Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Nghị định 39-CP năm 1994 về hệ thống tổ chức và nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm lâm

Số hiệu 39-CP
Ngày ban hành 18/05/1994
Ngày có hiệu lực 18/05/1994
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Võ Văn Kiệt
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 39-CP

Hà Nội, ngày 18 tháng 5 năm 1994

 

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 39-CP NGÀY 18-5-1994 VỀ HỆ THỐNG TỔ CHỨC VÀ NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA KIỂM LÂM 

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Chương VII Luật Bảo vệ và phát triển rừng ngày 12 tháng 8 năm 1991;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp và Bộ trưởng, Trưởng ban Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ,

NGHỊ ĐỊNH:

I- HỆ THỐNG TỔ CHỨC KIỂM LÂM

Điều 1.- Kiểm lâm là lực lượng chuyên trách thừa hành pháp luật về quản lý rừng và bảo vệ rừng được tổ chức từ Trung ương đến huyện.

Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp chịu trách nhiệm trước Chính phủ lãnh đạo, quản lý thống nhất lực lượng Kiểm lâm về tổ chức, biên chế, kinh phí, trang bị kỹ thuật, nghiệp vụ, bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý rừng bảo vệ rừng trong phạm vi cả nước.

Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là tỉnh) chịu trách nhiệm trước Chính phủ trực tiếp quản lý toàn diện và chỉ đạo, kiểm tra hoạt động của lực lượng Kiểm lâm ở địa phương, bảo đảm thi hành nghiêm chỉnh pháp luật về rừng và việc quản lý, bảo vệ, sử dụng phát triển tốt tài nguyên rừng ở địa phương.

Điều 2.- Hệ thống tổ chức Kiểm lâm gồm có:

a) Ở Trung ương: Cục Kiểm lâm trực thuộc Bộ Lâm nghiệp.

b) Ở tỉnh nơi có rừng: Chi cục Kiểm lâm trực thuộc Uỷ ban Nhân dân tỉnh.

c) Ở huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (say đây gọi chung là huyện) nơi có rừng: Hạt Kiểm lâm trực thuộc Chi cục Kiểm lâm.

Ở các đầu mối giao lưu lâm sản quan trọng (đường bộ, đường thuỷ, đường sắt) và những trung tâm chế biến, tiêu thụ lâm sản, khi cần thiết được thành lập Hạt Phúc kiểm lâm sản trực thuộc Chi cục Kiểm lâm. Việc thành lập, giải thể và quy định nhiệm vụ của Hạt Phúc kiểm lâm sản do Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh quyết định sau khi thoả thuận với Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp.

Cơ quan Kiểm lâm các cấp có tư cách pháp nhân, có trụ sở, con dấu, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước.

Điều 3.-

a) Cục Kiểm lâm do Cục trưởng phụ trách, có một đến hai Phó Cục trưởng giúp việc. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Cục trưởng, Phó cục trưởng do Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp quyết định.

b) Chi cục Kiểm lâm do Chi cục trưởng phụ trách, có một đến hai Phó Chi cục trưởng giúp việc. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Chi cục trưởng do Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh quyết định sau khi có sự thoả thuận của Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Phó Chi cục trưởng do Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh quyết định.

c) Hạt Kiểm lâm, Hạt Phúc kiểm lâm sản do Hạt trưởng phụ trách, có một đến hai Phó Hạt trưởng giúp việc. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Hạt trưởng, Phó Hạt trưởng do Chi cục trưởng Kiểm lâm quyết định sau khi có sự thoả thuận của Ban Tổ chức chính quyền tỉnh.

II. NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA CƠ QUAN VÀ VIÊN CHỨC KIỂM LÂM

Điều 4.- Cục Kiểm lâm là cơ quan tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về quản lý rừng và bảo vệ rừng trong phạm vi cả nước, đồng thời là cơ quan chỉ đạo chuyên ngành về chuyên môn, nghiệp vụ và thừa hành pháp luật, đấu tranh ngăn chặn các hành vi phạm pháp luật về quản lý rừng và bảo vệ rừng. Cục Kiểm lâm có những nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể sau đây:

1. Theo dõi việc thi hành pháp luật, chính sách, chế độ, thể lệ về quản lý rừng bảo vệ rừng, quản lý lưu thông lâm sản. Đề xuất với Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp những chủ trương, biện pháp cần thiết để thực hiện tốt pháp luật, chính sách, chế độ, thể lệ trong lĩnh vực này.

2. Xây dựng trình Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp để Bộ ban hành hoặc trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành các văn bản pháp luật, chính sách, chế độ, thể lệ, quy tắc, quy chế, biển báo, mẫu biểu pháp lý cần thiết thuộc lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản và hướng dẫn chỉ đạo thực hiện các văn bản quy định đó.

3. Đề xuất với Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp việc tổ chức quản lý, bảo vệ các hệ thống rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất. Hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương thực hiện việc quản lý, bảo vệ các hệ thống rừng nói trên và các khu rừng chưa giao cho tổ chức, cá nhân quản lý, sử dụng theo quy định của Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp.

4. Phát hiện và đề xuất để Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp thực hiện thẩm quyền kiến nghị, đình chỉ thi hành những văn bản quy định của các cơ quan, tổ chức, địa phương, có nội dung trái pháp luật và các quy định của Bộ về quản lý và bảo vệ rừng.

5. Hướng dẫn, chỉ đạo công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động toàn dân tham gia bảo vệ và xây dựng vốn rừng, xây dựng lực lượng quần chúng bảo vệ rừng, đấu tranh ngăn chặn mọi hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng.

6. Chỉ đạo thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý theo thẩm quyền các vụ vi phạm thuộc lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng và lưu thông lâm sản.

7. Quản lý tổ chức, biên chế, trang bị cơ sở vật chất kỹ thuật, bồi dưỡng nghiệp vụ cho lực lượng Kiểm lâm trong cả nước theo quy định của Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp.

[...]