Công văn 4309/BGDĐT-GDTX năm 2016 hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2016-2017 đối với Giáo dục thường xuyên do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Số hiệu 4309/BGDĐT-GDTX
Ngày ban hành 01/09/2016
Ngày có hiệu lực 01/09/2016
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Giáo dục và Đào tạo
Người ký Nguyễn Vinh Hiển
Lĩnh vực Giáo dục

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4309/BGDĐT-GDTX
V/v Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2016-2017 đối với GDTX

Hà Nội, ngày 01 tháng 9 năm 2016

 

Kính gửi:

- Sở giáo dục và đào tạo các tỉnh, thành phố;
- Cục Nhà trường, Bộ Quốc phòng.

 

Căn cứ vào Chỉ thị số 3031/CT-BGDĐT ngày 26 tháng 8 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) về nhiệm vụ trọng tâm năm học 2016-2017 của ngành Giáo dục, Bộ GDĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2016-2017 đối với Giáo dục thường xuyên (GDTX) như sau:

A. NHIỆM VỤ CHUNG

Tiếp tục triển khai Kế hoạch của ngành giáo dục thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ về đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT; thực hiện có hiệu quả mục tiêu Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020” và Đề án “Xóa mù chữ đến năm 2020”; kiện toàn, củng cố mô hình hoạt động của trung tâm GDTX cấp huyện và trung tâm học tập cộng đồng theo hướng một cơ sở thực hiện nhiều nhiệm vụ; đổi mới công tác quản lý, tăng cường nền nếp, kỉ cương, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ sở GDTX; mở rộng việc dạy văn hóa kết hợp với dạy nghề và tổ chức giáo dục khởi nghiệp tại trung tâm GDTX, góp phần phân luồng học sinh sau trung học cơ sở; nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, giáo viên các trung tâm GDTX để tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ công chức, kỹ năng nghề nghiệp cho công nhân và người lao động; tổ chức bồi dưỡng thường xuyên cho đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông;tăng cường tổ chức và quản lý hoạt động giáo dục kĩ năng sống;tiếp tục đổi mới hoạt động của thư viện trường học, xây dựng tủ sách lớp học, phát triển văn hóa đọc gắn liền với đổi mới đồng bộ phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực của người học; chú trọng ứng dụng CNTT trong quản lý, dạy, học và bồi dưỡng giáo viên.

B. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CỤ THỂ

I. Tiếp tục triển khai Kế hoạch của ngành giáo dục thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ về đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT; nghiên cứu, triển khai hiệu quả Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

1. Căn cứ Kế hoạch chung của ngành thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ về đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT; căn cứ vào điều kiện thực tế và nhu cầu phát triển, các địa phương tiếp tục chủ động triển khai kế hoạch nhằm nâng cao chất lượng giáo dục của địa phương nói chung và giáo dục toàn diện cho các cơ sở GDTX nói riêng.

2. Tiếp tục triển khai nội dung các cuộc vận động, các phong trào thi đua của ngành bằng những việc làm thường xuyên thiết thực, tạo sự chuyển biến tích cực trong ý thức, thái độ và hành vi của cán bộ, giáo viên, học viên. Chỉ đạo các trung tâm giáo dục thường xuyên (TTGDTX) tổ chức tốt hoạt động “tuần sinh hoạt tập thể” đầu năm học mới, đặc biệt quan tâm đối với các lớp đầu cấp nhằm giúp học viên làm quen với điều kiện học tập, sinh hoạt và tiếp cận phương pháp dạy học và giáo dục trong các trung tâm. Tổ chức nghi thức chào cờ, hát Quốc ca đầu tuần trở thành nền nếp sinh hoạt thường xuyên, nghiêm túc, thể hiện lòng nhiệt huyết, lòng tự hào dân tộc và lan tỏa sâu rộng trong các TTGDTX.

3. Chỉ đạo các cơ sở GDTX thực hiện nghiêm túc Thông tư số 04/2014/TT-BGDĐT ngày 28/02/2014 của Bộ GDĐT về việc quản lý hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa. Xây dựng, lựa chọn và triển khai các chương trình giáo dục kỹ năng sống phù hợp với từng nhóm đối tượng và điều kiện cụ thể của từng địa phương; đa dạng hóa các hình thức tổ chức dạy học nhằm thu hút nhiều người học, góp phần hình thành, phát triển những kỹ năng sống, giá trị sống cơ bản, cần thiết cho học sinh, sinh viên và người dân trong cộng đồng.

4. Đổi mới công tác quản lý theo hướng giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở GDTX. Tăng cường các biện pháp quản lý nhằm đảm bảo nền nếp, kỷ cương trong dạy học, chấn chỉnh kịp thời những sai phạm về chuyên môn, về đạo đức nhà giáo; thực hiện đánh giá khách quan, công bằng, tạo động lực thi đua trong học tập, rèn luyện để nâng cao chất lượng giáo dục.

II. Đẩy mạnh các hoạt động xây dựng xã hội học tập

1. Phối hợp với các hội, ban ngành, đoàn thể tham mưu với Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh/thành phố xây dựng kế hoạch thực hiện mục tiêu Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020” và các đề án thành phần phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng địa phương.

2. Tăng cường phối hợp với các cơ quan truyền thông xây dựng nội dung và hình thức tuyên truyền, quảng bá về mục đích, ý nghĩa, lợi ích của học tập suốt đời (HTSĐ) và xây dựng xã hội học tập (XHHT).

3. Triển khai các hoạt động nghiên cứu, đề xuất những vấn đề về HTSĐ, xây dựng XHHT; tổ chức Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời tại địa phương từ ngày 02 tháng 10 đến ngày 09 tháng 10 năm 2016; khuyến khích các địa phương tổ chức khai giảng năm học mới của trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) kết hợp với Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời nhằm thu hút sự quan tâm của xã hội về hoạt động của TTHTCĐ.

4. Phối hợp với Hội khuyến học cấp tỉnh và các cơ quan liên quan, tham mưu cho UBND tỉnh ban hành văn bản hướng dẫn đánh giá, công nhận các danh hiệu “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, Cộng đồng học tập”Đơn vị học tập” với những nội dung và tiêu chí cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Hướng dẫn UBND cấp huyện xây dựng kế hoạch và tổ chức đánh giá, công nhận các danh hiệu học tập đúng thực chất, không chạy theo hình thức.

5. Hướng dẫn các nhà trường đổi mới hoạt động của thư viện trường học theo hướng xây dựng thư viện thân thiện, xây dựng tủ sách lớp học, tủ sách phụ huynh đặt tại lớp học, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh đọc sách, hình thành thói quen đọc sách; mở các lớp giáo dục kỹ năng, phương pháp đọc cho học sinh, sinh viên và người dân trong cộng đồng góp phần phát triển văn hóa đọc.

6. Tiếp tục triển khai chương trình phối hợp hoạt động khuyến học, khuyến tài xây dựng XHHT và phát huy vai trò chủ động tích cực của Hội Cựu giáo chức, Hội Khuyến học và Hội người cao tuổi trong việc liên kết, phối hợp các tổ chức, các lực lượng xã hội tham gia tích cực vào các hoạt động xây dựng XHHT, góp phần hoàn thành các mục tiêu đề ra trong Đề án Xây dựng XHHT giai đoạn 2012-2020.

7. Tiếp tục triển khai chương trình phối hợp giữa Bộ GDĐT và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc đẩy mạnh các hoạt động giáo dục, HTSĐ tại các thư viện, bảo tàng.

8. Phối hợp với Sở Tài chính tham mưu với UBND tỉnh bố trí kinh phí để triển khai thực hiện các hoạt động theo kế hoạch đề ra; đồng thời có biện pháp tích cực huy động sự đóng góp của các tổ chức và cá nhân trong quá trình thực hiện Đề án Xây dựng XHHT tại địa phương.

III. Tiếp tục củng cố mô hình hoạt động của các cơ sở GDTX theo hướng phát triển bền vững

1. Đối với trung tâm giáo dục thường xuyên

1.1. Tích cực tham mưu với UBND tỉnh, thành phố trong việc đề ra chính sách, cơ chế phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể của địa phương nhằm tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các TTGDTX; tăng cường huy động các nguồn lực từ ngân sách nhà nước và từ xã hội hoá giáo dục để xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị dạy học cho các TTGDTX; thành lập mới TTGDTX ở các quận, huyện, thành phố hiện nay chưa có.

1.2. Chỉ đạo các TTGDTX tận dụng tối đa cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên sẵn có ở địa phương để tiếp nhận mọi học viên có nhu cầu học chương trình GDTX cấp trung học cơ sở (THCS) và trung học phổ thông (THPT).

1.3. Tiếp tục mở rộng và nâng cao chất lượng các lớp học theo chương trình GDTX cấp THPT kết hợp với học nghề hoặc trung cấp chuyên nghiệp nhằm phân luồng học sinh sau THCS.

1.4. Chỉ đạo TTGDTX xây dựng đội ngũ báo cáo viên, lựa chọn tài liệu đưa nội dung giáo dục khởi nghiệp vào giảng dạy tại TTGDTX nhằm giúp thanh niên, học sinh, sinh viên và người lao động có được nhận thức đúng đắn về khởi nghiệp, khơi dậy tinh thần tự tạo việc làm, tự thân lập nghiệp, tự chủ, sáng tạo trong việc lựa chọn nghề nghiệp; đồng thời cung cấp những kiến thức và kỹ năng cần có để khởi sự kinh doanh thành công.

1.5. Phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức các lớp học nâng cao trình độ văn hóa cho đội ngũ cán bộ công chức cấp xã, người lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất.

1.6. Tăng cường phối hợp với các sở, ban, ngành, tổ chức và cá nhân liên quan tổ chức các lớp bồi dưỡng ngắn hạn như: giáo dục kĩ năng sống; bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học; phổ biến kiến thức khoa học, kiến thức pháp luật cho cán bộ, công chức, học sinh, sinh viên và người lao động, ...

[...]