Công văn 3520/BGDĐT-GDTC năm 2020 về hướng dẫn nhiệm vụ giáo dục thể chất, thể thao và y tế trường học năm học 2020-2021 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Số hiệu 3520/BGDĐT-GDTC
Ngày ban hành 11/09/2020
Ngày có hiệu lực 11/09/2020
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Giáo dục và Đào tạo
Người ký Nguyễn Hữu Độ
Lĩnh vực Giáo dục,Thể thao - Y tế

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3520/BGDĐT-GDTC
V/v: Hướng dẫn nhiệm vụ giáo dục thể chất, thể thao và y tế trường học năm học 2020-2021

Hà Nội, ngày 11 tháng 9 năm 2020

 

Kính gửi:

- Các Sở Giáo dục và Đào tạo;
- Sở Giáo dục, Khoa học và Công nghệ tỉnh Bạc Liêu;
- Các Đại học, Học viện; các trường Đại học; Cao đẳng sư phạm và Trung cấp sư phạm.

Thực hiện Chỉ thị số 666/CT-BGDĐT ngày 24/8/2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) về nhiệm vụ và giải pháp năm học 2020-2021 của ngành Giáo dục; Quyết định số 2084/QĐ-BGDĐT ngày 27/7/2020 của Bộ trưởng Bộ GDĐT ban hành Khung kế hoạch thời gian năm học 2020-2021 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên, Bộ GDĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục thể chất, hoạt động thể thao và y tế trường học năm học 2020-2021 như sau:

A. Nhiệm vụ chung

Đẩy mạnh công tác giáo dục thể chất, hoạt động thể thao, y tế trường học trong các cơ sở giáo dục; triển khai hiệu quả các tài liệu, học liệu giáo dục nâng cao nhận thức, hướng dẫn kỹ năng an toàn trong hoạt động giáo dục thể chất, chủ động phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước cho học sinh, sinh viên (HSSV); tổ chức có hiệu quả câu lạc bộ thể thao trường học; triển khai thực hiện Đề án đảm bảo dinh dưỡng hợp lý và tăng cường các hoạt động vận động nhằm nâng cao tầm vóc, thể chất của trẻ em, HSSV; tăng cường các biện pháp phòng ngừa, ứng phó với dịch bệnh, đặc biệt là dịch bệnh Covid-19. Tổ chức thành công Hội khỏe Phù Đổng (HKPĐ) tại các khu vực và HKPĐ toàn quốc lần thứ X năm 2021. Hoàn thiện và sử dụng hiệu quả hệ thống cơ sở dữ liệu về giáo dục thể chất và y tế trường học của trẻ em, HSSV trong hệ thống cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục.

B. Nhiệm vụ và giải pháp cụ thể

I. Công tác giáo dục thể chất, hoạt động thể thao trường học

1. Các Sở GDĐT tiếp tục triển khai tổ chức HKPĐ cấp tỉnh/thành phố và chuẩn bị các đội tuyển học sinh tham gia HKPĐ toàn quốc lần thứ X năm 2021.

2. Tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định số 1076/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án Tổng thể phát triển Giáo dục thể chất và thể thao trường học giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025; tiếp tục triển khai Kế hoạch 398/KH- BGDĐT ngày 09/5/2019 về việc thực hiện Kết luận của Bộ trưởng tại hội nghị "Nâng cao chất lượng giáo dục thể chất và thể thao trường học trong ngành Giáo dục”. Thực hiện nghiêm việc kiểm tra, đánh giá thể lực HSSV theo Quyết định 53/2008/QĐ-BGDĐT ngày 18/9/2008.

3. Tổ chức các hoạt động giáo dục thể chất gắn liền với nội dung môn học nhằm đa dạng hóa các hoạt động vận động, khuyến khích học sinh tích cực, chủ động tham gia rèn luyện sức khỏe, phát triển thể chất; duy trì tổ chức các giải thi đấu thể thao cấp trường, cụm trường, cấp Ngành cho HSSV và tổ chức đội tuyển thể thao tham gia các giải thi đấu thể thao tại khu vực, toàn quốc và quốc tế (kèm theo phụ lục danh mục các hoạt động thể thao năm học 2020-2021).

4. Đẩy mạnh việc thành lập và duy trì hiệu quả hoạt động các câu lạc bộ thể thao trong các cơ sở giáo dục; duy trì việc tập luyện thể dục buổi sáng, thể dục giữa giờ, dạy các bài võ Cổ truyền, võ Vovinam... cho HSSV phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, hướng dẫn khai thác, sử dụng và tham gia các hoạt động giáo dục thể chất trên không gian mạng an toàn, hiệu quả; tăng cường công tác xã hội hóa, tạo điều kiện, thu hút sự tham gia của các tổ chức xã hội, các chương trình, dự án hỗ trợ nhằm phát triển công tác giáo dục thể chất và phong trào thể thao trường học.

II. Công tác Y tế trường học

1. Đề cao trách nhiệm, tăng cường quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm Lời kêu gọi đoàn kết để chiến thắng đại dịch COVID-19 của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước; các văn bản chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch bệnh của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế và Bộ GDĐT. Tuyệt đối không chủ quan, lơi lỏng; nắm chắc tình hình, dự báo, chủ động và phối hợp chặt chẽ, xây dựng kế hoạch, kịch bản, kịp thời đề ra các giải pháp hữu hiệu sẵn sàng ứng phó với các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra trong trường học.

2. Tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm túc công tác y tế trường học:

a) Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ sở giáo dục trong công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe trẻ em, HSSV, đảm bảo an toàn thực phẩm, các điều kiện vệ sinh trường học; đánh giá tình hình thực hiện Thông tư liên tịch số 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐT ngày 12/5/2016 của Bộ Y tế và Bộ GDĐT và các văn bản liên quan về công tác y tế trường học tại các cơ sở giáo dục.

b) Phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế và cơ quan Bảo hiểm Xã hội các cấp tiếp tục hướng dẫn thực hiện Bảo hiểm y tế (BHYT) HSSV, bảo đảm quyền lợi được chăm sóc sức khỏe ban đầu của HSSV trong trường học; đẩy mạnh tuyên truyền cho cha mẹ HSSV và vận động HSSV tham gia BHYT bắt buộc theo quy định tại Luật số 46/2014/QH13 ngày 13/6/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT. Phấn đấu đạt tỷ lệ 100% HSSV tham gia BhYT.

3. Thực hiện các quy định về an toàn trường học

a) Tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục theo Chỉ thị số 4316/CT-BGDĐT ngày 12/10/2018 của Bộ trưởng Bộ GDĐT; Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình, chính quyền địa phương trong việc giáo dục, hướng dẫn trẻ em, học sinh thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm; Kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm và các khâu chế biến, bảo quản, vận chuyển thực phẩm trong các cơ sở giáo dục.

b) Tổ chức thực hiện các quy định về công tác an toàn trường học, đảm bảo môi trường trường học xanh, sạch, đẹp, an toàn; tổ chức bữa ăn nội trú, bán trú trong các nhà trường đảm bảo dinh dưỡng hợp lý; tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, đảm bảo quyền trẻ em, giáo dục dân số, giáo dục giới tính, sức khoẻ sinh sản cho HSSV; chỉ đạo các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học tăng cường tuyên truyền về lợi ích của việc cho trẻ uống sữa, sản phẩm sữa cho trẻ em, học sinh phải đảm bảo chất lượng theo quy định.

c) Tăng cường công tác nước sạch và vệ sinh môi trường trong trường học, chú trọng việc giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường; xây dựng, hướng dẫn sử dụng và bảo quản các công trình cấp nước và công trình vệ sinh trong trường học; bảo đảm nước uống cho học sinh và điều kiện nhà vệ sinh trường học; tổ chức cho HSSV lao động vệ sinh công trình vệ sinh trường học; giải quyết tình trạng mất vệ sinh trường học.

4. Tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, truyền thông về giáo dục sức khỏe, vệ sinh cá nhân, tư vấn và chăm sóc sức khỏe tâm thần; tổ chức các hoạt động truyền thông hưởng ứng Ngày thế giới không thuốc lá (31/5), Ngày vệ sinh yêu nước (02/7); Tuần lễ quốc gia nước sạch, vệ sinh môi trường; tháng hành động vì trẻ em (từ 01-30/6) và các sự kiện khác liên quan đến công tác truyền thông chăm sóc sức khỏe trẻ em, HSSV.

III. Phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước

1. Phòng, chống tai nạn thương tích

a) Đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích theo Thông tư số 13/2010/TT-BGDĐT ngày 15/4/2010 quy định về xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích trong cơ sở giáo dục mầm non; Quyết định số 4458/QĐ-BGDĐT ngày 22/8/2007 quy định về xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích trong các trường phổ thông.

b) Chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện có hiệu quả công tác đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ trong các cơ sở giáo dục, có kế hoạch thống kê, kiểm soát, bảo quản, thu gom và xử lý các hóa chất độc hại nguy hiểm trong các nhà trường; rà soát, kiểm tra, thống kê toàn bộ hệ thống cơ sở vật chất trường, lớp, thiết bị phục vụ việc dạy, học; thiết bị phục vụ các hoạt động vui chơi, sinh hoạt của HSSV (phòng học, đồ dùng thí nghiệm, tường, rào, lan can... trong khuôn viên nhà trường), kịp thời sửa chữa, hoặc báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền phương án sửa chữa, thay thế, khắc phục tình trạng cơ sở vật chất, các thiết bị dạy học đã cũ, quá hạn có nguy cơ xảy ra tai nạn, nhằm đảm bảo an toàn đối với HSSV trước khi khai giảng năm học mới 2020-2021.

c) Tăng cường giáo dục HSSV kỹ năng phòng, tránh các loại tai nạn thương tích trong nhà trường và ngoài cộng đồng; nhắc nhở học sinh không chơi các trò chơi nguy hiểm như: chạy nhảy ở hành lang các tầng cao, leo trèo tường rào, lan can ...

2. Phòng, chống tai nạn đuối nước

a) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, lồng ghép nội dung giáo dục nâng cao nhận thức phòng, chống tai nạn đuối nước trong các hoạt động giáo dục, giờ học Giáo dục thể chất nhằm trang bị cho học sinh cách nhận biết nguy cơ đuối nước.

b) Chủ động phối hợp với các Sở, ngành liên quan tổ chức phát động phong trào phòng, chống tai nạn đuối nước và chỉ đạo các cơ sở giáo dục tổ chức các đợt phát động tại nhà trường trước dịp học sinh nghỉ hè năm 2021; tăng cường phối hợp giữa nhà trường, gia đình, chính quyền địa phương triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn cho HSSV trước, trong và sau các dịp nghỉ lễ, nghỉ hè.

[...]
4
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ