Kính
gửi: Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa
Bộ Thông tin và Truyền thông
(TT&TT) nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Thanh Hóa do Ban Dân nguyện
chuyển đến theo công văn số 487/BDN ngày 14/6/2022, nội dung kiến nghị như sau:
Câu 1: Đề nghị nghiên
cứu trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Viễn thông theo hướng mở rộng phạm vi
và đối tượng điều chỉnh để phù hợp với sự phát triển của nền công nghiệp 4.0,
kinh tế số, hoạt động giao dịch điện tử. Do thực tiễn hiện nay xuất hiện các loại
hình dịch vụ mới, mô hình kinh doanh mới; yêu cầu hạ tầng viễn thông mở rộng
thêm các cấu phần mới để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế số, dẫn đến việc cần
phải mở rộng phạm vi quản lý của lĩnh vực viễn thông.
Sau khi nghiên cứu, Bộ TT&TT có ý
kiến trả lời như sau:
Ngày 13/6/2022, Quốc hội đã ban hành
Nghị quyết số 50/2022/QH15 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều
chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, trong đó Luật Viễn thông
đã được Quốc hội phê duyệt đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm
2023. Tại Hồ sơ đề nghị sửa đổi Luật Viễn thông, Bộ TT&TT đã đề xuất sửa đổi,
bổ sung các chính sách theo hướng mở rộng phạm vi và đối tượng điều chỉnh của
Luật, bổ sung thêm thành phần trung tâm dữ liệu vào cơ sở hạ tầng viễn thông và
có chính sách quản lý, thúc đẩy kinh doanh dịch vụ trung
tâm dữ liệu để phù hợp với xu thế mới và đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng
công nghiệp 4.0.
Ngoài ra, Bộ TT&TT cũng đã đề xuất
phân chia rõ phạm vi của các Luật có liên quan như Luật Giao dịch điện tử sửa đổi,
Luật Công nghiệp công nghệ số để đảm bảo không chồng chéo.
Bộ TT&TT sẽ tiếp tục nghiên cứu
các nội dung cụ thể trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Viễn thông sửa đổi.
Câu 2: Đề nghị
nghiên cứu trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Xuất bản năm 2012 quy định
cụ thể về việc xuất bản tài liệu không kinh doanh và việc đưa xuất bản phẩm lên
trang thông tin điện tử làm cơ sở để tổ chức thực hiện.
Sau khi nghiên cứu, Bộ TT&TT có ý
kiến trả lời như sau:
1. Hiện nay, đối với xuất bản tài liệu
không kinh doanh, pháp luật xuất bản đã quy định cụ thể như sau:
- Điều 25, Luật Xuất bản
quy định:
“1. Việc xuất bản tài liệu không
kinh doanh mà không thực hiện qua nhà xuất bản thì phải được cơ quan quản lý nhà
nước về hoạt động xuất bản sau đây cấp giấy phép xuất bản tài liệu không kinh
doanh:
a) Bộ Thông tin và Truyền thông cấp
giấy phép xuất bản tài liệu không kinh doanh của cơ quan, tổ chức ở trung ương
và tổ chức nước ngoài;
b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy
phép xuất bản tài liệu không kinh doanh của cơ quan, tổ chức khác có tư cách
pháp nhân, chi nhánh, văn phòng đại diện tại địa phương của cơ quan, tổ chức ở
Trung ương.
2. Tài liệu không kinh doanh phải
phù hợp chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức đề nghị cấp giấy phép xuất bản.
3. Chính phủ quy định danh mục tài
liệu không kinh doanh được cấp giấy phép xuất bản.
4. Cơ quan, tổ chức đề nghị cấp giấy
phép xuất bản tài liệu không kinh doanh lập hồ sơ gửi cơ quan quản lý nhà nước
về hoạt động xuất bản quy định tại khoản 1 Điều này và nộp phí thẩm định nội
dung tài liệu để cấp giấy phép. Hồ sơ bao gồm:
a) Đơn đề nghị cấp giấy phép;
b) Ba bản thảo tài liệu; trường hợp
tài liệu bằng tiếng nước ngoài phải kèm theo bản dịch bằng tiếng Việt. Đối với
tài liệu để xuất bản điện tử, phải lưu toàn bộ nội dung vào thiết bị số;
c) Bản sao có chứng thực giấy phép
hoạt động do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp đối với tổ
chức nước ngoài.
5. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ
ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản quy định tại
khoản 1 Điều này phải cấp giấy phép xuất bản, đóng dấu vào ba bản thảo tài liệu
và lưu lại một bản, hai bản trả lại cho tổ chức đề nghị cấp phép; trường hợp
không cấp giấy phép phải có văn bản trả lời nêu rõ lý do.
6. Cơ quan, tổ chức được cấp giấy
phép xuất bản tài liệu không kinh doanh có trách nhiệm:
a) Thực hiện đúng giấy phép xuất bản được cấp;
b) Bảo đảm nội dung tài liệu xuất
bản đúng với bản thảo tài liệu được cấp giấy phép;
c) Thực hiện ghi thông tin trên xuất
bản phẩm theo quy định tại Điều 27 của Luật này;
d) Nộp lưu chiểu tài liệu và nộp
cho Thư viện Quốc gia Việt Nam theo quy định tại Điều 28 của Luật này;
đ) Thực hiện việc sửa chữa, đình
chỉ phát hành, thu hồi hoặc tiêu hủy đối với tài liệu xuất bản khi có yêu cầu của
cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
e) Chịu trách nhiệm trước pháp luật
về tài liệu được xuất bản”.
- Điều 12, Nghị định số
195/2014/NĐ-CP về hướng dẫn Luật Xuất bản quy định:
“1. Tài
liệu không kinh doanh được cấp giấy phép xuất bản theo quy định tại Điều 25 Luật xuất bản bao gồm:
a) Tài liệu tuyên truyền, cổ động
phục vụ nhiệm vụ chính trị, các ngày kỷ niệm lớn và các sự kiện trọng đại của đất
nước;
b) Tài liệu hướng dẫn học tập và thi
hành chủ trương đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước;
c) Tài liệu hướng dẫn các biện
pháp phòng chống thiên tai, dịch bệnh và bảo vệ môi trường;
d) Kỷ yếu hội thảo, hội nghị, ngành nghề của các cơ quan, tổ chức Việt Nam;
đ) Tài liệu giới thiệu hoạt động của
các cơ quan, tổ chức nước ngoài đang hoạt động hợp pháp tại Việt Nam;
e) Tài liệu lịch sử đảng, chính
quyền địa phương; tài liệu phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương sau khi có ý kiến của tổ chức đảng, cơ quan cấp trên.
2. Thẩm quyền cấp giấy phép xuất bản
tài liệu không kinh doanh thực hiện theo quy định tại Khoản 1. Điều
25 Luật Xuất bản.
Đối với tài liệu của các đơn vị
quân đội nhân dân, công an nhân dân, cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động xuất
bản cấp giấy phép xuất bản sau khi có ý kiến của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an hoặc
cơ quan được Bộ Quốc phòng, Bộ Công an ủy quyền.
3. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền
thông quy định chi tiết về hồ sơ, thủ tục đề nghị cấp giấy phép xuất bản tài liệu
không kinh doanh đối với các tài liệu quy định tại Khoản 1 Điều này.”
- Điều 10, Thông tư số
01/2020/TT-BTTTT của Bộ TT&TT quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành
Luật Xuất bản và Nghị định số 195/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết về
hồ sơ và thủ tục.
Như vậy, hiện nay pháp luật đã quy định
cụ thể về quy trình, thủ tục, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với
việc xuất bản tài liệu không kinh doanh.
Tuy nhiên, qua phản ánh của một số cơ
quan quản lý địa phương đã phát sinh một số bất cập. Hiện nay, Bộ TT&TT đã
chỉ đạo đơn vị chuyên môn triển khai các bước để tiến hành Tổng kết 10 năm thi
hành Luật Xuất bản. Căn cứ kết quả đánh giá việc thi hành Luật Xuất bản và các
đề xuất, kiến nghị, Bộ TT&TT sẽ tổng hợp nội dung cần sửa đổi, bổ sung Luật
Xuất bản phù hợp với tình hình thực tiễn và thúc đẩy phát
triển ngành xuất bản, in, phát hành, trình Chính phủ đưa vào chương trình xây dựng
pháp luật của Quốc hội trong thời gian tới.
2. Đối với việc đưa xuất bản phẩm lên
trang thông tin điện tử:
- Việc đưa xuất bản phẩm lên trang
thông tin điện tử để thực hiện hoạt động phát hành phải thực hiện theo các quy
định tại Điều 35, Luật Xuất bản về hoạt động phát hành xuất
bản phẩm và Điều 36, Luật Xuất bản về điều kiện hoạt động
phát hành.
- Ngoài ra, nếu đưa xuất bản phẩm dưới
dạng điện tử lên trang thông tin điện tử phải đảm bảo thực hiện đúng quy định tại
Điều 45, Điều 46 Luật Xuất bản về phát hành xuất bản phẩm điện
tử; đồng thời bảo đảm thực hiện các quy định pháp luật về trang thông tin điện
tử.
Tuy nhiên, qua phản ánh của cử tri, một
số quy định về phát hành điện tử xuất hiện bất cập. Bộ TT&TT đã chỉ đạo đơn
vị chuyên môn triển khai các bước để tiến hành Tổng kết 10
năm thi hành Luật Xuất bản. Căn cứ kết quả đánh giá việc thi hành Luật Xuất bản
và các đề xuất, kiến nghị, Bộ TT&TT sẽ tổng hợp nội dung cần sửa đổi, bổ
sung Luật Xuất bản phù hợp với tình hình thực tiễn và thúc đẩy phát triển ngành xuất bản, in, phát hành, trình Chính phủ đưa vào chương
trình xây dựng pháp luật của Quốc hội trong thời gian tới.
Câu 3: Đề nghị
nghiên cứu trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí năm 2016; trong đó, bổ
sung quy định một số nội dung như: (i) loại hình báo chí, tạp chí nào được mở
Văn phòng đại diện, cử phóng viên thường trú tại các địa phương; số lượng phóng
viên của các văn phòng đại diện; điều kiện về tài chính đối với việc thành lập
văn phòng đại diện, phóng viên thường trú; về việc giải thể cơ quan báo chí về
cơ chế đặt hàng báo chí; sử dụng thẻ phóng viên, giấy giới thiệu... (ii) phân cấp
trách nhiệm cho cơ quan quản lý tại địa phương đối với hoạt động báo chí, như
việc cấp phép và quản lý văn phòng đại diện, phóng viên thường trú; (iii) trách
nhiệm của cơ quan chủ quản báo chí, cơ quan báo chí trong việc đảm bảo điều kiện
và giám sát hoạt động của các văn phòng đại diện tại các địa phương; (iv) về
liên kết hoạt động báo chí trên các nền tảng số.
Sau khi nghiên cứu, Bộ TT&TT có ý
kiến trả lời như sau:
Luật Báo chí năm 2016 đã có quy định
về việc thành lập cơ quan báo chí (khoản 3, Điều 18), Văn
phòng đại diện, phóng viên thường trú (Điều 22), liên kết
trong hoạt động báo chí (Điều 37). Tuy nhiên, Luật Báo chí
chưa quy định cụ thể loại hình báo chí, tạp chí nào được mở Văn phòng đại diện,
cử phóng viên thường trú tại các địa phương; số lượng phóng viên của các văn phòng
đại diện; điều kiện về tài chính đối với việc thành lập văn phòng đại diện,
phóng viên thường trú; về việc giải thể cơ quan báo chí; về cơ chế đặt hàng báo
chí; sử dụng thẻ phóng viên, giấy giới thiệu; phân cấp trách nhiệm cho cơ quan
quản lý tại địa phương đối với hoạt động báo chí, như việc cấp phép và quản lý
văn phòng đại diện, phóng viên thường trú; trách nhiệm của cơ quan chủ quản báo
chí, cơ quan báo chí trong việc đảm bảo điều kiện và giám sát hoạt động của các
văn phòng đại diện tại các địa phương; liên kết hoạt động báo chí trên các nền
tảng số như phản ánh của cử tri.
Liên quan đến vấn đề này, ngày
30/3/2022, Bộ TT&TT có báo cáo số 57/BC-BTTTT báo cáo Chính phủ về kết quả
nghiên cứu, rà soát Luật Báo chí năm 2016 và kiến nghị sửa đổi, bổ sung; trong
đó đã nêu ra một số nội dung quy định bất cập, không phù hợp thực tiễn về văn
phòng đại diện, phóng viên thường trú, đội ngũ phóng viên, giải thể cơ quan báo
chí, đặt hàng báo chí, liên kết trong hoạt động báo chí...
Ghi nhận ý kiến của cử tri, trong thời
gian tới đây, khi sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí năm 2016, Bộ TT&TT sẽ tiếp
tục nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền về những vấn đề nêu trên.
Trên đây là nội dung trả lời của Bộ
TT&TT đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Thanh Hóa, trân trọng gửi tới Đoàn
đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa để trả lời cử tri./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Ban Dân nguyện - Ủy ban TVQH;
- Ủy ban TWMTTQVN;
- Vụ QHĐP (VPCP);
- Vụ Dân nguyện (VPQH);
- Tổng Thư ký Quốc hội;
- Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng;
- Thứ trưởng Phạm Đức Long;
- Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn;
- Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng;
- Trung tâm Thông tin (để đăng lên Cổng TTĐT của Bộ);
- Lưu: VT, VP, TKTH.
|
BỘ
TRƯỞNG
Nguyễn Mạnh Hùng
|