Công văn 292/BVCSTE-BVTE năm 2012 về hướng dẫn xây dựng và thực hiện các dự án, mô hình thuộc Chương trình quốc gia bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011 - 2015 do Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành

Số hiệu 292/BVCSTE-BVTE
Ngày ban hành 29/06/2012
Ngày có hiệu lực 29/06/2012
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
Người ký Nguyễn Hải Hữu
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Văn hóa - Xã hội

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
CỤC BẢO VỆ, CHĂM SÓC TRẺ EM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 292/BVCSTE-BVTE
V/v hướng dẫn xây dựng và thực hiện các dự án, mô hình thuộc Chương trình quốc gia bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011 - 2015.

Hà Nội, ngày 29 tháng 6 năm 2012

 

Kính gửi: Sở Lao động – Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố

Thực hiện công văn số 775/LĐTBXH-BVCSTE ngày 20/3/2012 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về việc hướng dẫn thực hiện Chương trình quốc gia bảo vệ trẻ em năm 2012; Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em biên soạn tài liệu hướng dẫn kỹ thuật về xây dựng và thực hiện các dự án, mô hình thuộc Chương trình. Tài liệu đã được hoàn thiện trên cơ sở các ý kiến đóng góp của đại diện Sở Lao động – Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố tại Hội nghị công tác Bảo vệ, chăm sóc trẻ em tháng 5 năm 2012, gồm: (i) công tác truyền thông, giáo dục vận động xã hội về bảo vệ, chăm sóc trẻ em; (ii) xây dựng thí điểm Hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em; (iii) xây dựng các mô hình trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; (iv) biểu mẫu theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện chương trình (tài liệu kèm theo).

Trên cơ sở tài liệu hướng dẫn của Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, đề nghị Sở Lao động – Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiên cứu, vận dụng cho việc xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các dự án, mô hình thuộc Chương trình bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011 – 2015 của mỗi địa phương. Trong quá trình thực hiện, tài liệu sẽ được từng bước hoàn thiện, làm cơ sở để đánh giá, nhân rộng mô hình./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- TT Doãn Mậu Diệp (để báo cáo);
- Các Phó Cục trưởng;
- Các phòng, đơn vị thuộc Cục;
- Lưu: VT, BVTE (03).

CỤC TRƯỞNG




Nguyễn Hải Hữu

 

HƯỚNG DẪN

XÂY DỰNG VÀ THỰC HIỆN CÁC DỰ ÁN, MÔ HÌNH THUỘC CHƯƠNG TRÌNH QUỐC GIA BẢO VỆ TRẺ EM GIAI ĐOẠN 2011 – 2015
(Kèm theo công văn số: 292/BVCSTE-BVTE ngày 29 tháng 6 năm 2012)

A. Hướng dẫn triển khai, thực hiện công tác truyền thông, giáo dục, vận động xã hội.

I. Mục đích, yêu cầu

1. Mục đích: Nâng cao chất lượng của công tác truyền thông, giáo dục, vận động xã hội, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, thái độ và hành động cụ thể của toàn xã hội về bảo vệ trẻ em, thực hiện quyền trẻ em.

2. Yêu cầu:

- Thông tin, tuyên truyền kịp thời, chính xác, luôn bám sát các vấn đề thời sự, cập nhật thông tin, hoạt động đa dạng, hình thức phong phú phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng địa phương, địa bàn;

- Tuân thủ các nguyên tắc thực hiện quyền trẻ em: (i) bình đẳng; (ii) vì quyền lợi tốt nhất; (iii) hài hoà các quyền; (iv) tôn trọng trẻ em.

- Công tác truyền thông, giáo dục và vận động xã hội được thực hiện trên phạm vi toàn quốc; ưu tiên địa phương có nhiều trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, vùng đồng bào dân tộc, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn;

- Lồng ghép nội dung tuyên truyền về bảo vệ trẻ em vào các hoạt động tuyên truyền phổ biến pháp luật chung về BVCSTE, các hoạt động truyền thông khác của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội và của địa phương;

- Sử dụng kinh phí theo đúng quy định hiện hành đảm bảo tính hiệu quả, minh bạch, lồng ghép với các nguồn kinh phí từ các chương trình, dự án khác như: Tuyên truyền phổ biến pháp luật về Lao động - Xã hội, Chương trình mục tiêu quốc gia về Dạy nghề, Chương trình mục tiêu quốc gia về Việc làm…và các chương trình, dự án khác của địa phương.

II. Nội dung hoạt động

1. Các hoạt động trọng tâm

1.1. Xây dựng Chiến lược, kế hoạch truyền thông về bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

- Khảo sát, đánh giá nhận thức của cộng đồng và xã hội về bảo vệ, chăm sóc trẻ em; Xây dựng, chiến lược, kế hoạch truyền thông về bảo vệ, chăm sóc trẻ em, tổ chức triển khai thực hiện khi được phê duyệt.

-Tổ chức thực hiện các hoạt động truyền thông và giám sát các hoạt động truyền thông; việc giám sát các hoạt động truyền thông có thể được tiến hành một cách trực tiếp như: quan sát, phỏng vấn, thảo luận, họp đánh giá,…; giám sát gián tiếp các hoạt động truyền thông như: nghiên cứu các báo cáo, thông tin số liệu; hoặc lồng ghép với các hoạt động giám sát bảo vệ, chăm sóc trẻ em khác;

- Định kỳ đánh giá kết quả thực hiện chiến lược, kế hoạch truyền thông về bảo vệ, chăm sóc trẻ em, ít nhất là 6 tháng một lần;

1.2. Biên soạn , phát hành hoặc nhân bản các tài liệu, ấn phẩm tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách về bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

- Nghiên cứu xây dựng tài liệu hướng dẫn tổ chức và thực hiện các hoạt động truyền thông, giáo dục, vận động xã hội về bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại cộng đồng.

- Nghiên cứu sản xuất và nhân bản các sản phẩm, ấn phẩm truyền thông về bảo vệ, chăm sóc trẻ em như: bộ thông điệp mẫu về bảo vệ , chăm sóc trẻ em, sách mỏng dành cho trẻ em và cha mẹ hướng dẫn các kỹ năng tự bảo vệ trước các nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, nguy cơ bị xâm hại, bạo lực; tờ rơi, tờ gấp tuyên truyền các quy định của pháp luật về xử phạt các hành vi vi phạm quyền trẻ em, về bảo vệ trẻ em đối với từng nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; sổ tay tuyên truyền kiến thức, kỹ năng về bảo vệ trẻ em dành cho các báo cáo viên, phóng viên, cộng tác viên, cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em;…

- Phát hành tài liệu về Chương trình quốc gia về bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011 – 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

- Sản xuất và phát sóng các chương trình truyền hình về bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

[...]