết quả thực hiện Quy định này về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
Điều 10.
Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã
1. Kiểm tra, quản lý theo dõi
việc cam kết an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các cơ sở dẫn dụ và gây nuôi
chim yến sản xuất ban đầu nhỏ lẻ theo quy định tại Thông tư số
51/2014/TT-BNNPTNT ngày 27 tháng 12 năm 2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn quy định điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm và phương thức quản lý đối
với cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ.
2. Theo dõi, tổng hợp, báo cáo
về Ủy ban nhân dân cấp huyện về tình hình hoạt động dẫn dụ và gây nuôi chim yến
theo định kỳ hàng tháng và đột xuất theo yêu cầu.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 11. Xử
lý vi phạm
Tổ chức, cá nhân vi phạm các
quy định về việc dẫn dụ và gây nuôi chim yến tại Quy định này sẽ bị xử lý theo
quy định của pháp luật.
Điều 12.
Các cơ quan, đơn vị căn cứ nhiệm vụ được giao nghiêm
túc triển khai thực hiện quy định này. Trong quá trình thực hiện, nếu có những
vấn đề phát sinh cần phải sửa đổi bổ sung, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn có trách nhiệm trao đổi với các sở, ngành và các địa phương liên quan để
thống nhất tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.