Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Quyết định 201-HĐCP/QĐ năm 1980 về việc thống nhất quản lý ruộng đất và tăng cường công tác quản lý ruộng đất trong cả nước do Hội đồng Chính phủ ban hành

Số hiệu 201-HĐCP/QĐ
Ngày ban hành 01/07/1980
Ngày có hiệu lực 01/07/1980
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Hội đồng Chính phủ
Người ký Tố Hữu
Lĩnh vực Bất động sản

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 201-HĐCP/QĐ

Hà Nội, ngày 01 tháng 7 năm 1980

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ SỐ 201-HĐCP/QĐ NGÀY 1 THÁNG 7 NĂM 1980 VỀ VIỆC THỐNG NHẤT QUẢN LÝ RUỘNG ĐẤT VÀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ RUỘNG ĐẤT TRONG CẢ NƯỚC

Ruộng đất là tài nguyên vô cùng quý giá, là kết quả của quá trình đấu tranh và lao động hàng nghìn năm nay của nhân dân ta, là tư liệu sản xuất đặc biệt không gì thay thế được của sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, là nền tảng để phân bố và xây dựng các ngành kinh tế quốc dân, các khu dân cư, các công trình phục vụ đời sống và sự nghiệp phát triển văn hoá, củng cố quốc phòng.

Mấy năm gần đây, việc quản lý và sử dụng ruộng đất đã có nhiều tiến bộ, nhưng những hiện tượng tiêu cực như lấn chiếm ruộng đất, bỏ hoang hoá ruộng đất, sử dụng không đúng mục đích, mầu mỡ ruộng đất không được bảo vệ ... vẫn còn tiếp tục xẩy ra, mặc dầu Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản và đã thi hành một số biện pháp về việc tăng cường công tác quản lý ruộng đất.

Để đưa việc quản lý và sử dụng ruộng đất vào quy chế chặt chẽ, nâng cao ý thức trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức và mọi người trong việc sử dụng hợp lý, tiết kiệm với hiệu quả cao tất cả các loại ruộng đất, nhằm phát triển sản xuất, bảo vệ đất đai màu mỡ, bảo vệ môi trường, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức lại sản xuất trong cả nước theo hướng tiến lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, Hội đồng Chính phủ quy định việc thống nhất quản lý ruộng đất và tăng cường công tác quản lý ruộng đất trong cả nước như sau.

I. THỐNG NHẤT QUẢN LÝ RUỘNG ĐẤT TRONG CẢ NƯỚC

1. Toàn bộ ruộng đất trong cả nước đều do Nhà nước thống nhất quản lý theo quy hoạch và kế hoạch chung nhằm bảo đảm ruộng đất được sử dụng hợp lý, tiết kiệm và phát triển theo hướng đi lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa.

2. Quản lý Nhà nước đối với ruộng đất bao gồm các nội dung chính sau đây:

- Điều tra, khảo sát và phân bố các loại đất;

- Thống kê, đăng ký đất;

- Quy hoạch sử dụng đất;

- Giao đất, thu hồi đất, trưng dụng đất;

- Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các chế độ, thể lệ về quản lý sử dụng đất;

- Quy định các chế độ, thể lệ để quản lý việc sử dụng đất và tổ chức việc thực hiện các chế độ, thể lệ ấy.

3. Hội đồng Chính phủ thực hiện việc quản lý Nhà nước đối với toàn bộ ruộng đất trong cả nước.

Uỷ ban nhân dân các cấp được Hội đồng Chính phủ uỷ nhiệm thực hiện việc quản lý Nhà nước đối với toàn bộ ruộng đất trong địa phương (kể cả các loại đất đã giao cho các cơ quan trung ương), theo các chế độ, thể lệ thống nhất của Nhà nước và sự hướng dẫn của cấp trên.

4. Tổng cục quản lý ruộng đất và các cơ quan chuyên trách quản lý ruộng đất của Nhà nước ở địa phương có trách nhiệm giúp Hội đồng Chính phủ và Uỷ ban nhân dân các cấp thực hiện việc quản lý Nhà nước đối với toàn bộ ruộng đất trong cả nước và ở từng địa phương.

5. Các cơ quan, đơn vị sử dụng ruộng đất ở các ngành, các cấp, kể cả các hợp tác xã có trách nhiệm tổ chức việc sử dụng ruộng đất đã được giao đạt hiệu quả kinh tế cao và theo đúng các quy định của Nhà nước.

II. PHÂN LOẠI RUỘNG ĐẤT

Toàn bộ ruộng đất được phân thành 4 loại sau đây:

1. Đất nông nghiệp là đất được xác định dùng cho các lĩnh vực hoạt động của sản xuất nông nghiệp như trồng trọt, chăn nuôi hoặc nghiên cứu, thí nghiệm về trồng trọt hoặc chăn nuôi.

2. Đất lâm nghiệp là đất được xác định dùng cho các lĩnh vực hoạt động của sản xuất lâm nghiệp như khai thác rừng, trồng rừng, khoanh nuôi rừng, tu bổ cải tạo rừng ... và dùng để phòng hộ đầu nguồn, bảo vệ đất, bảo vệ môi trường.

3. Đất chuyên dùng khác là đất được xác định dùng vào các mục đích không phải là sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, bao gồm đất ở, đất xây dựng các công trình thuỷ lợi, công nghiệp, giao thông vận tải, quốc phòng, văn hoá, giáo dục, khoa học, y tế nghỉ mát, du lịch, kể cả các công trình phục vụ cho nông nghiệp và lâm nghiệp v.v...

4. Đất chưa sử dụng là đất chưa phân bổ vào mục đích nào hoặc chỉ mới tạm thời phân phối để sử dụng trong một thời gian ngắn.

Tổ chức phân loại đất, thủ tục phân loại và chuyển từ loại này sang loại khác do Hội đồng Chính phủ quy định căn cứ vào tình hình thực tế ruộng đất và nhu cầu phát triển của nền kinh tế quốc dân.

III. QUYỀN VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI SỬ DỤNG ĐẤT

1. Mọi tổ chức hay cá nhân sử dụng các loại đất (dưới đây gọi chung là người sử dụng đất) có các quyền sau đây:

a. Tiến hành trên đất mình sử dụng mọi hoạt động hợp pháp có lợi cho việc thực hiện mục đích sử dụng đã được quy định và được hưởng những hoa lợi do lao động của mình làm ra.

[...]