Công văn 3314-2/SGDĐT-CĐGD năm 2022 hướng dẫn tổ chức Hội nghị người lao động tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập năm học 2022-2023 do Sở Giáo dục và Đào tạo - Công đoàn ngành Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh ban hành

Số hiệu 3314-2/SGDĐT-CĐGD
Ngày ban hành 14/09/2022
Ngày có hiệu lực 14/09/2022
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Nguyễn Văn Hiếu,Nguyễn Thị Gái
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Giáo dục

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO -
CÔNG ĐOÀN NGÀNH GIÁO DỤC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3314-2/SGDĐT-CĐGD
Về hướng dẫn tổ chức Hội nghị người lao động tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập năm học 2022 - 2023

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 14 tháng 9 năm 2022

 

Kính gửi:

- Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thủ Đức và các quận, huyện;
- Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Chủ đầu tư, Người sử dụng lao động, Thủ trưởng và Chủ tịch CĐCS các Trường Trung học phổ thông, Trường THPT có nhiều cấp học và các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập trực thuộc;
- Chủ tịch CĐCS các Trường Trung cấp, Trường Cao đẳng ngoài công lập trực thuộc Công đoàn ngành Giáo dục thành phố.

Căn cứ Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động;

Căn cứ Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 28 tháng 12 năm 2017 ban hành Quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân;

Căn cứ Thông tư 40/2021/TT-BGDĐT ngày 30 tháng 12 năm 2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học loại hình tư thục;

Căn cứ Hướng dẫn số 11/HD-CĐN ngày 09 tháng 9 năm 2022 của Ban Thường vụ Công đoàn Giáo dục Việt Nam hướng dẫn Công đoàn tham gia xây dựng và tổ chức thực hiện dân chủ ở cơ sở tại các cơ quan, đơn vị, trường học năm học 2022 - 2023;

Căn cứ Công văn số 835/LĐLĐ ngày 22 tháng 10 năm 2021 của Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh v/v chỉ đạo tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức; hội nghị người lao động năm 2022;

Căn cứ Quyết định số 838/QĐ-GDĐT-VP ngày 10 tháng 5 năm 2018 về Ban hành Quy chế phối hợp công tác giữa Sở Giáo dục và Đào tạo và Công đoàn ngành Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo và Ban Thường vụ Công đoàn ngành Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh thống nhất hướng dẫn tổ chức Hội nghị người lao động tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập năm học 2022 - 2023 trong ngành như sau:

I. Những quy định chung về tổ chức hội nghị người lao động

1. Phạm vi, đối tượng thực hiện

- Các cơ sở giáo dục ngoài công lập; các Công ty cổ phần, Công ty trách nhiệm hữu hạn có Công đoàn cơ sở trực thuộc Công đoàn ngành Giáo dục Thành phố.

- Đối tượng thực hiện: Chủ đầu tư, Chủ tịch Hội đồng quản trị (người sử dụng lao động), Ban Chấp hành CĐCS hoặc Ban Chấp hành công đoàn lâm thời và người lao động của đơn vị.

- Lưu ý: Trường hợp người sử dụng lao động vắng mặt, phải làm giấy ủy quyền cho Thủ trưởng đơn vị hoặc thành viên có trách nhiệm khác; nội dung ủy quyền phải ghi rõ họ tên, chức vụ của người được ủy quyền và các nội dung được phép thay mặt người sử dụng lao động quyết định, ký kết các văn bản có tính pháp lý trong hội nghị.

2. Mục đích tổ chức hội nghị người lao động

- Tổ chức hội nghị người lao động trong các đơn vị nêu trên nhằm phát huy quyền dân chủ trực tiếp của người lao động, tạo điều kiện và tổ chức đối thoại theo quy định tại Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ để người lao động được biết, được tham gia ý kiến và giám sát những vấn đề có liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng; nghĩa vụ và trách nhiệm của người lao động.

- Thông qua việc thực hiện dân chủ trực tiếp tại hội nghị người lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, góp phần ngăn ngừa và hạn chế tranh chấp lao động, thực hiện dân chủ trong khuôn khổ pháp luật, góp phần xây dựng đơn vị vững mạnh, phát triển bền vững.

- Ký kết thỏa ước lao động tập thể giữa người sử dụng lao động và Ban Chấp hành CĐCS hoặc Ban Chấp hành công đoàn lâm thời hoặc Ban Thường vụ CĐGDTP đối với những đơn vị chưa thành lập tổ chức công đoàn (đại diện cho người lao động của đơn vị) thể hiện sự thống nhất bằng văn bản theo quy định.

3. Nguyên tắc tổ chức

- Hội nghị người lao động trong các đơn vị ngoài công lập và công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn phải được tổ chức hằng năm. Trường hợp cần thiết, người sử dụng lao động hoặc Ban Chấp hành CĐCS đề xuất tổ chức hội nghị người lao động bất thường.

- Hội nghị người lao động được thừa nhận là hợp lệ khi có sự tham dự của trên 2/3 tổng số giáo viên, nhân viên và người lao động hoặc 2/3 tổng số đại biểu được người sử dụng lao động và Ban Chấp hành CĐCS quyết định triệu tập (nếu là Hội nghị đại biểu).

- Nghị quyết của hội nghị người lao động chỉ có giá trị khi có trên 50% tổng số đại biểu chính thức dự hội nghị biểu quyết tán thành.

- Thỏa ước lao động tập thể chỉ có giá trị và thực hiện ký kết khi có trên 50% tổng số đại biểu chính thức tham dự hội nghị biểu quyết tán thành.

II. Trình tự và nội dung hội nghị người lao động

Xây dựng kế hoạch tổ chức Hội nghị người lao động từ cấp Phòng, Ban, Tổ, Phân xưởng (sau đây gọi là hội nghị cấp tổ) đến Hội nghị người lao động toàn cơ quan, đơn vị, công ty.

1. Hội nghị người lao động cấp tổ

1.1. Trưởng phòng ban, quản lý phân xưởng, tổ trưởng các tổ báo cáo kết quả thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch của năm trước và các chỉ tiêu nhiệm vụ năm học mới hoặc các chỉ tiêu nhiệm vụ sản xuất kinh doanh được giao trong năm kế hoạch của đơn vị.

1.2. Chủ tịch công đoàn bộ phận hoặc tổ trưởng công đoàn: báo cáo kết quả việc thực hiện các chế độ chính sách đối với người lao động trong phạm vi phòng ban, tổ, phân xưởng và các kiến nghị của người lao động; trình bày dự thảo sửa đổi bổ sung thỏa ước lao động tập thể hoặc dự thảo mới, dự thảo sửa đổi bổ sung nội quy, quy chế dân chủ của đơn vị.

1.3. Người lao động: Cán bộ, nhà giáo, người lao động hoặc công nhân sản xuất (sau đây gọi tắt là CBNGNLĐ) thảo luận các giải pháp để hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu nhiệm vụ năm học, các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh, đề xuất những sáng kiến, kiến nghị cải thiện điều kiện làm việc tại phòng ban, tổ, phân xưởng; nêu những kiến nghị với Hội đồng quản trị, người sử dụng lao động và Ban Chấp hành CĐCS; thảo luận nội dung dự thảo mới hoặc dự thảo sửa đổi bổ sung các nội quy, Quy chế dân chủ của đơn vị.

[...]