Công văn 1427/CV/ĐC về việc hướng dẫn xử lý một số vấn đề về đất đai để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Số hiệu 1427/CV/ĐC
Ngày ban hành 13/10/1995
Ngày có hiệu lực 13/10/1995
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Tổng cục Địa chính
Người ký Chu Văn Thỉnh
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

 TỔNG CỤC ĐỊA CHÍNH

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

Số: 1427/CV/ĐC

Hà Nội, ngày 13 tháng 10 năm 1995

 

CÔNG VĂN

CỦA TỔNG CỤC ĐỊA CHÍNH SỐ 1427/CV/ĐC NGÀY 13 THÁNG 10 NĂM 1995 VỀ VIỆC HƯỚNG DẪN XỬ LÝ MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ ĐẤT ĐAI ĐỂ CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

 

Để việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không gặp trở ngại và đúng tinh thần của pháp luật đất đai, Tổng cục Địa chính hướng dẫn xử lý một số trường hợp phát sinh trước khi có Luật đất đai 1993 như sau:

I- VỀ VIỆC XEM XÉT NHỮNG GIẤY TỜ ĐỂ CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

1- Đối với những người đang sử dụng đất nếu có các giấy tờ sau đây thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

a) Giấy tờ do chính quyền cách mạng giao đất cho người sử dụng trong cải cách ruộng đất mà họ vẫn trực tiếp sử dụng đất đó liên tục từ đó đến nay.

b) Những giấy tờ được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao đất cho người sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam mà người được giao đất vẫn tiếp tục sử dụng đất từ đó đến nay;

c) Những giấy tờ chuyển nhượng đất của những người sử dụng đất hợp pháp từ năm 1980 trở về trước mà được chính quyền địa phương xác nhận;

d) Giấy tờ mua bán, chuyển nhượng nhà ở kèm theo quyền sử dụng đất, được chính quyền địa phương xác nhận;

đ) Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời do Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp hoặc có tên trong sổ địa chính nay vẫn tiếp tục sử dụng mà không có tranh chấp;

e) Giấy tờ hợp lệ do cơ quan có thẩm quyền thuộc chế độ cũ cấp cho người sử dụng đất, mà người đó vẫn sử dụng liên tục từ khi được cấp đến nay và hiện nay không có tranh chấp;

g) Giấy tờ về thanh lý, hoá giá nhà theo đúng chế độ quy định và thủ tục của Nhà nước.

2- Đối với những người hiện đang sử dụng đất nhưng không có giấy tờ hợp pháp, cần được xem xét khi tiến hành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

a) Người được thừa kế quyền sử dụng đất, gắn liền với nhà ở hoặc tải sản, mà không có tranh chấp về thừa kế nhưng chưa làm thủ tục sang tên trước bạ;

b) Người tự khai hoang đất đai từ 1980 trở về trước, mà phù hợp với quy hoạch và liên tục sử dụng cho đến nay và không có tranh chấp, người sử dụng đất đã làm đầy đủ các nghĩa vụ cho Nhà nước;

c) Người nhận chuyển nhượng đất ở thực sự có nhu cầu được chính quyền địa phương xác nhận;

d) Người sử dụng đất ổn định, không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch, được chính quyền xã, phường, thị trấn xác nhận và làm đầy đủ nghĩa vụ theo quy định của Nhà nước.

Người được xem xét để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nêu trong mục I này phải làm các thủ tục và nộp các khoản lệ phí theo quy định của Nhà nước.

3- Đối với việc giao đất không đúng thẩm quyền thì được xử lý như sau:

1- Căn cứ vào thời hiệu của Quyết định số 201/CP ngày 1-7-1980, Luật đất đai 1988 và hành vi vi phạm hậu quả gây ra mà có các biện pháp xử lý thích hợp trong từng hoàn cảnh cụ thể đối với người giao đất không đúng thẩm quyền như: xử phạt hành chính, cách chức, buộc thôi việc, nếu hành vi vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, hoặc tái phạm, thì truy cứu trách nhiệm hình sự.

2- Xử lý diện tích đất giao không đúng thẩm quyền để xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất:

a) Đất đã giao không vi phạm vào quy hoạch hiện nay và không phải đất đang có tranh chấp thì người đang sử dụng đất được hợp thức hoá quyền sử dụng đất. Diện tích đất được xem xét hợp thức hoá phù hợp với luận chứng kinh tế kỹ thuật đã được duyệt, nếu là đất làm nhà ở của hộ gia đình thì bằng mức đất ở theo quy định hiện nay của địa phương. Cơ quan có thẩm quyền hợp thức hoá xem xét để quyết định việc xử phạt hành chính về hành vi sử dụng đất trái phép đối với người được hợp thức hoá quyền sử dụng đất cho phù hợp với tình hình thực tế của từng trường hợp cá thể. Người được hợp thức hoá quyền sử dụng đất phải làm thủ tục hợp thức hoá quyền sử dụng đất, nộp lệ phí địa chính, nộp phạt hành chính theo quy định của cơ quan có thẩm quyền cho phép hợp thức hoá quyền sử dụng đất.

Trường hợp diện tích sử dụng vượt so với LCKTKT hoặc mức đất ở theo quy định thì phải nộp tiền sử dụng đất phần diện tích vượt hoặc thu hồi phần diện tích vượt đó.

b) Trường hợp đất ở được giao không đúng với quy hoạch hiện nay, nhưng quy hoạch đó chưa thực hiện thì người được giao đất tạm thời sử dụng, không được xây dựng thêm; khi Nhà nước thực hiện quy hoạch thì người đang sử dụng đất đó phải chuyển đi nơi khác. Tuỳ theo trường hợp cụ thể mà họ có thể được xem xét để hỗ trợ việc di chuyển chỗ ở.

c) Những trường hợp còn lại đều phải thu hồi theo khoản 6 Điều 26 Luật Đất đai.

III- ĐỐI VỚI VIỆC CHUYỂN NHƯỢNG ĐẤT TRÁI PHÉP ĐƯỢC XỬ LÝ NHƯ SAU

1- Các tổ chức đã được Nhà nước giao đất mà tự tiện đem chuyển nhượng cho người khác sử dụng thì: truy thu tiền chuyển nhượng đất nộp vào ngân sách Nhà nước; xử phạt hành chính. Trường hợp việc chuyển nhượng gây hậu quả nghiêm trọng, lợi dụng việc chuyển nhượng đất để tham ô, tư lợi thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người vi phạm.

[...]