Công văn 3759/BGDĐT-GDTX năm 2023 hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2023-2024 đối với Giáo dục thường xuyên do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Số hiệu 3759/BGDĐT-GDTX
Ngày ban hành 28/07/2023
Ngày có hiệu lực 28/07/2023
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Giáo dục và Đào tạo
Người ký Phạm Ngọc Thưởng
Lĩnh vực Giáo dục

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3759/BGDĐT-GDTX
V/v hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2023-2024 đối với Giáo dục thường xuyên

Hà Nội, ngày 28 tháng 07 năm 2023

 

Kính gửi:

- Sở giáo dục và đào tạo các tỉnh, thành phố;
- Cục Nhà trường, Bộ Quốc phòng.

Căn cứ vào tình hình thực tế của các địa phương, để triển khai hiệu quả nhiệm vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) hướng dẫn các Sở GDĐT triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học 2023-2024 đối với Giáo dục thường xuyên (GDTX) như sau:

A. NHIỆM VỤ CHUNG

1. Thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về giáo dục thường xuyên, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập (XHHT).

2. Tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo, tổ chức thực hiện và kiểm tra việc thực hiện công tác xóa mù chữ (XMC).

3. Đổi mới công tác quản lý đối với các cơ sở GDTX. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát theo hướng đẩy mạnh phân cấp quản lý, tăng quyền tự chủ của các đơn vị gắn với trách nhiệm của người đứng đầu.

4. Thực hiện đảm bảo chất lượng, hiệu quả các Chương trình GDTX. Tăng cường công tác chỉ đạo thực hiện đa dạng hóa các chương trình giáo dục trong các cơ sở GDTX.

5. Tăng cường tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý (CBQL), giáo viên (GV), cộng tác viên trong các cơ sở GDTX.

6. Tiếp tục củng cố, phát triển mạng lưới các cơ sở GDTX trên tinh thần thiết thực, hiệu quả; tăng cường cơ sở vật chất (CSVC) đảm bảo chất lượng các hoạt động GDĐT đối với các cơ sở GDTX.

7. Tăng cường truyền thông để nâng cao nhận thức cho người dân và toàn xã hội về lợi ích, vai trò và tầm quan trọng của học tập thường xuyên, học tập suốt đời (HTSĐ), xây dựng XHHT.

B. NHIỆM VỤ CỤ THỂ

I. Đẩy mạnh các hoạt động góp phần xây dựng xã hội học tập

1. Tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch và bố trí kinh phí để triển khai có hiệu quả Kế hoạch thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030” (Đề án xây dựng XHHT). Tăng cường công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện Đề án xây dựng XHHT. Thực hiện kiểm tra, đánh giá, tổng hợp kết quả thực hiện Đề án xây dựng XHHT tại địa phương, báo cáo Bộ GDĐT theo quy định. Tập trung kiểm tra theo các nội dung chính sau đây: ban hành kế hoạch xây dựng XHHT hằng năm; ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn việc thực hiện xây dựng XHHT; bố trí kinh phí thực hiện kế hoạch xây dựng XHHT hằng năm; công tác truyền thông về xây dựng XHHT; tổ chức phong trào thi đua xây dựng XHHT, đẩy mạnh HTSĐ; thực hiện các chính sách thúc đẩy HTSĐ, xây dựng XHHT do trung ương và địa phương ban hành.

2. Chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023 - 2030”; chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức đánh giá, công nhận “Đơn vị học tập”, “Cộng đồng học tập” theo quy định.

3. Tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn UBND thành phố trực thuộc tỉnh được công nhận thành viên mạng lưới các thành phố học tập của Unesco xây dựng kế hoạch phối hợp với các sở, ban ngành triển khai xây dựng thành phố học tập một cách thực chất, hiệu quả.

4. Tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban ngành, đoàn thể cấp tỉnh và các địa phương trong tỉnh phối hợp tổ chức hiệu quả Tuần lễ hưởng ứng HTSĐ năm 2024 (Bộ GDĐT sẽ có công văn hướng dẫn riêng). Hướng dẫn các phòng GDĐT, các trường trung học phổ thông, các trung tâm GDTX, trung tâm GDNN-GDTX, các cơ sở giáo dục trực thuộc tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024 với các hoạt động thiết thực, hiệu quả.

II. Tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện công tác xóa mù chữ

1. Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về công tác XMC cho người dân, chú trọng đến đối tượng mù chữ là người DTTS, người sinh sống ở vùng biên giới, vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn.

2. Củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban chỉ đạo phổ cập giáo dục - XMC các cấp ở địa phương. Tăng cường cán bộ, GV chuyên trách công tác XMC cho các xã, thôn, bản có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số.

3. Tích cực vận động người mù chữ tham gia các lớp học XMC; tổ chức các lớp học XMC linh hoạt về thời gian, địa điểm, phù hợp với đối tượng học viên (HV) và điều kiện thực tế địa phương.

4. Tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho GV, người tham gia công tác XMC để thực hiện nhiệm vụ được hiệu quả.

III. Đổi mới công tác quản lý đối với các cơ sở Giáo dục thường xuyên

1. Tham mưu với UBND tỉnh trong việc kiện toàn cơ cấu, tên gọi và phân công nhiệm vụ đơn vị chuyên trách quản lý lĩnh vực GDTX tại Sở GDĐT phù hợp để đảm bảo công tác quản lý hoạt động GDTX được hiệu quả.

2. Tiếp tục tham mưu UBND tỉnh xem xét, ban hành văn bản hướng dẫn cơ chế chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với tổ chức, cá nhân đóng góp, đầu tư xây dựng cơ sở GDTX; chính sách ưu đãi đối với cơ sở GDTX tư thục và hợp tác, đầu tư của nước ngoài về giáo dục; xây dựng quy định về cơ chế thu (khoản thu, mức thu), quản lý học phí, giá dịch vụ đối với GDTX phù hợp với điều kiện của địa phương và quy định của pháp luật hiện hành; rà soát, phê duyệt lộ trình tự chủ của Trung tâm GDTX, Trung tâm GDNN- GDTX đảm bảo hiệu quả, chất lượng và khả thi; kịp thời tăng cường CSVC, trang thiết bị và chủ động nguồn ngân sách biên soạn tài liệu, tập huấn chuyên môn cho các trung tâm GDTX, trung tâm GDNN-GDTX để bảo đảm các điều kiện dạy và học theo Chương trình GDTX cấp THCS, THPT. Chỉ đạo để phát huy tối đa nguồn lực của các Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) giúp tăng cường các điều kiện đảm bảo thực hiện nhiệm vụ GDTX.

3. Tăng cường đổi mới công tác quản lý theo hướng chuyển từ quản lý hành chính sang quản lý chất lượng; xây dựng văn hóa chất lượng, tạo môi trường làm việc thân thiện, tạo động lực cho giáo viên, nhân viên; tăng cường các biện pháp quản lý nhằm đảm bảo nền nếp, kỷ cương trong dạy học, chấn chỉnh kịp thời những sai phạm về chuyên môn, về đạo đức nhà giáo; thực hiện đánh giá khách quan, công bằng, tạo động lực thi đua trong học tập, rèn luyện để nâng cao chất lượng giáo dục.

4. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và chuyển đổi số trong quản lý GDTX, quản trị cơ sở GDTX, trong dạy học, quản lý và kiểm tra, đánh giá thực hiện các chương trình GDTX; tăng cường quản lý hệ thống hồ sơ sổ sách của trung tâm theo hướng quản lý hồ sơ điện tử để từng bước thay thế hồ sơ giấy; chỉ đạo các trung tâm cải thiện và nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý dạy và học trên môi trường số; khuyến khích phát triển kho học liệu số, học liệu mở chia sẻ chung trong các cơ sở GDTX, nhất là trong các trung tâm GDTX, trung tâm GDNN-GDTX; chia sẻ học liệu số, học liệu mở giữa các cơ sở GDTX, cơ sở giáo dục chính quy với các mô hình học tập (cộng đồng học tập, đơn vị học tập). Đối với các địa phương có trung tâm được hỗ trợ, tiếp nhận trung tâm thông minh, lớp học thông minh hoặc các phòng máy tính thực hiện triển khai, thí điểm các mô hình dạy học tiên tiến trên nền tảng số theo hướng dạy học kết hợp (lớp học thông minh, nhóm học tương tác, tự học với trợ lý ảo. ...) phù hợp với điều kiện, đặc thù, nhu cầu thực tế của GDTX. Tăng cường chỉ đạo các trung tâm này chủ động xây dựng kế hoạch, nội dung giáo dục để khai thác các phòng học/lớp học thông minh tại trung tâm một cách hiệu quả.

5. Chỉ đạo hiệu quả hoạt động của các trung tâm ngoại ngữ, tin học (NNTH) và các trung tâm khác thực hiện nhiệm vụ GDTX trên địa bàn; chủ động, tích cực phối hợp liên ngành quản lý trên địa bàn đảm bảo kiểm soát tốt số lượng, chất lượng của các trung tâm này thông qua cơ chế giải trình, hậu kiểm sao cho việc cấp phép tạo cơ chế thông thoáng, đảm bảo hoạt động hiệu quả, chất lượng đúng quy chế và các quy định hiện hành.

6. Chỉ đạo phòng GDĐT tích cực tham mưu UBND cấp huyện trong việc hỗ trợ kinh phí hoạt động thường xuyên như: Hỗ trợ kinh phí mua sắm trang thiết bị ban đầu, Hỗ trợ kinh phí hoạt động thường xuyên theo quy định tại Thông tư số 96/2008/TT-BTC ngày 27/10/2008 hướng dẫn việc hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước cho các trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) phù hợp với điều kiện kinh tế của địa phương và quy định mới của mức lương tối thiểu vùng năm 2023.

[...]