Công văn 4114/LĐTBXH-VPQGGN năm 2023 trả lời kiến nghị của địa phương theo Thông báo 392/TB-VPCP do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành

Số hiệu 4114/LĐTBXH-VPQGGN
Ngày ban hành 29/09/2023
Ngày có hiệu lực 29/09/2023
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
Người ký Lê Văn Thanh
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Văn hóa - Xã hội

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4114/LĐTBXH-VPQGGN
V/v trả lời kiến nghị của địa phương theo Thông báo số 392/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 29 tháng 9 năm 2023

 

Kính gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Thực hiện Thông báo số 392/TB-VPCP ngày 24 tháng 9 năm 2023 của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương tại Phiên họp thứ 4 của Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 trực tuyến với các địa phương về sơ kết tình hình triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia từ năm 2021 đến nay và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời kiến nghị của địa phương chi tiết tại Phụ lục kèm theo.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội gửi các địa phương để nghiên cứu thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang (để b/c);
- Bộ trưởng (để b/c);
- Các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính,
Văn phòng Chính phủ (để t/hợp);
- Các đơn vị thuộc Bộ: TCGDNN, QLLĐNN, VL, KHTC, PC, VPB;
- Lưu: VT, VPQGGN.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Lê Văn Thanh

 

PHỤ LỤC

TRẢ LỜI KIẾN NGHỊ CÁC ĐỊA PHƯƠNG[1]
(Kèm theo Công văn số 4114/LĐTBXH-VPQGGN ngày 29/9/2023 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)

1. Kiến nghị số 1 (Lạng Sơn, Sóc Trăng): Bổ sung vốn cho Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 (CTMTQG GNBV) để các địa phương đầu tư cơ sở hạ tầng, phấn đấu hoàn thành mục tiêu về giảm nghèo theo Quyết định số 90/QĐ-TTg[2].

Trả lời:

Việc giao vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2021-2025, giao dự toán ngân sách hằng năm để thực hiện CTMTQG GNBV căn cứ vào mục tiêu, nhiệm vụ giai đoạn 2021-2025 thực hiện CTMTQG GNBV quy định tại Quyết định số 652/QĐ-TTg[3] và nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương quy định tại Quyết định số 02/2022/QĐ-TTg[4].

Riêng tỉnh Lạng Sơn: Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Lạng Sơn có Báo cáo số 392/BC-UBND ngày 04/8/2023 đề xuất điều chỉnh giảm 360,477 tỷ đồng vốn các CTMTQG đã phân bổ năm 2023 (trong đó, CTMTQG GNBV giảm 28,187 tỷ đồng) và năm 2024 đề xuất tổng vốn CTMTQG GNBV thấp hơn nguyên tắc, tiêu chí phân bổ là 33,203 tỷ đồng (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đã thông báo trần chi vốn sự nghiệp là 185,654; UBND tỉnh đề xuất 152,451 tỷ đồng). Do vậy, đề nghị UBND tỉnh Lạng Sơn xác định nhu cầu vốn từ nguồn ngân sách trung ương kinh phí CTMTQG GNBV phải bảo đảm theo đúng quy định về nguyên tắc, tiêu chí phân bổ tại Quyết định số 02/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, năng lực thực hiện của địa phương và bảo đảm thực hiện được các mục tiêu, nhiệm vụ giai đoạn 2021-2025 của CTMTQG GNBV. Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh Lạng Sơn nhất quán trong đề xuất vốn.

2. Kiến nghị số 2 (Quảng Trị, Sóc Trăng, Cà Mau): Đề nghị trung ương cho phép địa phương linh động điều chỉnh kinh phí dự toán năm 2022 và 2023 giữa các dự án, nội dung trong cùng một dự án đảm bảo không thay đổi tổng dự toán của từng dự án thuộc CTMTQG GNBV.

Trả lời:

Tại khoản 2 Điều 36 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 38/2023/NĐ-CP - sau đây viết tắt là Nghị định số 27/2022/NĐ-CP)[5] quy định cơ quan chủ chương trình thông báo tổng mức vốn sự nghiệp nguồn ngân sách trung ương hằng năm cho các bộ, cơ quan trung ương và tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chi tiết theo dự án thành phần của từng chương trình mục tiêu quốc gia. Đồng thời, theo quy định tại Điều 6 và Điều 7 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP thì việc lập, phê duyệt, giao kế hoạch thực hiện, dự kiến mức vốn bố trí, cơ cấu nguồn vốn theo từng hoạt động.

Thực hiện quy định trên, căn cứ đề xuất của các địa phương, Bộ LĐTBXH tổng hợp, gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Chính phủ trình Quốc hội giao trung hạn vốn đầu tư phát triển và dự toán vốn sự nghiệp thực hiện CTMTQG GNBV hằng năm. Khi cấp có thẩm quyền chưa có quy định mới, việc điều chỉnh dự toán kinh phí năm 2022, năm 2023 thực hiện theo quy định tại Điều 52 và Điều 53 của Luật Ngân sách nhà nước và Luật Đầu tư công.

3. Kiến nghị số 3 (Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Bắc Cạn, Bắc Giang, Hòa Bình, Quảng Ninh, Hưng Yên, Nam Định, Ninh Bình, Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận, Đắk Lắk, Gia Lai, Lâm Đồng, Tiền Giang, Vĩnh Long, Sóc Trăng): Đề nghị Bộ LĐTBXH sớm có văn bản hướng dẫn làm rõ các nội dung:

- Hướng dẫn đối với Dự án 1 Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.

- Hướng dẫn thực hiện các mô hình giảm nghèo phi nông nghiệp, như mô hình giảm nghèo gắn với dịch vụ, du lịch, thương mại, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh thuộc Dự án 2.

- Hướng dẫn “Người khuyết tật (không có sinh kế ổn định)”, “người dân” trên địa bàn nông thôn và “lao động nông thôn” và quy định rõ nhóm địa bàn “vùng nghèo, vùng khó khăn” thuộc phạm vi, đối tượng của Tiểu dự án 1 thuộc Dự án 4; hướng dẫn mức chi cho đối tượng thuộc hộ mới thoát nghèo và người lao động có thu nhập thấp thực hiện Tiểu dự án 1 thuộc Dự án 4; hướng dẫn cụ thể về nội dung và mức chi phát triển chương trình, học liệu đào tạo trình độ sơ cấp và dưới 03 tháng.

- Hướng dẫn nội dung hỗ trợ phát triển giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn vùng nghèo, vùng khó khăn.

- Hướng dẫn thực hiện Tiểu dự án 1: Phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn và Tiểu dự án 2: Hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (Dự án 4).

Trả lời:

a) Về hướng dẫn Dự án 1 Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo

Tại Nghị định số 27/2022/NĐ-CP quy định đầy đủ về cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện Dự án 1 CTMTQG GNBV như: lập và giao kế hoạch thực hiện, huy động và sử dụng nguồn vốn, cơ chế đặc thù trong tổ chức thực hiện dự án đầu tư xây dựng quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp. Do vậy, đề nghị địa phương thực hiện theo quy định hiện hành.

b) Về hướng dẫn thực hiện các mô hình giảm nghèo phi nông nghiệp, như mô hình giảm nghèo gắn với dịch vụ, du lịch, thương mại, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh thuộc Dự án 2

Tại điểm đ khoản 1 Điều 40 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP quy định UBND cấp tỉnh xây dựng, trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định định mức chi ngân sách nhà nước hỗ trợ thực hiện dự án, kế hoạch, phương án, nhiệm vụ phát triển sản xuất theo quy định tại Điều 21, Điều 22; nội dung hỗ trợ dự án, kế hoạch liên kết theo chuỗi giá trị; mẫu hồ sơ, trình tự, thủ tục, tiêu chí lựa chọn dự án, kế hoạch liên kết trong các ngành, nghề, lĩnh vực khác không thuộc lĩnh vực sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp quy định tại Điều 21; nội dung hỗ trợ, trình tự, thủ tục, mẫu hồ sơ, tiêu chí lựa chọn dự án, phương án sản xuất theo quy định tại Điều 22 Nghị định này.

Do vậy, đề nghị các tỉnh khẩn trương thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn thực hiện CTMTQG GNBV, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí khi nguồn vốn có mà người nghèo không được hưởng.

[...]