Hướng dẫn 20/HD-BCĐTW về công tác giám sát, kiểm tra tổng điều tra cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp năm 2012 do Ban Chỉ đạo Tổng điều tra cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp Trung ương ban hành

Số hiệu 20/HD-BCĐTW
Ngày ban hành 23/06/2012
Ngày có hiệu lực 23/06/2012
Loại văn bản Hướng dẫn
Cơ quan ban hành Ban Chỉ đạo Tổng điều tra cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp Trung ương
Người ký Đỗ Thức
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BAN CHỈ ĐẠO TỔNG ĐIỀU TRA CƠ SỞ KTHCSN TRUNG ƯƠNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 20/HD-BCĐTW

Hà Nội, ngày 23 tháng 06 năm 2012

 

HƯỚNG DẪN

VỀ CÔNG TÁC GIÁM SÁT, KIỂM TRA TỔNG ĐIỀU TRA CƠ SỞ KINH TẾ, HÀNH CHÍNH, SỰ NGHIỆP NĂM 2012

Thực hiện Quyết định số 1271/QĐ-TTg ngày 27 tháng 7 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức Tổng điều tra cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp năm 2012 và Phương án Tổng điều tra ban hành theo Quyết định số 140/QĐ-BKHĐT ngày 09 tháng 02 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ban chỉ đạo Tổng điều tra cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp Trung ương hướng dẫn Ban chỉ đạo TĐT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương công tác giám sát, kiểm tra trong Tổng điều tra cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp năm 2012 những nội dung sau:

1. Khái niệm, mục đích

Giám sát, kiểm tra trong Tổng điều tra cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp năm 2012 (sau đây viết tắt là Tổng điều tra) là hoạt động của Ban Chỉ đạo TĐT cấp trên nhằm đôn đốc, theo dõi, xem xét, đánh giá hoạt động của Ban Chỉ đạo TĐT và Tổ thường trực Ban Chỉ đạo TĐT cấp dưới, điều tra viên, tổ trưởng trong việc thực hiện các nhiệm vụ, khối lượng công việc được giao. Giám sát, kiểm tra còn là nhiệm vụ của Ban chỉ đạo đối với Tổ thường trực, tổ trưởng, điều tra viên cùng cấp.

Giám sát, kiểm tra nhằm mục đích:

- Nắm tiến độ thực hiện công việc, những vướng mắc, khó khăn trong việc tổ chức Tổng điều tra tại địa bàn, giúp Ban Chỉ đạo TĐT các cấp chỉ đạo, giải quyết kịp thời;

- Phát hiện những sai sót trong quá trình triển khai công việc của Ban chỉ đạo TĐT các cấp, các điều tra viên, tổ trưởng để điều chỉnh, khắc phục;

- Làm căn cứ đề xuất cấp có thẩm quyền khen thưởng những trường hợp có thành tích xuất sắc, kiến nghị xử lý những trường hợp vi phạm nghiêm trọng các qui định của pháp luật;

2. Phạm vi giám sát, kiểm tra

Mọi công đoạn công việc của Tổng điều tra đều phải được giám sát, kiểm tra, trong đó tập trung vào giai đoạn chuẩn bị và thu thập thông tin, bao gồm: lập bảng kê các đơn vị điều tra; tổ chức tập huấn nghiệp vụ các cấp, thu thập số liệu tại địa bàn.

3. Yêu cầu của công tác giám sát, kiểm tra

Công tác giám sát, kiểm tra phải đảm bảo các yêu cầu sau:

-  Phải lập kế hoạch, chương trình giám sát, kiểm tra. Trong chương trình, kế hoạch cần có trọng tâm, trọng điểm vào các công việc chính;

- Thực hiện thường xuyên, liên tục, đặc biệt đối với những nội dung cần tập trung giám sát, kiểm tra, những địa bàn có số lượng lớn đơn vị điều tra;

-  Không trùng chéo giữa các đoàn và các cấp giám sát, kiểm tra. Không gây khó khăn, phiều hà cho cấp dưới, cơ sở trong quá trình tổ chức thực hiện;

- Xử lý, giải quyết kịp thời những vướng mắc của cơ sở trong thẩm quyền cho phép; báo cáo kịp thời cho Ban chỉ đạo TĐT cấp trên đối với những trường hợp vượt quá thẩm quyền.

4. Các hình thức giám sát, kiểm tra

- Định kỳ theo kế hoạch, có thông báo trước cho đơn vị, cá nhân được giám sát, kiểm tra;

- Đột xuất không báo trước cho đơn vị, cá nhân được giám sát, kiểm tra;

- Kiểm tra chéo, cấp trên giám sát, kiểm tra cấp dưới, kiểm tra trọng điểm, kiểm tra mẫu, tổng kiểm tra trước khi nghiệm thu.

5. Lực lượng giám sát, kiểm tra

- Ở Trung ương: là các thành viên Ban chỉ đạo và Tổ Thường trực TĐT Trung ương; công chức Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ, Vụ Thống kê Công nghiệp, Vụ Hệ thống Tài khoản quốc gia, Vụ Thống kê Xây dựng và Vốn đầu tư, Thanh tra Tổng cục và các đơn vị liên quan khác của Tổng cục Thống kê được giao nhiệm vụ giám sát, kiểm tra;

- Ở địa phương: là các thành viên Ban chỉ đạo và Tổ Thường trực TĐT cấp tỉnh, huyện, xã; công chức, thanh tra của Cục Thống kê và công chức của các Chi cục Thống kê được giao nhiệm vụ giám sát, kiểm tra.

6. Nhiệm vụ của giám sát viên và các đoàn kiểm tra

6.1. Nhiệm vụ của giám sát viên

- Làm việc với Ban Chỉ đạo TĐT cấp dưới để nắm tình hình triển khai nhiệm vụ, tiến độ thực hiện và những khó khăn, vướng mắc trong việc tổ chức thu thập thông tin tại địa phương;

- Cùng đại diện Ban chỉ đạo TĐT cấp xã, cán bộ Văn phòng/thống kê, trưởng thôn/ấp/bản hoặc tổ trưởng tổ dân phố đến một số cơ sở để giám sát hoạt động của điều tra viên, Tổ trưởng tại địa bàn theo quy trình và kịp thời giải đáp những vướng mắc trong thẩm quyền:

[...]