Công văn 4622/BGDĐT-CNTT năm 2016 hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ công nghệ thông tin năm học 2016–2017 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Số hiệu 4622/BGDĐT-CNTT
Ngày ban hành 20/09/2016
Ngày có hiệu lực 20/09/2016
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Giáo dục và Đào tạo
Người ký Phạm Mạnh Hùng
Lĩnh vực Công nghệ thông tin,Giáo dục

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4622/BGDĐT-CNTT
V/v hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ
CNTT năm học 2016 – 2017.

Hà Nội, ngày 20 tháng 9 năm 2016

 

Kính gửi: Các sở giáo dục và đào tạo

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) hướng dẫn việc triển khai nhiệm vụ công nghệ thông tin (CNTT) cho năm học 2016 - 2017 như sau:

I. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

1. Phân công cán bộ phụ trách CNTT

Để triển khai công tác ứng dụng CNTT toàn ngành có hiệu quả, mỗi cơ quan, nhà trường phân công cán bộ đầu mối theo dõi, phụ trách CNTT như sau:

a) Đối với sở GDĐT: phân công Lãnh đạo Sở, cán bộ cấp phòng (trưởng hoặc phó phòng) và chuyên viên làm đầu mối theo dõi, phụ trách CNTT. Đối với những sở GDĐT không thành lập phòng CNTT, cần ghép nhiệm vụ CNTT vào một phòng chuyên môn phù hợp.

b) Đối với phòng GDĐT: phân công Lãnh đạo phòng và chuyên viên làm đầu mối theo dõi, phụ trách CNTT.

c) Đối với mỗi nhà trường: phân công một đồng chí trong ban giám hiệu và cán bộ của trường (nhân viên hoặc giáo viên kiêm nhiệm) làm đầu mối theo dõi, phụ trách CNTT.

2. Triển khai hạ tầng và thiết bị CNTT

Đầu tư hạ tầng CNTT trong các cơ sở giáo dục cần đảm bảo tính thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, đảm bảo tính sư phạm, có sự đồng thuận của phụ huynh học sinh và có sự phê duyệt của cấp có thẩm quyền.

a) Các nhà trường hoàn thành nối cáp quang Internet. Khuyến khích nhà trường sử dụng Internet đồng thời của nhiều nhà mạng khác nhau để đảm bảo chất lượng và sự ổn định dịch vụ Internet.

b) Trang bị đủ thiết bị CNTT phục vụ công tác quản lý, điều hành: mỗi trường trang bị ít nhất 02 bộ máy tính, 01 máy in và 01 webcam. Mỗi tổ bộ môn trong trường có máy tính dùng riêng.

c) Trang bị thiết bị CNTT phục vụ dạy-học. Đảm bảo đủ máy tính phục vụ dạy – học môn Tin học (tiểu học đạt tỷ lệ 24 học sinh/1 máy tính, trung học cơ sở đạt tỷ lệ 16 học sinh/1 máy tính và trung học phổ thông đạt tỷ lệ 12 học sinh/1 máy tính). Các phòng máy tính phục vụ dạy học phải được nối mạng Internet.

d) Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn an ninh đối với các hệ thống CNTT (phần cứng, phần mềm, wesbite...). Thường xuyên rà soát, khắc phục các nguy cơ mất an toàn, an ninh thông tin. Đẩy mạnh tuyên truyền tới toàn thể cán bộ, giáo viên và học sinh kỹ năng nhận biết, phòng tránh các nguy cơ mất an toàn thông tin đối với các thiết bị CNTT cá nhân như điện thoại thông minh, máy tính, máy tính bảng.

3. Ứng dụng CNTT trong quản lý, chỉ đạo, điều hành và triển khai Chính phủ điện tử

a) Tiếp tục triển khai có hiệu quả website và thư điện tử trong ngành GDĐT theo Thông tư số 53/2012/TT-BGDĐT ngày 20/12/2012 của Bộ GDĐT. Tổ chức đánh giá, xếp hạng website của phòng GDĐT và các nhà trường.

b) Triển khai hệ thống quản lý hành chính điện tử (e-office): quản lý văn bản (đi, đến), quản lý công việc,... đảm bảo kết nối liên thông văn bản điện tử giữa các cơ quan (theo quy định tại Nghị quyết 36a/NQ-CP của Chính phủ về Chính phủ điện tử).

c) Cung cấp các dịch vụ công trực tuyến, đặc biệt các dịch vụ công phục vụ phụ huynh, học sinh, một số dịch vụ cụ thể:

- Dịch vụ xét tuyển học sinh đầu cấp (cung cấp đầy đủ các loại mẫu đơn, nộp hồ sơ trực tuyến, công khai danh sách đăng ký, công khai kết quả xét tuyển và trả kết quả qua mạng).

- Cung cấp miễn phí thông báo điểm học tập và rèn luyện qua tin nhắn OTT, email và website trường học (hạn chế sử dụng hệ thống nhắn tin thu phí qua điện thoại di động).

d) Thường xuyên tổ chức và triển khai các cuộc họp, bồi dưỡng chuyên môn qua mạng. Cục CNTT cung cấp miễn phí phòng họp qua mạng tại địa chỉ http://hop.moet.edu.vn. Đối với sở và phòng GDĐT, tùy từng điều kiện cụ thể có thể trang bị phòng họp trực tuyến tiện nghi phục vụ họp, tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn với Bộ và các đơn vị trực thuộc.

đ) Tăng cường sử dụng phần mềm quản lý trong trường phổ thông (quản lý học sinh, giáo viên, cơ sở vật chất...) theo hình thức trực tuyến. Phần mềm phải có chức năng quản lý và in ra được sổ điện tử đảm bảo đúng nội dung, đúng mẫu theo quy định. Chính thức đưa vào sử dụng sổ điện tử thay cho sổ giấy thông thường ở những nơi đã có phần mềm quản lý.

e) Tổ chức sử dụng và khai thác có hiệu quả các phần mềm đã được Bộ GDĐT tạo cung cấp dùng thống nhất trên toàn quốc:

- Hệ thống thông tin quản lý phổ cập giáo dục và chống mù chữ, cung cấp tại: http://pcgd.moet.gov.vn.

- Phần mềm hỗ trợ kiểm định chất lượng giáo dục trường mầm non cung cấp tại http://mamnon.eos.edu.vn.

- Phần mềm thống kê chất lượng giáo dục tiểu học, cung cấp tại http://eqms.eos.edu.vn.

- Phần mềm thống kê số liệu quản lý giáo dục cung cấp tại: http://thongke.moet.gov.vn hoặc http://thongke.smas.edu.vn.

g) Khai thác các website giáo dục:

[...]