Công văn 775/LĐTBXH-BVCSTE hướng dẫn Chương trình quốc gia bảo vệ trẻ em năm 2012 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành

Số hiệu 775/LĐTBXH-BVCSTE
Ngày ban hành 20/03/2012
Ngày có hiệu lực 20/03/2012
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
Người ký Doãn Mậu Diệp
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 775/LĐTBXH-BVCSTE
V/v hướng dẫn thực hiện Chương trình quốc gia bảo vệ trẻ em năm 2012

Hà Nội, ngày 20 tháng 03 năm 2012

 

Kính gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Thực hiện Quyết định số 267/QĐ-TTg ngày 22/02/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình quốc gia bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011-2015 và Công văn số 4385/LĐTBXH-KHTC ngày 09/12/2011 về hướng dẫn kinh phí dự kiến phân bổ thực hiện các chương trình, đề án năm 2012; trên cơ sở đánh giá việc thực hiện Chương trình quốc gia bảo vệ trẻ em năm 2011, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện Chương trình quốc gia bảo vệ trẻ em năm 2012 như sau:

I. ĐỊNH HƯỚNG CHUNG

Huy động tối đa nguồn lực và sự tham gia của các ngành, các tổ chức xã hội và mọi người dân để thúc đẩy các hoạt động nâng cao nhận thức, trách nhiệm của gia đình, nhà trường, cộng đồng xã hội và trẻ em về bảo vệ trẻ em; củng cố hệ thống bảo vệ trẻ em, trong đó ưu tiên củng cố cơ cấu tổ chức bảo vệ, chăm sóc trẻ em các cấp và đảm bảo các điều kiện đáp ứng kịp thời, hiệu quả việc cung cấp các dịch vụ bảo vệ trẻ em.

II. MỤC TIÊU CỦA CHƯƠNG TRÌNH NĂM 2012

1. Giảm tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt xuống dưới 5,8% tổng số trẻ em.

2. 78% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp, chăm sóc để phục hồi, tái hòa nhập và có cơ hội phát triển.

3. 60% trẻ em được phát hiện có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt được can thiệp để giảm thiểu, loại bỏ nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.

4. 35% tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng và đưa vào hoạt động hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em.

III. NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG CỤ THỂ

1. Truyền thông, giáo dục, vận động xã hội

a) Nội dung: Tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật và chính sách liên quan đến trẻ em, đặc biệt tạo mối quan tâm và thúc đẩy sự thay đổi về nhận thức của toàn xã hội đối với công tác bảo vệ trẻ em; giáo dục kiến thức và kỹ năng bảo vệ trẻ em cho gia đình, cộng đồng; giới thiệu các mô hình làm tốt công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em; nhắc nhở, phê phán những hành vi vi phạm quyền trẻ em, những cơ quan, đơn vị, tổ chức chưa thực hiện đúng trách nhiệm của mình đối với việc thực hiện quyền trẻ em.

b) Hình thức truyền thông: Tổ chức các chiến dịch truyền thông theo các chủ đề; sử dụng các kênh truyền thông (báo chí, truyền hình, hệ thống phát thanh ở địa phương); tổ chức các hoạt động truyền thông trực tiếp tại cộng đồng; trường học; tổ chức truyên truyền thông qua các cuộc thi, các diễn đàn và sinh hoạt của các câu lạc bộ; lồng ghép các nội dung truyền thông, giáo dục, vận động xã hội về bảo vệ, chăm sóc trẻ em với các hoạt động của các ngành, các đoàn thể tại cộng đồng; phát hành tài liệu, thông điệp, các sản phẩm truyền thông phù hợp với từng đối tượng, địa bàn.

2. Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, cộng tác viên, tình nguyện viên tham gia công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

a) Đối với cán bộ cấp tỉnh, huyện (thực hiện chế độ bồi dưỡng bắt buộc tối thiểu kiến thức, kỹ năng chuyên ngành tối thiểu 05 ngày/năm đối với công chức theo quy định tại khoản 4, Điều 4 Nghị định số 18/2010/NĐ-CP ngày 05/3/2010 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng công chức): Quản lý nhà nước về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em; các văn bản luật pháp liên quan đến việc thực hiện các quyền trẻ em; kỹ năng quản lý và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch, đề án, dự án về bảo vệ, chăm sóc trẻ em; kỹ năng cơ bản làm việc với trẻ em; kiến thức cơ bản về Hệ thống bảo vệ trẻ em; kiến thức phòng chống tai nạn thương tích trẻ em; xây dựng xã, phường phù hợp với trẻ em; hệ thống chỉ số giám sát, đánh giá lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

b) Đối với cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em cấp xã và cộng tác viên, tình nguyện viên tham gia công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em (thời gian đào tạo từ 2-3 ngày): Quản lý nhà nước về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em (đối với cán bộ, công chức cấp xã); các văn bản pháp luật liên quan đến việc thực hiện các quyền trẻ em; sự phát triển tâm lý của trẻ em; kỹ năng cơ bản làm việc với trẻ em; mẫu biểu thu thập số liệu, báo cáo.

3. Xây dựng và phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em

a) Xác định địa bàn thí điểm: Căn cứ vào bối cảnh kinh tế - xã hội của địa phương; căn cứ thực trạng trẻ em và các điều kiện thực hiện công tác bảo vệ trẻ em; các tỉnh, thành phố xác định số lượng, địa bàn thí điểm Hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em theo tiêu chí sau:

- Tiêu chí chọn địa bàn cấp quận, huyện: Có sự quan tâm, ủng hộ và cam kết hỗ trợ huy động nguồn lực thực hiện mô hình của lãnh đạo chính quyền địa phương (thông qua việc phê duyệt Kế hoạch bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011-2015 cấp huyện); đội ngũ cán bộ có năng lực, nhiệt tình, tâm huyết, có khả năng đáp ứng các hoạt động bảo vệ trẻ em; là địa bàn có nhiều trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em bị xâm hại; trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, nguy cơ bị xâm hại.

- Tiêu chí chọn địa bàn cấp xã: Có sự quan tâm, ủng hộ và cam kết hỗ trợ huy động nguồn lực thực hiện mô hình của lãnh đạo chính quyền địa phương (thông qua việc phê duyệt Kế hoạch bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011-2015 cấp xã); đội ngũ cán bộ có năng lực, nhiệt tình, tâm huyết, có khả năng đáp ứng các hoạt động bảo vệ trẻ em; trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, nguy cơ bị xâm hại.

b) Củng cố hệ thống tổ chức và dịch vụ bảo vệ trẻ em:

- Kiện toàn cấu trúc tổ chức cán bộ bảo vệ trẻ em các cấp và mạng lưới cộng tác viên thôn, bản: Ban hành các văn bản quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan thường trực và các ngành liên quan các cấp trong việc thực hiện công tác bảo vệ trẻ em; có chính sách cụ thể đối với việc tổ chức và hoạt động của đội ngũ công tác viên thôn, bản; thống nhất cơ chế quản lý và điều hành các cấp; đào tạo cho cán bộ bảo vệ, chăm sóc trẻ em và cộng tác viên, nhóm trẻ nòng cốt…

- Củng cố và phát triển Trung tâm công tác xã hội trẻ em, Văn phòng tư vấn bảo vệ trẻ em, điểm tư vấn cộng đồng, trường học.

c) Cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em: Triển khai đồng bộ việc cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em 3 cấp độ (phòng ngừa, can thiệp giảm thiểu nguy cơ và trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt). Bảo đảm sự an toàn cho mọi trẻ em (Xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội đối với công tác bảo vệ trẻ em; trang bị kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ cho trẻ em); phát hiện và phối hợp trợ giúp trẻ em và gia đình, cộng đồng loại bỏ hoặc giảm thiểu nguy cơ dẫn đến trẻ bị ngược đãi, xâm hại, bóc lột, bạo lực, sao nhãng và rơi vào hoàn cảnh đặc biệt; đáp ứng nhu cầu tư vấn, tham vấn, trị liệu phục hồi tâm lý, thể chất trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em bị xâm hại, trẻ em bị bạo lực; trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em bị xâm hại, trẻ em bị bạo lực tiếp cận với các dịch vụ giáo dục, y tế, các phúc lợi xã hội khác, tạo điều kiện cho các em hòa nhập cộng đồng.

4. Xây dựng và nhân rộng các mô hình trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt dựa vào cộng đồng

a) Xác định địa bàn thí điểm: Căn cứ vào bối cảnh kinh tế - xã hội của địa phương; căn cứ thực trạng trẻ em và các điều kiện thực hiện công tác bảo vệ trẻ em; các tỉnh, thành phố xác định số lượng, địa bàn các xã, phường, thị trấn thí điểm mô hình trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt dựa vào cộng đồng theo tiêu chí sau:

- Địa bàn có nhiều đối tượng trẻ em là 1 trong 7 nhóm đối tượng tác động theo 4 mô hình của dự án 4 thuộc Quyết định số 267/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (xem xét dựa trên tỷ lệ % nhóm đối tượng trẻ em cần tác động trên địa bàn so với tổng số trẻ em bằng hoặc cao hơn tỷ lệ % nhóm đối tượng trẻ em cần tác động chung của cả tỉnh)

- Có sự quan tâm, ủng hộ và cam kết hỗ trợ huy động nguồn lực thực hiện mô hình của lãnh đạo chính quyền địa phương;

[...]
4
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ