Công văn 1372/LĐTBXH-VP về kiến nghị của Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành
Số hiệu | 1372/LĐTBXH-VP |
Ngày ban hành | 04/05/2010 |
Ngày có hiệu lực | 04/05/2010 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội |
Người ký | Nguyễn Thanh Hòa |
Lĩnh vực | Lao động - Tiền lương |
BỘ
LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI |
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1372/LĐTBXH-VP |
Hà Nội, ngày 04 tháng 05 năm 2010 |
Kính
gửi: Văn phòng Chính phủ
Thực hiện ý kiến
chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 2466/VPCP-KGVX ngày 14/4/2010 của
Văn phòng Chính phủ về việc báo cáo, đề xuất giải quyết khó khăn, vướng mắc của
Khu công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
xin báo cáo như sau:
1. Về tiền ký quỹ
khi đưa người lao động đi đào tạo ở nước ngoài theo hình thức thực tập nâng cao
tay nghề và uỷ quyền đăng ký tại Ban Quản lý khu công nghệ cao đối với những
trường hợp đưa người lao động đi thực tập có thời hạn 90 ngày trở lên.
Kiến nghị: Công
ty Intel kiến nghị theo hướng bỏ quy định về ký quỹ và uỷ quyền cho Ban quản lý
Khu công nghệ cao được thực hiện đăng ký đối với những trường hợp trên 90 ngày
vì: (1) Phù hợp với thủ tục chung một cửa tại chỗ của Khu công nghiệp (2) Đáp ứng
nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao trong lĩnh vực công nghệ cao của
các doanh nghiệp.
Trả lời:
a. Về tiền ký
quỹ
Khoản
4 Điều 34 của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
đã quy định một trong những điều kiện để doanh nghiệp đưa người lao động đi
làm việc ở nước ngoài theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề là “Có tiền ký
quỹ thực hiện hợp đồng nhận lao động thực tập theo quy định của Chính phủ”.
Khoản
2 Điều 6 của Nghị định số 126/2007/NĐ-CP ngày 01/8/2007 của Chính phủ quy định
mức tiền ký quỹ của các doanh nghiệp này là 10% tiền vé máy bay một lượt từ nước
mà người lao động đến làm việc về Việt Nam.
Do vậy, theo quy
định hiện hành của Luật, doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước
ngoài theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề phải thực hiện ký quỹ thực hiện
hợp đồng nhận lao động thực tập.
b. Về uỷ quyền
đăng ký hợp đồng đưa lao động đi thực tập có thời hạn từ 90 ngày trở lên:
Khoản
(a) Điều 36 của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp
đồng quy định: Doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài
theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề có thời gian dưới 90 ngày đăng ký tại
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính. Khoản (b) Điều 36 của Luật quy định: Doanh nghiệp đưa người lao
động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề có thời
gian từ 90 ngày trở lên đăng ký tại Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
Điểm
(e) Khoản 3 Điều 4 Thông tư số 13/2009/TT-BLĐTBXH ngày 06/5/2009 của Bộ Lao
động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về
lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ
cao quy định: Căn cứ tình hình thực tế của từng địa phương và bộ máy của Ban quản
lý khu công nghiệp, các bên trao đổi để thống nhất uỷ quyền việc đăng ký kế hoạch
đưa người lao động đi thực tập ở nước ngoài dưới 90 ngày cho doanh nghiệp trong
khu công nghiệp.
Như vậy, trong
trường hợp doanh nghiệp đưa người lao động đi thực tập nâng cao tay nghề có thời
hạn dưới 90 ngày có thể vận dụng các quy định tại Thông tư 13/2009/TT-BLĐTBXH để
đăng ký thực hiện hợp đồng tại Ban Quản lý khu công nghệ cao. Trường hợp doanh
nghiệp đưa người lao động đi thực tập nâng cao tay nghề có thời hạn từ 90 ngày
trở lên, doanh nghiệp phải đăng ký thực hiện hợp đồng tại Bộ Lao động – Thương
binh và Xã hội (Cục Quản lý lao động ngoài nước).
Bộ Lao động –
Thương binh và Xã hội ghi nhận những kiến nghị về việc miễn tiền ký quỹ và đăng
ký hợp đồng đưa lao động đi thực tập ở nước ngoài có thời hạn từ 90 ngày trở
lên tại Ban quản lý khu công nghệ cao của Công ty Intel và sẽ xem xét khi đánh
giá tình hình thực hiện Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài
theo hợp đồng để có những sửa đổi bổ sung hợp lý.
2. Cấp giấy phép
lao động nước ngoài
Kiến nghị: Điều
chỉnh theo hướng Giấy xác nhận kinh nghiệm trong nghề nghiệp, trong điều hành sản
xuất, quản lý chỉ cần có “công ty mẹ” ở nước ngoài xác nhận và được sự đồng ý của
“công ty con” tại Việt Nam hoặc Giấy xác nhận kinh nghiệm trong nghề nghiệp điều
hành sản xuất, quản lý của công ty mẹ ở nước ngoài chỉ cần thông qua cơ quan đại
diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài.
Trả lời:
Theo quy định tại
điểm đ khoản 2 Điều 4 Nghị định số 34/2008/NĐ-CP ngày
25/3/2008 của Chính phủ quy định về tuyển dụng và quản lý người nước ngoài tại
Việt Nam, “Đối với người nước ngoài là nghệ nhân những ngành nghề truyền thống
hoặc người có kinh nghiệm trong nghề nghiệp, trong điều hành sản xuất, quản lý
mà không có chứng chỉ, bằng công nhận thì phải có bản xác nhận ít nhất 05 (năm)
kinh nghiệm trong nghề nghiệp, trong điều hành sản xuất, quản lý được cơ quan
có thẩm quyền của nước ngoài xác nhận”.
Việc xác nhận
người nước ngoài có kinh nghiệm trong nghề nghiệp, trong điều hành sản xuất, quản
lý được thực hiện bởi cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài xác nhận và theo quy
định của mỗi nước, do đó trong văn bản khó có thể liệt kê đầy đủ, kịp thời tất
cả các cơ quan có thẩm quyền này và các giấy tờ xác nhận phải được hợp pháp hoá
lãnh sự. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ghi nhận kiến nghị và sẽ phối hợp
với các cơ quan liên quan nghiên cứu vấn đề này.
3. Tiền lương tối
thiểu vùng
Kiến nghị: Đề
nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét khả
năng quy định mức tiền lương tối thiểu áp dụng theo vùng và lĩnh vực công nghệ
cao, trình Chính phủ ban hành.
Trả lời:
Căn cứ quy định
của Bộ luật Lao động, Chính phủ ban hành Nghị định số 97/2009/NĐ-CP và Nghị định
số 98/2009/NĐ-CP ngày 30/10/2009 quy định mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối
với các loại hình doanh nghiệp. Theo đó, mức lương tối thiểu vùng được quy định
theo địa bàn hành chính (tỉnh, thành phố, quận, huyện), doanh nghiệp đóng trên
địa bàn nào thì áp dụng theo mức lương tối thiểu theo địa bàn đó, không phân biệt
trong khu công nghiệp hay ngoài khu công nghiệp hoặc khu công nghệ cao. Mức
lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định là mức lương sàn thấp nhất để trả
cho lao động giản đơn, chưa qua đào tạo, làm việc trong điều kiện bình thường.
Tiền lương thực trả cho người lao động do hai bên thỏa thuận trong hợp đồng lao
động, thỏa ước lao động tập thể, nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu
do Nhà nước quy định.
Vì vậy, để nâng
cao tiền lương cho người lao động, nhất là người lao động làm những công việc
phức tạp, công nghệ cao thì không thể thực hiện qua mức lương tối thiểu do Nhà
nước quy định, mà phải thực hiện thông qua thương lượng, thỏa thuận tiền lương,
xây dựng các mức lương trong thang lương, bảng lương và ghi trong hợp đồng lao
động, thỏa ước lao động tập thể của từng doanh nghiệp. Để thực hiện được điều
này, cần thiết phải nâng cao năng lực thương lượng, thỏa thuận tiền lương cho
người lao động, vai trò của tổ chức công đoàn cơ sở và vai trò quản lý, hướng dẫn,
tư vấn của Ban quản lý khu công nghệ cao đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực
công nghệ cao của thành phố Hồ Chí Minh.
4. Cấp sổ lao động
Kiến nghị: Theo
Ban quản lý Khu công nghệ cao phản ánh, việc cấp sổ lao động thời gian qua
không đạt hiệu quả như mong muốn, gây lãng phí lớn cho doanh nghiệp và cơ quan
đăng ký cấp sổ. Thực tế hiện nay thông tin cần thiết về người lao động đã được
cập nhật đầy đủ trong sổ Bảo hiểm xã hội và điều này đáp ứng được nhu cầu thực
tế của doanh nghiệp, người lao động và cơ quan Bảo hiểm xã hội. Do đó, sổ lao động
thực sự không còn đem lại giá trị hữu ích. Kiến nghị nên bỏ quy định đăng ký cấp
sổ lao động hoặc thay bằng hình thức có hiệu quả hơn.
Trả lời:
Thực hiện Đề án
đơn giản hoá thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn
2007 – 2010, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã kiến nghị với Thủ tướng
Chính phủ bãi bỏ thủ tục hành chính này.