BAN
TỔ CHỨC-CÁN BỘ CHÍNH PHỦ
********
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số: 219/TCCP-TC
V/v tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc uỷ
ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương mới được chia, điều
chỉnh
|
Hà
Nội, ngày 18 tháng 11 năm 1996
|
CÔNG VĂN
CỦA BAN TỔ CHỨC - CÁN BỘ CHÍNH PHỦ SỐ
219/TCCP-TC NGÀY 18 THÁNG 11 NĂM 1996 VỀ VIỆC TỔ CHỨC CÁC CƠ QUAN CHUYÊN MÔN
THUỘC UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG MỚI ĐƯỢC CHIA, ĐIỀU
CHỈNH
Kính gửi:
|
- Uỷ ban nhân dân các tỉnh,
thành phố trực thuộc trung ương,
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ
|
Để thực hiện điểm
b về tổ chức bộ máy trong Chỉ thị số 857/TTg ngày 15/11/1996 của Thủ tướng
Chính phủ về chỉ đạo tổ chức thực hiện việc chia, điều chỉnh địa giới hành
chính một số tỉnh;
Ban Tổ chức - Cán
bộ Chính phủ hướng dẫn về nội dung sắp xếp các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban
nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương mới được chia tách điều chỉnh
như sau:
I- NHỮNG CĂN CỨ ĐỂ SẮP XẾP CÁC CƠ QUAN CHUYÊN MÔN THUỘC UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH
1- Căn cứ chức
năng quản lý Nhà nước và nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Hội đồng nhân dân và Uỷ
ban nhân dân đã được pháp luật quy định và dựa vào đặc điểm địa bàn, dân số,
trình độ phát triển kinh tế - xã hội, trình độ cán bộ để xác định số lượng và vị
trí các cơ quan một cách cần thiết, sát thực, đủ sức thực hiện toàn diện các
nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu trước mắt đồng thời phù hợp với yêu cầu cải cách hành
chính của Chính phủ trong những năm tiếp theo.
2- Không nhất thiết
ở Trung ương có Bộ nào thì ở địa phương cũng phải có bấy nhiêu cơ quan tương ứng;
địa phương này có bao nhiêu tổ chức thì địa phương kia cũng có bấy nhiêu tổ chức.
Số lượng các tổ chức phụ thuộc vào tính chất và khối lượng công việc do đối tượng
quản lý nhiều ít, phức tạp hay đơn giản theo đặc thù riêng của từng địa phương.
Hướng chung một tổ chức chuyên môn có thể quản lý nhiều ngành, nhiều lĩnh vực
mà công việc có liên quan nhiều đến nhau.
3- Đối với các
công tác quan trọng, mang tính chất liên ngành và có liên quan đến nhiều Sở thì
không nên tổ chức nhiều cơ quan mang tính quản lý Nhà nước trực thuộc Uỷ ban
nhân dân mà nên giao cho một Sở liên quan nhiều nhất đảm nhiệm, hoặc đặt bộ phận
thường trực vào Văn phòng Uỷ ban nhân dân.
4- Khi sắp xếp các
tổ chức sự nghiệp cần phân loại theo tính chất và đối tượng phục vụ, hiệu quả
phục vụ xã hội để bố trí tổ chức một cách thích hợp.
II- TỔ CHỨC CÁC CƠ QUAN CHUYÊN MÔN THUỘC UỶ BAN NHÂN DÂN
A/ Từ yêu cầu nội
dung sắp xếp trên, số cơ quan chuyên môn giúp việc Uỷ ban nhân dân tỉnh thực hiện
chức năng quản lý Nhà nước như sau:
1- Sở Tư pháp
2- Thanh tra
3- Ban Tổ chức
chính quyền
4- Sở kế hoạch và
đầu tư
5- Sở Tài chính Vật
giá
6- Sở Khoa học
Công nghệ và Môi trường
7- Sở Lao động
Thương binh và Xã hội
8- Sở Văn hoá
Thông tin
9- Sở Nông nghiệp
và phát triển Nông thôn
10- Sở Thương mại
và Du lịch
11- Sở Công nghiệp
12- Sở Giao thông
Vận tải
13- Sở Xây dựng
14- Sở Địa chính
15- Sở Giáo dục và
Đào tạo
16- Sở Y tế
17- Uỷ ban Dân số
và Kế hoạch hoá gia đình
18- Uỷ ban bảo vệ
và chăm sóc trẻ em
19- Văn phòng Uỷ
ban nhân dân.
Trong Văn phòng Uỷ
ban nhân dân có thể thành lập các Phòng sau:
+ Phòng Biên giới
với các tỉnh có biên giới với các nước.
+ Phòng dân tộc đối
với các tỉnh có nhiều dân tộc thiếu số sinh sống.
+ Phòng Ngoại vụ đối
với các tỉnh có quan hệ với các nước, các tổ chức quốc tế và có nhiều ngoại kiều
sinh sống trên địa bàn.
+ Tổ chức lưu trữ
Nhà nước. (Phòng Lưu trữ) hoặc trung tâm lưu trữ.
+ Phòng Tôn giáo đối
với tỉnh có số lượng tôn giáo lớn, nhiều loại tôn giáo đang hoạt động.
Văn phòng lo quản
trị hành chính chung cho các cơ quan này còn về chuyên môn nghiệp vụ chịu sự chỉ
đạo của Uỷ ban nhân dân và cơ quan cấp trên.
B/ Chi cục Kiểm
lâm:
Theo Nghị định
39/CP ngày 18-5-1994 của Chính phủ thì Chi Cục kiểm lâm trực thuộc Uỷ ban nhân
dân tỉnh. Nhưng đối với các tỉnh mới được chia tách có khối lượng công việc về
Kiểm lâm ít và do điều kiện cán bộ còn thiếu, cơ sở vật chất khó khăn thì các tỉnh
báo cáo Thủ tướng Chính phủ đặt Chi cục Kiểm lâm vào Sở Nông nghiệp và phát triển
Nông thôn.
C/ Việc thành lập
Sở Thuỷ sản ở các tỉnh: Cà Mau, Bạc Liêu, Quảng Nam, Nam Định và thành phố Đà Nẵng
thì các tỉnh và thành phố phải cân nhắc kỹ và nếu thành lập phải có phương án
riêng để trình duyệt.
D/ Thành phố Đà Nẵng:
Sở Giao thông Vận tải được đổi tên thành Sở Giao thông công chính.
E/ Trên đây quy định
khung tổ chức tối đa. Tuy nhiên đối với các tỉnh có quy mô nhỏ khối lượng công
việc quản lý các lĩnh vực chưa nhiều thì khi tổ chức bộ máy có thể ghép một số
tổ chức sau:
- Sở Công nghiệp với
Sở thương mại du lịch để thành lập Sở Công thương hoặc 2 Phòng (Công nghiệp,
Thương mại Du lịch) trực thuộc Uỷ ban nhân dân.
- Sở Giao thông vận
tải với Sở xây dựng để thành Sở Giao thông - Xây dựng.
- Sở Tài chính vật
giá với Sở kế hoạch và đầu tư thành Sở Tài Chính - Kế hoạch.
- Sở Khoa học Công
nghệ Môi trường thành 1 phòng trực thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh.
Sau một thời gian ổn
định tổ chức và phát triển thì các tỉnh, thành phố sẽ có đề án tách các tổ chức
đã ghép.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
1- Căn cứ vào hướng
dẫn khung tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh, mỗi tỉnh lập
phương án tổng thể về sắp xếp tổ chức và biên chế các cơ quan nói trên. Để bảo
đảm tính ổn định cho các tỉnh mới, tạm thời giữ nguyên tổ chức các cơ quan giúp
việc Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã thuộc tỉnh.
2- Đối với các tổ
chức sự nghiệp tạm thời giữ nguyên hiện trạng. Căn cứ vào các Thông tư liên bộ
hướng dẫn về tổ chức và tình hình thực tế ở địa phương, các tỉnh mới chia lập đề
án trình duyệt các cấp có thẩm quyền quyết định.
3- Các tổ chức
ngành dọc của Trung ương đặt tại địa phương (trừ Công an, Quân đội) trước mắt
giữ nguyên đến khi ổn định đơn vị hành chính mới và có trách nhiệm bảo đảm phục
vụ công việc bình thường theo yêu cầu của các tỉnh, thành phố. Các Bộ, ngành ở
Trung ương có hệ thống ngành dọc đặt tại địa phương cần phối hợp với Uỷ ban
nhân dân tỉnh, thành phố được chia tách điều chỉnh xây dựng phương án chia tách
các tổ chức này và thoả thuận với Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ trước khi
trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
4- Trong quá trình
thực hiện có vấn đề gì vướng mắc, phát sinh mới Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành
phố, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ phản ánh kịp thời về Ban
Tổ chức - Cán bộ Chính phủ để phối hợp giải quyết theo thẩm quyền hoặc tổng hợp
báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định.