Công văn 14447/BTC-ĐT tình hình thanh toán vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước lũy kế 11 tháng, ước thực hiện 12 tháng kế hoạch năm 2023 do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 14447/BTC-ĐT
Ngày ban hành 29/12/2023
Ngày có hiệu lực 29/12/2023
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Trần Hồng Hà
Lĩnh vực Đầu tư,Tài chính nhà nước

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 14447/BTC-ĐT
V/v Tình hình thanh toán vốn đầu tư nguồn NSNN lũy kế 11 tháng, ước thực hiện 12 tháng kế hoạch năm 2023

Hà Nội, ngày 29 tháng 12 năm 2023

 

Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ.

Căn cứ Quyết định số 1513/QĐ-TTg ngày 03/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2023; thực hiện chế độ báo cáo theo quy định tại Luật Đầu tư công, Nghị định số 40/2020/NĐ-CP ngày 06/4/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư công, Bộ Tài chính báo cáo tình hình thanh toán vốn đầu tư nguồn NSNN lũy kế 11 tháng, ước thực hiện 12 tháng kế hoạch năm 2023 như sau:

I. Kế hoạch và tình hình phân bổ kế hoạch vốn

1. Kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2023

1.1. Tổng số vốn năm 2023 được Quốc hội quyết nghị là 711.684,386 tỷ đồng, vốn NSTW là 368.403,344 tỷ đồng, vốn NSĐP là 343.281,042 tỷ đồng, trong đó:

- Số vốn đã được Quốc hội phân bổ chi tiết cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương: 708.252,386 tỷ đồng (vốn NSTW là 364.971,344 tỷ đồng, vốn NSĐP là 343.281,042 tỷ đồng).

- Số vốn chưa phân bổ chi tiết là 3.432 tỷ đồng của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Căn cứ Nghị quyết của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ giao cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương là 708.252,4 tỷ đồng (bao gồm: vốn NSTW là 364.971,3 tỷ đồng, vốn NSĐP là 343.281,0 tỷ đồng).

Kế hoạch NSTW chưa được Thủ tướng Chính phủ giao là 3.432 tỷ đồng của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

1.2. Kế hoạch vốn cân đối ngân sách địa phương (NSĐP) năm 2023 các địa phương giao tăng so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (theo số liệu cập nhật đến thời điểm báo cáo) là 80.683,1 tỷ đồng.

1.3. Kế hoạch vốn các năm trước chuyển sang là 54.864,5 tỷ đồng, trong đó: NSTW là 29.664,3 tỷ đồng, NSĐP là 25.200,2 tỷ đồng.

Như vậy, tổng kế hoạch giao năm 2023 (kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, kế hoạch vốn cân đối địa phương giao tăng, kế hoạch các năm trước chuyển sang): 843.800,06 tỷ đồng. So với báo cáo tháng trước, kế hoạch tăng 12.707,17 tỷ đồng do các địa phương giao thêm nguồn cân đối.

2. Tình hình triển khai phân bổ chi tiết kế hoạch vốn của các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương (Chi tiết theo Phụ lục số 01 đính kèm)

2.1. Kế hoạch vốn đã triển khai phân bổ:

Tổng số vốn đã phân bổ là 773.583,7 tỷ đồng, đạt 109,22% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ đã giao (708.252,4 tỷ đồng). Trong đó, các địa phương giao tăng so với số kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao là 80.683 tỷ đồng. (Nếu không tính số kế hoạch vốn cân đối NSĐP các địa phương giao tăng là 80.683 tỷ đồng, thì tổng số vốn đã phân bổ là 692.900,6 tỷ đồng, đạt 97,83% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ đã giao).

2.2. Kế hoạch vốn chưa được triển khai phân bổ:

18/52 bộ, cơ quan trung ương và 30/63 địa phương phân bổ chưa hết kế hoạch vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao. Tổng số vốn chưa phân bổ chi tiết là 15.351,8 tỷ đồng, chiếm 2,17% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó: vốn NSTW là 10.071,8 tỷ đồng, vốn cân đối NSĐP là 5.280 tỷ đồng. Trong đó, riêng nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển KTXH chưa phân bổ là 4.836,587 tỷ đồng.

2.3. Nguyên nhân của việc chưa phân bổ hết kế hoạch vốn:

a) Đối với nguồn vốn ngân sách trung ương

- Số kế hoạch chưa phân bổ chủ yếu do dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển KTXH chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư. Một số dự án đường bộ liên vùng của địa phương chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư, thủ tục điều chỉnh dự án như: dự án Hữu Nghị - Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn; dự án hầm Hoàng Liên, tỉnh Lai Châu.

- Đối với các dự án giao thông trọng điểm được phân cấp cho các địa phương làm cơ quan chủ quản đầu tư hoặc có sự tham gia góp vốn của NSĐP, việc triển khai các thủ tục đầu tư, phân bổ vốn còn lúng túng, khó khăn trong phối hợp giữa các địa phương, đặc biệt đối với các dự án sử dụng nhiều loại nguồn vốn (ngân sách trung ương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tăng thu ngân sách trung ương năm 2021, ngân sách địa phương).

- Phần lớn kế hoạch vốn chưa phân bổ là do các bộ, ngành, địa phương đề nghị hoàn trả ngân sách trung ương (9.600 tỷ đồng của 17 bộ, cơ quan trung ương và 20 địa phương đề nghị hoàn trả).

- Vốn kế hoạch Chương trình mục tiêu quốc gia: các dự án đang thực hiện lập, phê duyệt dự án nên chưa đủ điều kiện để phân bổ vốn; số vốn 1.028 tỷ đồng mới được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1221/QĐ-TTg ngày 22/10/2023, một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương đang hoàn thiện thủ tục chưa kịp phân bổ hết.

b) Đối với nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương:

Vốn cân đối là 5.280 tỷ đồng do địa phương phân bổ phụ thuộc khả năng cân đối, phụ thuộc nguồn thu của ngân sách địa phương nên phân bổ vốn nhiều lần (TP Hồ Chí Minh, Khánh Hòa); địa phương chưa phân bổ hết vốn từ nguồn thu sử dụng đất (Cà Mau), địa phương điều chỉnh giảm do giảm vốn đầu tư từ nguồn thu sử dụng đất (Bình Phước, Ninh Bình).

(Chi tiết theo Phụ lục số 01A,B,C đính kèm)

II. Tình hình giải ngân kế hoạch vốn (Phụ lục số 02 đính kèm)

- Lũy kế thanh toán từ đầu năm đến ngày 30/11/2023 là 478.021,4 tỷ đồng/tổng kế hoạch là 843.800,06, đạt 56,65% kế hoạch.

[...]