Hướng dẫn 52/CĐS-PCVT năm 2006 về thực hiện quy chế quản lý cảng, bến thuỷ nội địa do Cục Đường sông Việt Nam ban hành

Số hiệu 52/CĐS-PCVT
Ngày ban hành 26/01/2006
Ngày có hiệu lực 26/01/2006
Loại văn bản Hướng dẫn
Cơ quan ban hành Cục Đường sông Việt Nam
Người ký ***
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
CỤC ĐƯỜNG SÔNG VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
----------

Số: 52/CĐS-PCVT

Hà Nội, ngày 26 tháng 01 năm 2006

 

HƯỚNG DẪN

THỰC HIỆN QUY CHẾ QUẢN LÝ CẢNG, BẾN THUỶ NỘI ĐỊA

(ban hành theo Quyết định số 07/2005/QĐ-BGTVT ngày 07/01/2005 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)

Căn cứ Quyết định số 07/2005/QĐ-BGTVT ngày 7 tháng 1 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành quy chế quản lý cảng, bến thuỷ nội địa, ngày 21 tháng 2 năm 2005 Cục Đường sông Việt Nam có văn bản hướng dẫn số 95/CĐS-PCVT. Sau một thời gian thực hiện một số văn bản pháp luật có liên quan như Luật Đất đai, Luật Đê điều... được bổ sung, sửa đổi. Ngoài ra do công tác tổ chức quản lý của ngành đang có sự thay đổi các Đoạn Quản lý đường sông chuyển sang công ty cổ phần, công tác quản lý cảng, bến thuỷ sẽ giao toàn bộ cho Cảng vụ Đường thuỷ nội địa. Để tạo điều kiện thuận lợi trong công tác quản lý cảng, bến đồng thời phù hợp với các văn bản pháp luật có liên quan và sự phân công mới trong quản lý, Cục Đường sông Việt Nam sửa đổi bổ sung hướng dẫn thực hiện Quyết định số 07/2005/QĐ-BGTVT như sau:

1. Vùng nước của cảng, bến thủy nội địa.

1.1. Bình đồ vùng nước cảng thuỷ nội địa phải thoả mãn các yêu cầu sau:

1.1.1. Bình đồ được lập phải theo đúng quy phạm về khảo sát lập bình đồ địa hình, ngoài ra còn phải thể hiện đủ các nội dung:

a) Vị trí vùng nước xác định theo lý trình: từ km... đến km thứ ... , phía bờ .... (phải, trái), của sông kênh .... thuộc xã ..., huyện ... , tỉnh ... (nếu nằm trên sông, kênh) hoặc xác định theo hệ tọa độ (nếu nằm trên hồ, vịnh); trường hợp không xác định được theo hai phương pháp trên, cho phép xác định vị trí bằng phương pháp so sánh với một vật cố định đã được xác định vị trí (vật chuẩn), thí dụ: cách cầu A 150 mét về phía thượng lưu;

b) Đường ranh giới của vùng nước được phép sử dụng ghi rõ kích thước, khoảng cách tới vật chuẩn (nếu có sử dụng vật chuẩn để xác định vị trí);

c) Cao độ đáy vùng nước trước cảng;

d) Cao độ mực nước thấp nhất, cao nhất;

đ) Công trình cầu tàu xếp dỡ hàng hoá hoặc đón trả hành khách;

e) Cấp kỹ thuật và chiều dài của luồng vào cảng (nếu có);

g) Các mốc đo đạc định vị ;

h) Tỷ lệ bình đồ theo biểu phụ lục 4;

i) Thời điểm khảo sát lập bình đồ.

1.1.2. Bình đồ do đơn vị có đủ tư cách pháp nhân về khảo sát thiết kế công trình thuỷ thực hiện;

1.2. Sơ đồ vùng nước bến thuỷ nội địa phải thoả mãn các yêu cầu sau:

1.2.1. Sơ đồ bến phải thể hiện đủ các nội dung:

a) Vị trí vùng nước: xác định như khi lập bình đồ vùng nước cảng thuỷ nội địa ( tiết a và b điểm 1.1.1);

b) Đường ranh giới của vùng nước được phép sử dụng ghi rõ kích thước; khoảng cách tới vật chuẩn (nếu có sử dụng vật chuẩn để xác định vị trí);

c) Độ sâu nhỏ nhất của vùng nước trước bến ứng với mực nước khi đo đạc;

d) Cấp kỹ thuật và chiều dài của luồng vào bến (nếu có);

đ) Cầu bến xếp dỡ hàng hoá hoặc đón trả hành khách và các thiết bị phụ trợ;

e) Thời điểm khảo sát lập sơ đồ.

1.2.2. Sơ đồ vùng nước do đơn vị khảo sát thiết kế công trình thuỷ thực hiện hoặc do chủ bến tự lập nhưng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về sơ đồ được lập.

1.3. Vùng nước của cảng, bến thuỷ nội địa được phép sử dụng về nguyên tắc không được vi phạm hành lang bảo vệ luồng chạy tàu hoặc hành lang bảo vệ các công trình khác liên quan (nếu có).

Đối với các bến thuỷ nội địa trên các sông kênh có chiều rộng hạn chế có vùng nước trùng với một phần hành lang bảo vệ luồng chạy tàu hoặc hành lang bảo vệ các công trình khác thì phải được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thuộc lĩnh vực đó cho phép sử dụng nhưng phải có biện pháp đảm bảo an toàn trong khi hoạt động.

[...]