Công văn 209/BNV-BCĐ hướng dẫn về triển khai cuộc Điều tra cơ sở hành chính năm 2021 tại địa phương do Bộ Nội vụ ban hành

Số hiệu 209/BNV-BCĐ
Ngày ban hành 15/01/2021
Ngày có hiệu lực 15/01/2021
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Nội vụ
Người ký Nguyễn Trọng Thừa
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BỘ NỘI VỤ
BAN CHỈ ĐẠO ĐIỀU TRA CƠ SỞ HÀNH CHÍNH TRUNG ƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 209/BNV-BCĐ
V/v hướng dẫn triển khai cuộc Điều tra cơ sở hành chính năm 2021 tại địa phương

Hà Nội, ngày 15 tháng 01 năm 2021

 

Kính gửi:

- Ban Chỉ đạo Tổng điều tra kinh tế và Điều tra cơ sở hành chính các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Sở Nội vụ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Triển khai Thực hiện Quyết định số 1096/QĐ-BNV ngày 23/12/2019 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về tổ chức điều tra cơ sở hành chính năm 2021 và Quyết định số 1006/QĐ-BNV ngày 26/11/2020 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc ban hành Phương án Điều tra cơ sở hành chính năm 2021. Ban Chỉ đạo Điều tra cơ sở hành chính Trung ương hướng dẫn một số nội dung sau:

I. PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ TRONG BAN CHỈ ĐẠO TỔNG ĐIỀU TRA TẠI ĐỊA PHƯƠNG

Tại Công văn số 4854/BCĐTW-TTT ngày 29/7/2020 của Ban Chỉ đạo Tổng điều tra kinh tế Trung ương 2021 hướng dẫn công tác chuẩn bị Tổng điều tra kinh tế và Điều tra cơ sở hành chính năm 2021, theo đó các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập chung Ban chỉ đạo Tổng điều tra kinh tế và Điều tra cơ sở hành chính năm 2021 các cấp.

Để thực hiện hoàn thành tốt nhiệm vụ của cả hai cuộc điều tra, Ban Chỉ đạo Điều tra cơ sở hành chính Trung ương đề nghị Ban Chỉ đạo Tổng điều tra tại địa phương phân công rõ ràng vai trò, trách nhiệm, nhiệm vụ triển khai thực hiện 02 cuộc điều tra nói trên, trong đó cuộc Điều tra cơ sở hành chính năm 2021 do đồng chí Phó trưởng ban Ban chỉ đạo các cấp là Thủ trưởng cơ quan Nội vụ phụ trách. Đồng thời, phân công rõ ràng các thành viên Tổ thường trực giúp việc Ban chỉ đạo các cấp đối với từng cuộc điều tra để tổ chức thực hiện, tránh trường hợp phân công chung chung, không rõ vai trò, trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị.

II. HƯỚNG DẪN TUYỂN CHỌN GIÁM SÁT VIÊN, QUẢN TRỊ HỆ THỐNG PHỤC VỤ CUỘC ĐIỀU TRA CƠ SỞ HÀNH CHÍNH NĂM 2021

Ban Chỉ đạo Điều tra cơ sở hành chính Trung ương hướng dẫn các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, cấp huyện tuyển chọn giám sát viên, quản trị hệ thống các cấp phục vụ cuộc Điều tra cơ sở hành chính năm 2021 như sau:

1. Tuyển chọn giám sát viên

Cuộc điều tra cơ sở hành chính gồm 3 cấp giám sát: Giám sát viên cấp Trung ương, giám sát viên cấp tỉnh và giám sát viên cấp huyện. Giám sát viên các cấp là công chức ngành Nội vụ hoặc công chức, viên chức của các đơn vị được trưng tập cho cuộc điều tra.

Ban chỉ đạo các cấp chịu trách nhiệm tuyển chọn giám sát viên. Số lượng giám sát viên các cấp cần tuyển chọn như sau:

- Giám sát viên cấp Trung ương: Tùy tình hình thực tế để tuyển chọn, phân công giám sát viên;

- Giám sát viên cấp tỉnh: Tuyển chọn tối đa 05 giám sát viên cho 01 tỉnh;

- Giám sát viên cấp huyện cần tuyển như sau:

a) Đối với các địa phương thuộc các đô thị lớn (thành phố trực thuộc Trung ương):

- Giám sát cấp tỉnh: tuyển chọn 01 giám sát viên/ 03 huyện.

- Giám sát cấp huyện: tuyển chọn 01 giám sát viên/ 06 xã.

b) Đối với các địa phương thuộc khu vực trung du, miền núi phía Bắc và khu vực Tây nguyên:

- Giám sát cấp tỉnh: tuyển chọn 01 giám sát viên/ 03 huyện.

- Giám sát cấp huyện: tuyển chọn 01 giám sát viên/ 04 xã.

c) Đối với các địa phương thuộc khu vực còn lại (đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ, Duyên hải miền Trung, Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long):

- Giám sát cấp tỉnh: tuyển chọn 01 giám sát viên/ 03 huyện.

- Giám sát cấp huyện: tuyển chọn 01 giám sát viên/ 05 xã.

Nhiệm vụ của giám sát viên:

- Theo dõi kịp thời tiến độ thu thập thông tin tại địa bàn do người cung cấp thông tin cung cấp; đôn đốc người cung cấp thông tin thực hiện đúng tiến độ thu thập thông tin theo quy định:

- Kiểm soát logic, chất lượng thông tin do cơ sở cung cấp và liên hệ lại nếu cần xác minh, chỉnh sửa và cập nhật lại thông tin trên trang thông tin điện tử cuộc điều tra;

- Ghi mã, chuyển đổi những chỉ tiêu liên quan theo các bảng mà quy định (đơn vị hành chính, ngành kinh tế, sản phẩm sản xuất...);

- Báo cáo Tổ thường trực cấp tỉnh/huyện những vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai thu thập thông tin;

- Định kỳ báo cáo tiến độ và kết quả công việc được phân công.

[...]