Công văn 6320/BLĐTBXH-VP năm 2024 trả lời kiến nghị của cử tri gửi trước Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành
Số hiệu | 6320/BLĐTBXH-VP |
Ngày ban hành | 12/12/2024 |
Ngày có hiệu lực | 12/12/2024 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội |
Người ký | Đào Ngọc Dung |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính |
BỘ LAO ĐỘNG -
THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 6320/BLĐTBXH-VP |
Hà Nội, ngày 12 tháng 12 năm 2024 |
Kính gửi: Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh: Hòa Bình và Quảng Ngãi
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhận được kiến nghị của cử tri các tỉnh: Hòa Bình và Quảng Ngãi do Ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyển đến tại Công văn số 942/BDN ngày 06/11/2024, nội dung như sau:
“Đề nghị nghị nghiên cứu sửa đổi tiêu chí thiếu hụt về bảo hiểm y tế (BHYT) trong công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm. Hiện nay, hộ nghèo, hộ cận nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 được quy định cụ thể tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27/01/2021 của Chính phủ. Theo Thông tư số 02/2022/TT-BLĐTBXH ngày 30/3/2022 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định xác định tiêu chí thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản có nêu: hộ gia đình có ít nhất một người từ đủ 6 tuổi trở lên hiện không có BHYT (không tính đối tượng thuộc nhóm do ngân sách nhà nước đóng BHYT theo quy định của Luật BHYT), được hiểu là sau khi rà soát đối với đối tượng được ngân sách nhà nước đóng BHYT thì xác định là đối tượng không có BHYT và được chấm 10 điểm về chỉ số thiếu hụt”.
Tại Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT quy định: người dân tộc thiểu số, người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn là các đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% mức đóng BHYT.
Như vậy, các hộ gia đình đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn khi đưa vào chấm điểm rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo thì sẽ mặc định được chấm 01 tiêu chí thiếu hụt về BHYT. Do đó, dẫn đến khó khăn trong tiến trình giảm hộ nghèo, hộ cận nghèo tại các địa phương” (Kiến nghị số 141).
“Đề nghị quan tâm ưu tiên bố trí thêm nguồn vốn đầu tư phát triển thực hiện Tiểu dự án 2 của Dự án 1 để có thể đảm bảo kế hoạch đưa huyện nghèo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn” (Kiến nghị số 142).
“Đề nghị Bộ cần quy định giá trị cụ thể bằng tiền là bao nhiêu các vật dụng thiết yếu trong gia đình khi đưa vào rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo” (Kiến nghị số 145).
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời như sau:
1. Kiến nghị số 141 và Kiến nghị số 145
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ghi nhận kiến nghị của cử tri để nghiên cứu khi xây dựng, trình Chính phủ quy định về chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2026-2030 và văn bản của cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn quy trình, phương pháp rà soát, xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2026-2030.
2. Kiến nghị số 142
Về nội dung cử tri kiến nghị, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã trả lời Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình tại Công văn số 5416/BLĐTBXH-VPQGGN ngày 29/10/2024 (văn bản kèm theo).
Trên đây là trả lời của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh: Hòa Bình và Quảng Ngãi để trả lời kiến nghị của cử tri./.
|
BỘ TRƯỞNG |