Công văn 7604/VPCP-QHĐP năm 2018 thực hiện kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 25 do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 7604/VPCP-QHĐP
Ngày ban hành 10/08/2018
Ngày có hiệu lực 10/08/2018
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Nguyễn Văn Tùng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 7604/VPCP-QHĐP
V/v thực hiện kết luận của UBTVQH tại PH thứ 25

Hà Nội, ngày 10 tháng 8 năm 2018

 

Kính gửi: Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.

Trên cơ sở kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 25 (văn bản số 2119/TB-TTKQH ngày 18 tháng 7 năm 2018), Thủ tướng Chính phủ phân công các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ nghiên cứu, tiếp thu kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội như sau:

1. Dự án Luật Cảnh sát biển:

Giao Bộ Quốc phòng phối hợp với Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu, làm rõ các nội dung sau:

- Xác định Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng vũ trang và làm rõ vị trí của tổ chức này phù hợp với tính chất hoạt động.

- Rà soát các quy định về tuần tra, kiểm soát, huy động người, phương tiện, quyền truy đuổi trên biển, quyền hạn tiến hành bắt giữ tàu biển, các trường hợp được nổ súng của cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát biển Việt Nam, thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra,... bảo đảm chặt chẽ, phù hợp với thực tế quản lý các vùng biển và hệ thống pháp luật trong nước, pháp luật quốc tế.

- Về phối hợp hoạt động (Chương IV), đề nghị xây dựng 02 phương án để xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội. Phương án 1: tiếp tục hoàn chỉnh các quy định về phối hợp hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam để bảo đảm toàn diện, đầy đủ, khả thi (theo ý kiến của nhiều đại biểu). Phương án 2: quy định khái quát việc phối hợp hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam, nội dung cụ thể giao Chính phủ quy định chi tiết.

2. Dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước:

Giao Bộ Công an phối hợp với Thường trực Ủy ban Quốc phòng, An ninh của Quốc hội, các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, làm rõ thêm các nội dung sau:

- Về khái niệm bí mật nhà nước (Điều 2), cần giải thích rõ, cụ thể hơn.

- Về phạm vi bí mật nhà nước (Điều 10), cần nghiên cứu chỉnh lý nội dung để bảo đảm tính chặt chẽ, chính xác, đầy đủ; thể hiện rõ nội hàm của từng lĩnh vực phù hợp với tình hình thực tế; tránh quy định chung chung, khó xác định được nội dung thuộc bí mật nhà nước và bảo đảm thuận lợi để nghiên cứu ban hành danh mục bí mật nhà nước phù hợp với Hiến pháp.

- Về ban hành danh mục bí mật nhà nước (Điều 12), cân nhắc và làm rõ việc quy định Quyết định ban hành danh mục bí mật nhà nước là văn bản quy phạm pháp luật; đồng thời, rà soát kỹ về thẩm quyền, cách thức phối hợp giữa các cơ quan trong việc lập danh mục để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành.

- Về phân loại bí mật nhà nước, cần nghiên cứu đánh giá thêm để bảo đảm tính khả thi, làm rõ cơ sở xác định hậu quả khi bí mật nhà nước bị xâm hại nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng.

- Về hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp, dự thảo Luật quy định các điều 10, 11 và 12 có hiệu lực thi hành trước ngày Luật có hiệu lực để bảo đảm thời gian xây dựng danh mục bí mật nhà nước. Tuy nhiên, cần cân nhắc quy định này để phù hợp và đáp ứng với tình hình thực tế.

- Cân nhắc bổ sung một số quy định nhằm bảo đảm chặt chẽ hơn trong việc tổ chức hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước; bổ sung quy định về phát ngôn, viết hồi ký...; đồng thời, rà soát các quy định để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật.

3. Dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi):

Giao Thanh tra Chính phủ phối hợp với Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, các bộ, cơ quan liên quan tiếp tục tiếp thu chỉnh lý các nội dung sau:

- Về thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập (Điều 32), tán thành phương án giao Thanh tra Chính phủ, Thanh tra các bộ, ngành, Thanh tra cấp tỉnh kiểm soát tài sản, thu nhập của những người thuộc diện kê khai công tác tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và chính quyền địa phương; các cơ quan khác và tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội chịu trách nhiệm kiểm soát tài sản, thu nhập của người thuộc diện kê khai công tác trong cơ quan, tổ chức mình. Đây là phương án vừa bảo đảm sự tập trung, phân công, phân cấp trong hệ thống chính trị để thực hiện nhiệm vụ kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Tuy nhiên, cần nghiên cứu để quy định cụ thể hơn việc kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức các cơ quan thanh tra; bổ sung quy định kiểm soát đối với một số chức danh lãnh đạo Đảng, Nhà nước chưa được quy định trong Luật này.

- Về đối tượng kê khai tài sản, thu nhập (Điều 37), tán thành việc mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập, song thận trọng quy định việc kiểm soát tài sản, thu nhập của đại biểu Quốc hội không phải là cán bộ, công chức, viên chức,

- Về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc (Điều 59), đề nghị Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội phối hợp với Ban soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu kỹ lưỡng từng phương án, bảo đảm có căn cứ lý luận và thực tiễn, phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của nước ta; báo cáo Bộ Chính trị trước khi trình Quốc hội thông qua.

- Về phòng, chống tham nhũng khu vực ngoài Nhà nước (Chương VIII) tán thành việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật ra khu vực ngoài Nhà nước, giới hạn áp dụng đối với công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và một số loại hình tổ chức xã hội. Giao Chính phủ quy định thống nhất để các doanh nghiệp, tổ chức xã hội này thực hiện một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng.

- Về thanh tra việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng khu vực ngoài Nhà nước (Điều 89), nghiên cứu, cân nhắc về quy định thanh tra việc thực hiện một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng ở khu vực ngoài Nhà nước để bảo đảm tránh làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.

4. Về Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về biểu thuế bảo vệ môi trường: Giao Bộ Tài chính tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chuẩn bị kỹ Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về biểu thuế bảo vệ môi trường, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định tại Phiên họp tháng 9 năm 2018 (nếu có).

5. Việc bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 vốn nước ngoài cho tỉnh Bình Thuận:

Bộ Tài chính thực hiện đúng theo kết luận của/Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Khoản viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Bỉ cho tỉnh Bình Thuận để thực hiện dự án “Quản lý tổng hợp nguồn nước và phát triển đô thị trong mối liên hệ với biến đổi khí hậu” chưa có trong dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2018 nên theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, phải bổ sung vào dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 và Ủy ban Thường vụ Quốc hội không có thẩm quyền quyết định nội dung này.

Để bảo đảm thực hiện đúng cam kết, với Chính phủ Bỉ, tránh bị hủy dự án do quá thời hạn quy định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí về mặt nguyên tắc, cho phép Chính phủ tiếp nhận, giải ngân khoản viện trợ này theo tiến độ của dự án. Đồng thời, đề nghị Chính phủ trình Quốc hội nội dung này tại kỳ họp thứ 6 để Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

6. Về điều chỉnh tổng mức đầu tư các dự án đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh: tuyến số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) và tuyến số 2 (Bến Thành - Tham Lương):

Giao Bộ Giao Thông vận tải chuẩn bị dự thảo Tờ trình báo cáo Ban cán sự Đảng Chính phủ xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị về nội dung này. Căn cứ kết luận của Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ triển khai các nội dung tiếp theo.

[...]
7
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ