Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Công văn 4377/SGDĐT-GDTXCNĐH năm 2023 hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2023-2024 đối với Giáo dục thường xuyên do Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh ban hành

Số hiệu 4377/SGDĐT-GDTXCNĐH
Ngày ban hành 14/08/2023
Ngày có hiệu lực 14/08/2023
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Dương Trí Dũng
Lĩnh vực Giáo dục

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4377/SGDĐT-GDTXCNĐH
Về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2023 - 2024 đối với Giáo dục thường xuyên

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 14 tháng 8 năm 2023

 

Kính gửi:

- Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện và thành phố Thủ Đức;
- Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên;
- Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên;
- Hiệu trưởng trường có phân hiệu Giáo dục thường xuyên, Thủ trưởng các cơ sở giáo dục thường xuyên;
- Giám đốc Trung tâm ngoại ngữ, tin học.

Thực hiện Công văn số 3759/BGDĐT-GDTX ngày 28 tháng 7 năm 2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2023 - 2024 đối với Giáo dục thường xuyên;

Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn Phòng Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) các quận, huyện và thành phố Thủ Đức; các cơ sở giáo dục thường xuyên thực hiện nhiệm vụ năm học 2023 - 2024 đối với Giáo dục thường xuyên (GDTX) như sau:

A. NHIỆM VỤ CHUNG

1. Thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về học tập thường xuyên, học tập suốt đời (HTSĐ), xây dựng xã hội học tập (XHHT).

2. Tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện công tác xóa mù chữ.

3. Đổi mới công tác quản lý đối với các cơ sở GDTX. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát theo hướng đẩy mạnh phân cấp quản lý, tăng quyền tự chủ của các đơn vị gắn với trách nhiệm của người đứng đầu.

4. Thực hiện đảm bảo chất lượng, hiệu quả các Chương trình GDTX. Tăng cường công tác chỉ đạo thực hiện đa dạng hóa các chương trình giáo dục trong các cơ sở GDTX.

5. Tăng cường tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, cộng tác viên trong các cơ sở GDTX.

6. Tiếp tục củng cố, phát triển mạng lưới các cơ sở GDTX trên tinh thần thiết thực, hiệu quả; tăng cường cơ sở vật chất (CSVC) đảm bảo chất lượng các hoạt động GDĐT đối với các cơ sở GDTX.

7. Tăng cường truyền thông để nâng cao nhận thức cho người dân và toàn xã hội về lợi ích, vai trò và tầm quan trọng của học tập thường xuyên, HTSĐ, xây dựng XHHT.

B. NHIỆM VỤ CỤ THỂ

I. Đẩy mạnh các hoạt động góp phần xây dựng xã hội học tập

1. Phòng GDĐT tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện ban hành kế hoạch, bố trí kinh phí để triển khai có hiệu quả Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030” (Đề án 1373), Kế hoạch 4344/KH-UBND ngày 22 tháng 12 năm 2021 của UBND Thành phố về thực hiện Đề án xây dựng XHHT giai đoạn 2021 - 2023 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh; Kế hoạch số 1968/KH-UBND ngày 13 tháng 5 năm 2023 của UBND Thành phố về triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng XHHT giai đoạn 2021 - 2030” năm 2023. Tăng cường phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể để thực hiện tốt kế hoạch triển khai thực hiện Đề án 1373. Tiếp tục thực hiện nội dung số 3 và số 10 của Đề án “Giáo dục thông minh và học tập suốt đời tại Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021- 2030” giai đoạn 2021 - 2025. Tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, đánh giá, tổng hợp kết quả thực hiện Đề án xây dựng XHHT tại địa phương, báo cáo Sở GDĐT theo quy định. Tập trung kiểm tra việc ban hành văn bản chỉ đạo, kế hoạch và hướng dẫn thực hiện, kinh phí, công tác truyền thông, tổ chức phong trào thi đua xây dựng XHHT; thực hiện các chính sách thúc đẩy HTSĐ, xây dựng XHHT do trung ương và Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành. Kiện toàn và hướng dẫn nội dung hoạt động của Ban Chỉ đạo xây dựng XHHT thành phố Thủ Đức và các quận, huyện.

2. Tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023 - 2030”; chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện Thông tư số 44/TT-BGDĐT ngày 12 tháng 12 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ GDĐT quy định việc đánh giá, xếp loại “Cộng đồng học tập” cấp xã; Thông tư số 22/TT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ GDĐT ban hành quy định về đánh giá, xếp loại Đơn vị học tập; phối hợp với Hội Khuyến học tổ chức đánh giá, công nhận “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” (thôn/bản/ấp/tổ dân phố), “Đơn vị học tập”.

3. Phòng GDĐT tham mưu UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện triển khai hoạt động sau khi được công nhận thành viên mạng lưới các thành phố học tập toàn cầu của UNESCO; xây dựng kế hoạch phối hợp với các sở, ban ngành, đoàn thể triển khai xây dựng thành phố học tập thực chất, hiệu quả.

4. Tổ chức hiệu quả Tuần lễ hưởng ứng HTSĐ năm 2023 theo kế hoạch của Bộ GDĐT. Tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024 với các hoạt động thiết thực, hiệu quả. Triển khai thực hiện Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

5. Tăng cường ứng dụng công nghệ thôn tin (CNTT) và chuyển đổi số trong công tác quản lý và tổ chức hoạt động xây dựng XHHT. Phát triển kho dữ liệu số và các khóa học trực tuyến, thí điểm xây dựng trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) điểm tại Thành phố Thủ Đức và các quận, huyện.

II. Tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện công tác xóa mù chữ (XMC)

1. Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về công tác XMC cho người dân, chú trọng đến đối tượng mù chữ là người dân tộc và nhập cư. Thực hiện tốt công tác điều tra, rà soát người mù chữ, người tái mù chữ trên địa bàn (2 lần/năm).

2. Củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban chỉ đạo phổ cập giáo dục - XMC các cấp ở địa phương. Tăng cường cán bộ, giáo viên (GV) chuyên trách công tác XMC cho các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

3. Tích cực vận động người mù chữ tham gia các lớp học XMC; tổ chức các lớp học XMC linh hoạt về thời gian, địa điểm, phù hợp với đối tượng học viên (HV) và điều kiện thực tế địa phương. Đảm bảo giữ vững tỉ lệ XMC ở các phường, xã, thị trấn.

4. Tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho GV, người tham gia công tác XMC để thực hiện nhiệm vụ được hiệu quả. Chú trọng bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin cho cán bộ, giáo viên làm công tác XMC.

5. Tăng cường ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong công tác XMC. Cập nhật chính xác dữ liệu phổ cập giáo dục, XMC trên hệ thống thông tin phổ cập giáo dục, XMC của Bộ GDĐT theo đúng quy trình và thời gian quy định.

6. Tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện công tác XMC và kiểm tra công nhận đơn vị cấp xã, cấp huyện đạt chuẩn XMC.

III. Đổi mới công tác quản lý đối với các cơ sở Giáo dục thường xuyên

1. Triển khai thực hiện chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với tổ chức, cá nhân đóng góp, đầu tư xây dựng cơ sở GDTX; chính sách ưu đãi đối với cơ sở GDTX tư thục và hợp tác, đầu tư của nước ngoài về giáo dục; tăng cường CSVC, trang thiết bị đảm bảo các điều kiện dạy và học theo Chương trình GDTX cấp THCS, THPT. Phát huy tối đa nguồn lực của các Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) giúp tăng cường các điều kiện đảm bảo thực hiện nhiệm vụ GDTX.

2. Tăng cường đổi mới công tác quản lý theo hướng chuyển từ quản lý hành chính sang quản lý chất lượng; xây dựng văn hóa chất lượng, tạo môi trường làm việc thân thiện, tạo động lực cho giáo viên, nhân viên; tăng cường các biện pháp quản lý nhằm đảm bảo nền nếp, kỷ cương trong dạy học, chấn chỉnh kịp thời những sai phạm về chuyên môn, về đạo đức nhà giáo; thực hiện đánh giá khách quan, công bằng, tạo động lực thi đua trong học tập, rèn luyện để nâng cao chất lượng giáo dục.

[...]