Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Công văn 10999/TCHQ-TVQT năm 2014 hướng dẫn về công tác quản lý, sử dụng tài sản tại đơn vị Hải quan do Tổng cục Hải quan ban hành

Số hiệu 10999/TCHQ-TVQT
Ngày ban hành 09/09/2014
Ngày có hiệu lực 09/09/2014
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Tổng cục Hải quan
Người ký Hoàng Việt Cường
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 10999/TCHQ-TVQT
V/v quy định chi tiết một số nội dung về công tác quản lý, sử dụng tài sản tại các đơn vị Hải quan

Hà Nội, ngày 09 tháng 09 năm 2014

 

Kính gửi: Các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan.

Để đảm bảo công tác quản lý, sử dụng tài sản tại các đơn vị Hải quan được chặt chẽ, tuân thủ các quy định, chính sách mới của Nhà nước về quản lý, sử dụng, xử lý tài sản công;

Căn cứ các quy định hiện hành của Nhà nước; trên cơ sở rà soát, kiểm tra công tác quản lý, sử dụng tài sản tại các đơn vị Hải quan trong thời gian qua;

Tổng cục Hải quan quy định chi tiết và hướng dẫn một số nội dung về công tác quản lý, sử dụng, xử lý tài sản tại các đơn vị Hải quan, cụ thể như sau:

1. Phạm vi và đối tượng áp dụng

1.1. Phạm vi áp dụng: Tất cả các đơn vị, cá nhân trong ngành Hải quan được giao quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.

1.2. Quy định về quản lý tài sản được áp dụng đối với tất cả các tài sản hình thành tại đơn vị không kể nguồn hình thành (nguồn kinh phí hoạt động do Tổng cục cấp; nguồn địa phương cấp; nguồn vốn viện trợ, vốn vay; hiện vật từ nguồn viện trợ của Chính phủ, tổ chức phi Chính phủ nước ngoài, tổ chức quốc tế; nguồn do doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho, biếu, tặng; hiện vật điều chuyển từ các dự án do nước ngoài tài trợ khi kết thúc dự án và các nguồn kinh phí hợp pháp khác….).

2. Nguyên tắc quản lý, sử dụng tài sản trong ngành Hải quan

2.1. Việc quản lý, sử dụng tài sản thực hiện theo quy định của Luật Quản lý tài sản nhà nước 09/2008/QH12 ngày 03/6/2008; Nghị định số 52/2009/NĐ-CP ngày 03/6/2009 của Chính phủ; Thông tư số 245/2009/TT-BTC ngày 31/12/2009 và Thông tư số 09/2012/TT-BTC ngày 19/01/2012 của Bộ Tài chính; Quyết định số 32/2008/QĐ-BTC ngày 29/5/2008 và Quyết định số 790/QĐ-BTC ngày 30/3/2012 của Bộ trưởng Bộ Tài chính; Quyết định số 995/QĐ-TCHQ ngày 10/5/2012 và Quyết định số 2224/QĐ-TCHQ ngày 27/6/2013 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan. Trong đó riêng:

a) Các tài sản là trang thiết bị chuyên dùng: ngoài quy định nêu trên, các đơn vị thực hiện theo Quyết định số 2385/QĐ-TCHQ ngày 29/10/2012 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan.

b) Các tài sản là vũ khí, công cụ hỗ trợ: ngoài quy định nêu trên, các đơn vị thực hiện theo các Quyết định số 2002/QĐ-TCHQ ngày 05/6/2013; Quyết định số 22/QĐ-TCHQ ngày 05/01/2013; Quyết định số 1183/QĐ-TCHQ ngày 17/06/2009; Quyết định số 730/QĐ-TCHQ ngày 08/4/2009 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan.

2.2. Tài sản được trang bị phải đảm bảo đúng tiêu chuẩn, định mức, quy chuẩn kỹ thuật, phù hợp với yêu cầu thực tiễn công việc; đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của đơn vị cũng như của ngành.

2.3. Các đơn vị, cá nhân sử dụng tài sản có trách nhiệm sử dụng đúng mục đích và công năng của tài sản, theo chuẩn mực được quy định của nhà sản xuất và quy trình nghiệp vụ Hải quan được cấp có thẩm quyền phê duyệt (nếu có); đồng thời có trách nhiệm giữ gìn, bảo quản, bảo trì, bảo dưỡng tài sản.

2.4. Trường hợp tài sản đưa vào sử dụng trước khi có quy trình, quy định riêng biệt về quản lý, sử dụng, vận hành, bảo dưỡng, bảo trì của cấp có thẩm quyền, các đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản có trách nhiệm:

a) Theo dõi, quản lý tài sản theo quy định chung về quản lý, sử dụng của nhà nước, của ngành.

b) Vận hành, bảo dưỡng, bảo trì tài sản theo quy định của nhà sản xuất tại các tài liệu kỹ thuật đính kèm tài sản hoặc theo chương trình đào tạo của nhà sản xuất khi bàn giao thiết bị.

2.5. Nghiêm cấm: Việc trang bị tài sản không đúng mục đích, tiêu chuẩn; trang bị tràn lan gây lãng phí, trang bị nơi không có nhu cầu sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả; sử dụng sai mục đích, sai quy trình gây hư hỏng, thất thoát tài sản nhà nước; cố ý làm hư hỏng tài sản, mất mát...

3. Thuê tài sản

3.1. Việc thuê tài sản thực hiện theo quy định tại Điều 5 Quy chế 790/QĐ-BTC ngày 30/3/2012 và phân cấp tại Điều 5 Quyết định số 995/QĐ-TCHQ ngày 10/5/2012 và Điều 1 Quyết định số 2224/QĐ-TCHQ ngày 27/6/2013. Trong đó:

a) Việc thuê kho, nhà công vụ, địa điểm tổ chức đào tạo (có thời gian đào tạo từ 01 tháng trở lên), địa điểm làm việc tập trung trong thời gian ngắn... được thực hiện như thuê trụ sở làm việc.

b) Việc thuê tài sản chuyên dùng được thực hiện theo Quyết định số 2385/QĐ-TCHQ ngày 29/10/2012.

c) Đối với những trường hợp thuộc thẩm quyền quyết định của thủ trưởng đơn vị dự toán cấp 3, nếu đơn vị quyết định tiếp tục thuê tài sản, mà tổng chi phí thuê tính từ khi bắt đầu thuê đến khi hết thời gian gia hạn thêm vượt quá 500 triệu đồng/1 đơn vị tài sản thì việc gia hạn phải báo cáo Tổng cục Hải quan xem xét, quyết định.

3.2. Thời gian ngắn tại tiết 4 điểm 1.1 mục 1 Điều 5 Quy chế 790/QĐ-BTC ngày 30/3/2012 được quy định là không quá 12 tháng.

3.3. Khi có nhu cầu thuê tài sản, các đơn vị lập phương án thuê tài sản báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định, cấp có thẩm quyền chỉ xét duyệt các phương án thuê tài sản bao gồm đầy đủ các nội dung sau:

a) Sự cần thiết thuê, thuê bổ sung tài sản (nêu rõ lý do thuê; đánh giá nhu cầu tại thời điểm báo cáo và dự kiến trong vòng 3 năm tới. Trường hợp thuê tạm thời trong khi chờ đầu tư trang bị thì nêu sơ bộ phương án đầu tư, dự kiến thời gian hoàn thành).

b) Phương án sử dụng, bố trí nhân sự sử dụng.

c) Yêu cầu về tài sản thuê: Thuyết minh số lượng tài sản thuê (có so sánh đối chiếu với tiêu chuẩn định mức của nhà nước, quy định của ngành); thuyết minh nhu cầu về vị trí, địa điểm thuê (trên cơ sở so sánh giữa các địa điểm cho thuê trên địa bàn)... đối với việc thuê trụ sở làm việc; thuyết minh tính năng, thông số cơ bản (trên cơ sở so sánh kỹ thuật một số hãng thiết bị cùng loại)... đối với việc thuê tài sản khác.

d) Thời hạn thuê (nêu rõ thời gian, căn cứ xác định).

[...]