Kính
gửi: Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ
quan ngang bộ.
Trên cơ sở kết luận của Ủy ban Thường
vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 26 (văn bản số 2165/TB-TTKQH ngày 16 tháng 8 năm
2018), Thủ tướng Chính phủ phân công các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ
nghiên cứu, tiếp thu kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội như sau:
1. Dự án Luật Đặc xá
(sửa đổi):
Giao Bộ Công an phối hợp với Thường
trực Ủy ban Tư pháp, các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc
hội, tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Luật, xin ý kiến các Đoàn
đại biểu Quốc hội, Hội đồng Dân tộc,
các Ủy ban của Quốc hội trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6, theo hướng
quy định như sau:
- Về thời điểm đặc
xá, giữ như quy định của Luật Đặc xá hiện hành. Việc quyết
định thời gian đặc xá đối với từng trường hợp cụ thể sẽ do
Chủ tịch nước quyết định.
- Về đối tượng
được đề nghị đặc xá nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước, bổ sung
thêm đối tượng là người đang được tạm đình chỉ chấp hành
hình phạt tù.
- Đối với những người phạm tội mà Bộ
luật Hình sự quy định không tha tù trước thời hạn có điều kiện, Chủ tịch nước đặc
xá cho những đối tượng này nếu có đủ điều kiện đặc xá. Đối
với những người đang được hoãn chấp hành hình phạt tù, những
người đang được hưởng án treo thì không đặc xá nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ
lớn của đất nước.
- Về thời gian
phải chấp hành hình phạt tù để được đề nghị đặc xá nhân sự kiện trọng đại, ngày
lễ lớn của đất nước, cơ bản giữ như quy định của Luật Đặc xá hiện hành.
- Về điều kiện
chấp hành án phí, các khoản tiền phạt, người được đề nghị đặc xá phải chấp hành
xong các khoản này, trừ trường hợp có quyết định của Tòa án có thẩm quyền về việc
miễn, giảm.
- Về điều kiện
thực hiện nghĩa vụ bồi thường dân sự và các nghĩa vụ dân sự khác, đối với người
bị kết án phạt tù về tội tham nhũng hoặc một số tội khác được Chủ tịch nước quyết
định trong mỗi lần đặc xá thì phải thực hiện xong nghĩa vụ trả lại tài sản, bồi
thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác, trừ trường hợp có quyết định của thủ
trưởng cơ quan thi hành án dân sự về việc chưa có điều kiện thi hành án hoặc có
văn bản của người được thi hành án đồng ý hoãn thi hành án, không yêu cầu thi
hành án đối với tài sản không thuộc sở hữu của Nhà nước.
- Các trường hợp không được đề nghị đặc
xá: một số trường hợp có từ 02 tiền án trở lên, phạm tội về an ninh quốc gia, tội
phá hoại hòa bình, chống lại loài người, tội phạm chiến
tranh và tội khủng bố.
- Về thực hiện
quyết định đặc xá đối với người nước ngoài, cơ bản giữ như quy định của Luật Đặc
xá hiện hành, giao Chính phủ quy định chi tiết.
- Về đặc xá
trong trường hợp đặc biệt, giữ như dự thảo hiện nay.
2. Dự án Luật Giáo dục
(sửa đổi):
a) Giao Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp
với Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng,
các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý,giải trình đầy đủ ý kiến các
vị đại biểu Quốc hội và Ủy ban Thưởng vụ Quốc hội; hoàn chỉnh
dự thảo Luật và dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật
trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 9 năm 2018 trước khi trình
Quốc hội.
b) Ủy ban Thường
vụ Quốc hội đã thống nhất:
- Điều chỉnh thời hạn thông qua dự án
Luật Giáo dục (sửa đổi), theo đó, trình Quốc hội tiếp tục cho ý kiến về dự án
Luật này tại kỳ họp thứ 6 và thông qua tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV.
- Đề nghị Chính phủ phối hợp với cơ
quan thẩm tra tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoàn chỉnh dự thảo
Luật; chủ động tổ chức lấy ý kiến Nhân dân bảo đảm thiết
thực, hiệu quả; tổng hợp ý kiến Nhân dân trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại
phiên họp tháng 1 năm 2019.
3. Dự án Luật sửa đổi,
bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học:
Giao Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp
với Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu
niên và Nhi đồng của Quốc hội, các bộ,
cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội về dự án Luật sửa
đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, trình Ủy ban Thường vụ Quốc
hội tại phiên họp tháng 9 năm 2018, gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội trước khi trình
Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV. Đồng thời, lưu ý các vấn đề sau:
- Về trách nhiệm
của Nhà nước, cần làm rõ yêu cầu phải tăng cường trách nhiệm của Nhà nước đối với
các loại hình cơ sở giáo dục đại học, bao gồm cả trách nhiệm đầu tư và quản lý.
- Về tự chủ đại
học, cần chú ý phát huy vai trò, vị thế, quyền quyết định và giám sát của Hội đồng
trường. Chủ tịch Hội đồng trường và thành viên Hội đồng trường phải thực sự là
những người có uy tín, trình độ, có khả năng lan tỏa để bảo
đảm đoàn kết nội bộ, đúng định hướng chính trị và kiểm soát quyền lực trong nhà trường. Cơ cấu của Hội đồng trường, thành viên Hội đồng
trường sẽ có hướng dẫn phù hợp với từng loại hình nhà trường.
- Về học phí, đề
nghị dựa trên nguyên tắc coi trọng chất lượng, đề cao trách nhiệm của từng nhà
trường; đẩy mạnh tự chủ do nhà trường tự quyết định và báo cáo cơ quan nhà nước
có thẩm quyền.
- Việc hợp tác giáo dục nước ngoài,
trong Báo cáo giải trình cần nêu rõ trách nhiệm của Nhà nước khi hợp tác giáo dục
với nước ngoài; các trường, phân hiệu có yếu tố nước ngoài phải tuân thủ pháp
luật Việt Nam; giáo viên phải đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật Việt Nam mới được cấp phép hoạt động.
- Các vấn đề về thuế, chức danh
nghiên cứu viên nên quy định trong các luật chuyên ngành; các quy định về tiêu
chuẩn của giáo viên, độ tuổi, thời gian công tác đề nghị
phải bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức.
- Báo cáo giải trình cần lưu ý thuyết
minh rõ những điều, khoản được sửa đổi, bổ sung tại Luật Giáo dục đại học không
trái so với các nguyên tắc trong dự thảo Luật Giáo dục (sửa
đổi).
4. Dự án Luật Trồng
trọt
Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn phối hợp với Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tiếp
tục hoàn chỉnh dự thảo Luật; tiếp thu, giải trình đầy đủ các ý kiến đại biểu Quốc
hội, gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của
Quốc hội trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 6, tập
trung vào các nội dung sau:
- Giải trình toàn bộ những vấn đề
liên quan đến chuỗi sản xuất trong trồng trọt, nhất là về nước, bảo vệ thực vật;
hướng tới nền nông nghiệp hữu cơ, xanh và sạch.
- Rà soát lại, làm rõ các chính sách
của Nhà nước (Điều 5 của dự thảo Luật) và tất cả những quy định liên quan đến
quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân; việc công nhận lưu
hành các giống cây trồng chính để tránh gây khó khăn cho người dân.
- Về quản lý phân
bón, quy định theo hướng chặt chẽ hơn để nâng cao chất lượng quản lý phân bón;
quy định rõ hơn đối với đăng ký tên phân bón.
- Về canh tác, cần
thận trọng quy định những nội dung mới, chưa có điều kiện kiểm nghiệm thực tế,
lưu ý để bảo đảm tính khả thi của quy định.
- Nội dung chế biến, bảo quản, thương
mại còn chưa được cân đối với các phần khác trong chuỗi sản
xuất, trồng trọt.
- Về phí đối với
cấp và duy trì quyết định công nhận cây trồng chính, cần
có đánh giá tác động để quy định cho phù hợp. Đối với loại cây trồng đã đi vào
sản xuất ổn định, nhất là cây bản địa thì đương nhiên công nhận, không nhất thiết
phải thu phí.
- Rà soát, bảo đảm tính thống nhất của
Luật này với hệ thống pháp luật và ngay trong dự thảo Luật. Đồng thời, cần cụ
thể các quy định ngay trong Luật; giải thích từ ngữ trong dự thảo Luật cần rõ
ràng và chặt chẽ hơn.
5. Dự án Luật Chăn
nuôi:
Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn phối hợp với Thường trực Ủy ban Khoa học, Công
nghệ và Môi trường tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo Luật; tiếp
thu, giải trình đầy đủ các ý kiến đại biểu Quốc hội, gửi xin ý kiến các Đoàn đại
biểu Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội trước khi trình Quốc hội
xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 6, lưu ý các vấn đề sau:
- Rà soát lại phạm vi điều chỉnh, đối
tượng áp dụng theo chuỗi sản xuất khép kín từ giống, thức ăn, điều kiện chăn
nuôi, chất thải, chế biến, kinh doanh sản phẩm chăn nuôi
phù hợp với điều kiện của nước ta, có xét tới yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, hướng tới sản xuất sạch và xanh; làm rõ phạm vi điều chỉnh đối với một
số vật nuôi đồng thời là đối tượng điều chỉnh của luật khác.
- Quy định rõ ràng, cụ thể hơn về
chính sách của Nhà nước tại các điều 4, 5 và 6 của dự thảo Luật; đồng thời có
đánh giá tác động về ngân sách, đảm bảo tính khả thi.
- Rà soát quy định về các hành vi bị
nghiêm cấm, những nội dung liên quan đến quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân
để phù hợp với tình hình thực tế, hướng tới một nền sản xuất sạch, chất lượng
cao. Đồng thời, tránh tạo ra các thủ tục hành chính rườm rà, gây cản trở sản xuất:
đăng ký, kiểm nghiệm, công bố sản phẩm.
- Thể hiện rõ và minh bạch hơn các
quy định về quản lý nhà nước; về phân cấp quản lý giữa các cấp, nhất là cấp
chính quyền địa phương trong kiểm tra, kiểm soát và tránh gây phiền hà cho người
dân và các tổ chức.
- Rà soát lại giải thích từ ngữ để thể
hiện rõ ràng các khái niệm, tính hợp lý của trật tự từ ngữ, phân biệt rõ các
loài vật nuôi trên cạn, dưới nước, các loài chim nuôi, động vật cảnh, động vật
hoang dã, các vấn đề liên quan đến dịch
bệnh, bảo đảm các quy định nhân đạo với vật nuôi, quy mô trang trại cho phù hợp
thực tế. Đồng thời, rà soát quy định về vấn đề chất thải chăn nuôi để quản lý chặt chẽ, nhằm phát triển chăn nuôi bền vững.
- Rà soát tính thống nhất của Luật
này với hệ thống pháp luật đặc biệt với dự án Luật Trồng trọt, quy định chặt chẽ,
cụ thể ngay trong Luật.
6. Dự án Luật Công
an nhân dân (sửa đổi):
Giao Bộ Công an phối hợp với Thường
trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh và các cơ quan hữu quan tiếp thu ý kiến Ủy
ban Thường vụ Quốc hội, tiếp tục rà soát, hoàn chỉnh dự thảo Luật, dự thảo Báo
cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý; gửi xin ý kiến các
Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của
Quốc hội; phối hợp với Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan hữu quan chuẩn
bị nội dung báo cáo, xin ý kiến Bộ Chính trị, tập trung
các vấn đề sau:
- Về Công an xã,
thị trấn trong hệ thống tổ chức của Công an nhân dân, nghiên cứu xác định thời
gian chuyển tiếp, lộ trình và nếu cần thiết bổ sung một số quy định cụ thể làm nguyên tắc để giao Chính phủ
xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy trong dự thảo Luật.
- Về vị trí chức
vụ có cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng, cần bám sát chỉ đạo của Bộ Chính trị;
tán thành nguyên tắc xác định vị trí, số lượng cấp tướng và quy định cụ thể
trong Luật, về cấp bậc hàm cấp tướng của Giám đốc Công an cấp tỉnh cần sớm báo
cáo Bộ Chính trị cho ý kiến.
- Tán thành việc bỏ quy định về cục đặc
biệt, theo đó, thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, giáng chức cục trưởng
là Bộ trưởng Bộ Công an.
- Về công nghiệp
an ninh, tán thành quy định như dự thảo Luật.
- Bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất
trong hệ thống pháp luật.
Bộ Công an cần
phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan đẩy mạnh tuyên truyền về những nội
dung sửa đổi trong dự thảo Luật, nhất là về cơ cấu tổ chức,
chế độ, chính sách đối với Công an nhân dân nhằm tạo sự đồng thuận trong xã hội.
7. Dự án Luật Phòng,
chống tham nhũng (sửa đổi):
Giao Thanh tra Chính phủ phối hợp với
Thường trực Ủy ban Tư pháp và các cơ quan hữu quan tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý, hoàn thiện, để xin ý kiến Bộ Chính trị về 02
phương án liên quan đến vấn đề xử lý tài sản, thu nhập
tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc
(Điều 57 của dự thảo Luật), cụ thể:
- Phương án 1: Việc xử lý tài sản,
thu nhập tăng thêm mà không giải trình được hợp lý về nguồn gốc thì phải do Tòa
án quyết định; nếu Tòa án xác định tài sản, thu nhập tăng
thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc thì
xác lập quyền sở hữu của Nhà nước; nếu Tòa án xác định tài
sản, thu nhập tăng thêm người có nghĩa vụ kê khai đã giải trình được hợp lý về
nguồn gốc thì Tòa án bác yêu cầu khởi kiện của Cơ quan kiểm soát tài sản, thu
nhập, về trình tự, thủ tục giải quyết, đề nghị các cơ quan chuyên môn cần tính toán kỹ lưỡng và xây dựng phương án cho phù hợp, bảo đảm khả
thi.
- Phương án 2: Nếu các cơ quan có thẩm
quyền không chứng minh được tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê
khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc do phạm tội, vi phạm pháp luật
mà có thì coi đây là tài sản, thu nhập chưa kê khai, chưa nộp thuế, chưa chứng
minh được tính hợp pháp, thì người có nghĩa vụ phải nộp thuế và Nhà nước tiến hành thu thuế. Trường hợp có dấu hiệu gian lận và trốn thuế thì ngoài số thuế phải nộp sẽ bị xử lý theo Luật Quản lý thuế hoặc
hình sự theo quy định của pháp luật về hành vi trốn thuế.
Sau khi đã xin ý kiến Bộ Chính trị, dự
án Luật sẽ trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và Ủy ban
Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 9 năm 2018, trước khi trình Quốc hội xem
xét, thông qua.
8. Dự án Luật Kiến
trúc:
Giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với
các cơ quan hữu quan hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội theo đúng quy định của Luật
Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, lưu ý các nội dung sau:
- Rà soát thêm về phạm vi điều chỉnh,
đối tượng áp dụng của dự án Luật; nghiên cứu mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật
cho phù hợp với thực tiễn về quản lý và phát triển kiến trúc.
- Các quy định phải đảm bảo tính khả
thi, phù hợp với điều kiện địa lý, khí hậu, thực trạng kiến
trúc của Việt Nam và hướng tới hiện đại, hội nhập quốc tế nhưng vẫn giữ được bản
sắc kiến trúc Việt Nam; việc giữ gìn, phát huy kiến trúc
các dân tộc thiểu số.
- Rà soát lại các nội dung sau: (1)
các khái niệm, đặc biệt là nội hàm chiến lược phát triển kiến trúc quốc gia;
(2) các nguyên tắc hoạt động kiến trúc, các quy định về
yêu cầu kiến trúc ở đô thị, nông thôn, khu vực phố cổ; (3) các quy định về quy chế quản lý kiến trúc, việc điều chỉnh và phê
duyệt, vấn đề phân cấp quản lý.
- Bổ sung quy định về: (1) quyền,
trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc tuân thủ quy chế và các quy định về kiến trúc, khắc phục tình trạng
nhiều công trình có kiến trúc phản cảm,
không phù hợp với văn hóa, thuần phong mỹ tục của Việt
Nam; (2) thi tuyển kiến trúc bảo đảm chặt chẽ.
- Rà soát lại các quy định về hành
nghề kiến trúc, dịch vụ kiến trúc, đạo đức nghề nghiệp; cấp và thu hồi chứng chỉ
hành nghề, quyền và trách nhiệm của kiến trúc sư. Tiếp thu đầy đủ các ý kiến
liên quan đến Kiến trúc sư, Văn phòng Kiến trúc sư, Hội đồng kiến trúc quốc
gia, Kiến trúc sư trưởng ở thành phố và đô thị lớn. Nghiên cứu quy định trách nhiệm
quản lý nhà nước về kiến trúc phù hợp với Luật Tổ chức
Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương; vai trò của Ủy ban nhân dân cấp
huyện, cấp xã trong quản lý kiến trúc.
- Bảo đảm tính thống nhất của dự án
Luật này với các luật khác trong hệ thống pháp luật, nhất là Luật Xây dựng, Luật
Quy hoạch, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Nhà ở...
9. Dự thảo Nghị định
quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn
nhà nước tại doanh nghiệp:
Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu ý
kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và lưu ý những vấn đề sau:
- Nội dung Nghị định cần cụ thể hóa
các quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh
doanh tại doanh nghiệp.
- Làm rõ phạm vi điều chỉnh của Nghị
định; địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Ủy ban
phải bảo đảm thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn của cơ
quan đại diện chủ sở hữu theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu
tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; mối quan hệ giữa Ủy ban này với
các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp; tách bạch giữa chức năng quản lý nhà
nước, chức năng quản trị doanh nghiệp, cũng như chức năng chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
- Làm rõ chế độ
tiền lương, phụ cấp của lãnh đạo Ủy ban, lãnh đạo các đơn vị thuộc Ủy ban và có
cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút cán bộ có năng lực, tạo động lực cho bộ
máy của Ủy ban thực thi hiệu quả chức năng, nhiệm vụ được giao; việc giao nhiệm
vụ cần tương xứng với quyền và trách nhiệm.
- Làm rõ việc quy định “không can thiệp
trực tiếp vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hoạt động quản
lý, điều hành của người quản lý doanh nghiệp” nhưng vẫn phải bảo đảm để Ủy ban
thực hiện được nhiệm vụ, quyền hạn là cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với vốn nhà nước tại doanh nghiệp và “bảo đảm hiệu
quả, bảo toàn và gia tăng tổng giá trị vốn nhà nước đầu tư
vào doanh nghiệp được giao quản lý”...
- Về cơ cấu tổ
chức bộ máy, đề nghị cân nhắc tổ chức bộ máy quản lý theo cả chiều ngang và chiều đọc để bảo đảm có sự quản lý toàn diện, có chiều sâu (chú ý vai trò bộ máy chuyên quản lý các doanh nghiệp nhà nước).
10. Việc giao kế hoạch
đầu tư vốn từ nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách
nhà nước của Bộ, ngành giai đoạn 2016-2020 và xử lý vướng mắc đối với thủ tục đầu
tư dự án nhóm A sử dụng ngân sách Thành phố Hồ Chí Minh theo quy định tại Nghị
quyết số 54/2017/QH14:
Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì,
phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan:
- Rà soát tính hợp pháp các nguồn thu
để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách nhà nước của các bộ,
ngành và kiến nghị xử lý theo nguyên tắc sau: đối với khoản để lại đúng quy định
của các luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường
vụ Quốc hội, thực hiện theo đúng tinh thần của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu
tư công, Luật Quản lý tài sản công, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư
vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Nội dung nào đã rõ, đúng thẩm quyền,
thực hiện giao kế hoạch vốn ngay và tiếp tục chỉ đạo rà soát bảo đảm sử dụng thẩm
quyền đúng pháp luật. Đối với khoản để lại hoặc tự ý giữ lại không đúng quy định
của pháp luật, thu toàn bộ vào ngân sách nhà nước và xử lý theo quy định của
pháp luật.
- Rà soát lại Nghị định số
77/2015/NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm 2015 của Chính phủ, kiến nghị sửa đổi, bổ
sung các quy định không phù hợp, báo cáo Chính phủ trong tháng 9 năm 2018 trước
khi báo cáo kết quả rà soát với Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
- Việc phê duyệt chủ trương đầu tư đối
với dự án nhóm A sử dụng ngân sách Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện đúng theo
Nghị quyết số 54/2017/QH14 ngày 24 tháng 11 năm 2017 của Quốc hội. Bộ Kế hoạch
và Đầu tư nghiên cứu sự cần thiết điều chỉnh nội dung quy định tại khoản 3 Điều 7 của Nghị quyết số 54/2017/QH14, sớm báo cáo
Chính phủ để trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa
XIV.
11. Việc bổ sung kế
hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và năm 2018 vốn viện trợ không
hoàn lại của Chính phủ Ai Len cho Chương trình 135:
Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn
trương hoàn chỉnh các điều kiện để giải ngân, đáp ứng đúng tinh thần của Nhà
tài trợ; trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 việc xem xét, quyết định bổ sung kế hoạch
đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, dự toán ngân sách nhà nước năm 2018
theo đúng quy định của Luật Đầu tư công, Luật ngân sách nhà nước. Đồng thời,
các cơ quan, đơn vị liên quan rút kinh nghiệm, khắc phục tình trạng chậm báo
cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết những khó khăn, vướng mắc đối với
các dự án viện trợ không hoàn lại; bảo đảm uy tín với Nhà tài trợ.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ biết, thực hiện (kèm theo bản chụp Thông
báo số 2165/TB-TTKQH ngày 16 tháng 8 năm 2018 của Tổng Thư ký Quốc hội)./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Chủ tịch QH (để b/c) ;
- TTg, các PTTg CP (để b/c);
- HĐDT và các Ủy ban của QH;
- VPQH: Tổng Thư ký QH;Vụ TH;
- VPCP: BTCN, các PCN; Cổng TTĐT; các Vụ: KTTH, CN, NN, PL, TH, KGVX, TCCV,
NC, V.I, TKBT, QHQT, ĐMDN; Cục TTKSHC;
- Lưu: VT, QHĐP (3b).Th
|
KT. BỘ TRƯỞNG,
CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM
Nguyễn Văn Tùng
|