Công văn 4020/VPCP-QHĐP năm 2018 thực hiện kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 23 do Văn phòng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 4020/VPCP-QHĐP |
Ngày ban hành | 03/05/2018 |
Ngày có hiệu lực | 03/05/2018 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Văn phòng Chính phủ |
Người ký | Nguyễn Văn Tùng |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính |
VĂN
PHÒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4020/VPCP-QHĐP |
Hà Nội, ngày 03 tháng 05 năm 2018 |
Kính gửi: Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.
Thủ tướng Chính phủ giao các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ nghiên cứu, tiếp thu kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 23 (bản chụp số 1691/TB-TTKQH ngày 20 tháng 4 năm 2018 kèm theo) như sau:
1. Dự án Luật Cảnh sát biển:
Giao Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan làm rõ vị trí, chức năng của cảnh sát biển Việt Nam để tránh chồng chéo với các lực lượng khác hoạt động trên biển; quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của cảnh sát biển Việt Nam theo hướng xác định rõ nội dung chủ trì, nội dung phối hợp trong hoạt động, tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển; quy định về hoạt động phối hợp với các lực lượng trên biển cần khái quát, đầy đủ và bảo đảm khả thi, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề dự kiến tiếp thu, hoàn thiện dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam trước ngày 05 tháng 5 năm 2018.
2. Dự án Luật Trồng trọt và Luật Chăn nuôi:
Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan làm rõ về các nội dung: phạm vi Điều chỉnh; rà soát đảm bảo đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành; hạn chế việc giao Chính phủ, các Bộ trưởng quy định chi tiết; làm rõ chính sách trong phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ; bổ sung quy định về phân công, phân cấp trong quản lý nhà nước, rà soát giảm bớt một số thủ tục hành chính và làm rõ tính khả thi của một số quy định trong dự thảo Luật.
3. Dự án Luật phòng, chống tham nhũng:
Giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tiếp tục chỉnh lý dự án Luật, làm rõ những vấn đề còn ý kiến khác nhau, trong đó tập trung hoàn thiện các phương án về vấn đề xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được một cách hợp lý và vấn đề thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập (mỗi vấn đề xây dựng thành 2 phương án), báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 05 tháng 5 năm 2018 để trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV.
4. Dự án Luật Đặc xá:
Giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan, chỉnh lý, hoàn thiện nội dung và hồ sơ dự án Luật, lưu ý các nội dung sau: quy định về sự kiện trọng đại (thay cho quy định ngày cụ thể như Luật hiện hành); đánh giá tác động đầy đủ hơn đối với các vấn đề, như về các trường hợp không được đặc xá, về Điều kiện đặc xá (phạm tội lần đầu, hoàn thành việc thi hành các hình phạt bổ sung về bồi thường..); phân biệt, làm rõ hơn giữa đặc xá với các chế định khoan hồng khác đang được thực hiện, nhất là với chế định về tha tù trước thời hạn có Điều kiện; về Quyết định đặc xá của Chủ tịch nước là văn bản quy phạm pháp luật hay văn bản hành chính; về việc công khai quyết định đặc xá của Chủ tịch nước; những nội dung tiếp thu, chỉnh lý khác với nội dung cơ bản và quan điểm chỉ đạo mà Chính phủ đã thông qua; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 05 tháng 5 năm 2018.
5. Luật quản lý phát triển đô thị:
Giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tiếp tục làm rõ về nội hàm, phạm vi Điều chỉnh để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, tránh mâu thuẫn, chồng chéo.
6. Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Xây dựng, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản, Quy hoạch đô thị:
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, các bộ và cơ quan khác chuẩn bị hồ sơ trình Quốc hội theo hướng trình một luật sửa đổi, bổ sung các Điều Khoản liên quan đến quy hoạch trong 11 luật do Bộ Kế hoạch và Đầu tư là đầu mối chuẩn bị và 02 luật (Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị) do Bộ Xây dựng là đầu mối chuẩn bị theo phân công của Chính phủ để kịp trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 24 (tháng 5 năm 2018) trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 theo quy trình xem xét, thông qua dự án Luật tại một Kỳ họp.
7. Về Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (đặc khu):
Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan liên quan rà soát, chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật và các nhiệm vụ triển khai thi hành Luật, chuẩn bị báo cáo giải trình thêm với Quốc hội về các nội dung:
a) Về hoàn thiện dự án Luật
- Về tổ chức bộ máy chính quyền đặc khu: tiếp tục rà soát cơ cấu, tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Hội đồng nhân dân (HĐND) và Ủy ban nhân dân (UBND) bảo đảm tinh gọn, hiệu lực và hiệu quả; rà soát, hoàn thiện mối quan hệ giữa các cơ quan Trung ương, 03 địa phương với đặc khu bảo đảm phân cấp rõ thẩm quyền gắn với xác định rõ trách nhiệm.
- Hoàn thiện các quy định bảo đảm an ninh, quốc phòng; quy hoạch trong đó có vấn đề bảo đảm an ninh, quốc phòng phải triển khai lập, phê duyệt trước.
- Về cơ chế, chính sách đặc biệt về đầu tư kinh doanh: Rà soát, hoàn thiện quy định về ngành nghề ưu tiên phát triển và ngành, nghề đầu tư kinh doanh có Điều kiện, các ưu đãi cho các nhà đầu tư trên cơ sở nguyên tắc được quán triệt theo Thông báo Kết luận số 21-TB/TW ngày 22 tháng 3 năm 2017 của Bộ Chính trị, bảo đảm ưu đãi vượt trội so với quy định hiện hành và cạnh tranh được với các đặc khu kinh tế trên thế giới để thu hút đầu tư. Bảo đảm các ưu đãi về thuế, đất đai theo mức ưu đãi và thời hạn ưu đãi trong ngành nghề ưu tiên phát triển của từng đặc khu.
- Về áp dụng Điều kiện đầu tư kinh doanh: cần rà soát bảo đảm việc áp dụng Điều kiện đầu tư kinh doanh, các ưu đãi cho nhà đầu tư chỉ áp dụng đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh trong phạm vi đặc khu và phải kiểm soát được hoạt động này1. Đồng thời bổ sung quy định “mở” cho phép Thủ tướng Chính phủ quyết định không áp dụng một hoặc một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có Điều kiện, Điều kiện đầu tư, kinh doanh tại đặc khu (không chỉ tại khu chức năng thuộc đặc khu (Khoản 4 Điều 17)).
- Báo cáo cụ thể, đánh giá tác động về mức ưu đãi, thời hạn ưu đãi, mức đầu tư của ngân sách nhà nước cho các đặc khu và dự báo các lợi ích thu được, kiểm soát bội chi của ngân sách đặc khu.
- Về tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân đặc khu: Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan liên quan nghiên cứu, thống nhất, hoàn thiện quy định về tổ chức và thẩm quyền của Tòa án nhân dân và các cơ quan tư pháp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
- Về vấn đề chuyển tiếp và triển khai thi hành Luật: Hoàn thiện Nghị quyết về việc thi hành Luật, trong đó quy định đầy đủ, toàn diện các nội dung về tổ chức triển khai thi hành Luật và chuyển tiếp, trách nhiệm của các cơ quan có liên quan trong triển khai thi hành Luật; bổ sung các quy định giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn thực hiện các quy định của luật bảo đảm linh hoạt, khả thi trong triển khai.
b) Về các đề án, tài liệu trình Quốc hội kèm theo dự án Luật tại Kỳ họp thứ 5:
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương xây dựng Báo cáo của Chính phủ về Kế hoạch triển khai thi hành Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, gửi Chính phủ cho ý kiến tại Phiên họp Chính phủ tháng 04 năm 2018 để gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội (theo đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại văn bản số 259/UBTVQH14-PL ngày 04 tháng 4 năm 2018); hoàn thiện dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật gửi kèm theo hồ sơ dự án Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV.
- Về Đề án thành lập các Đặc khu và Đề án bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân đặc khu: Giao Bộ Nội vụ chủ trì, khẩn trương tổ chức thẩm tra sơ bộ Đề án thành lập các Đặc khu, hoàn thiện các Đề án nói trên, gửi kèm theo hồ sơ dự án Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 để Quốc hội cho ý kiến.
Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Nội vụ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các nội dung tại Mục a) và b) bảo đảm đúng tiến độ để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV.